Giải pháp nào cho những “nhà sáng chế chân đất”

Nội dung bài viết

Nông dân ở nhiều vùng đã tự chế thành công nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất như: robot gieo hạt, máy tách củ, quả, máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô, …Nhưng để những loại máy móc của “nhà sáng chế chân đất” được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế hay thương mại hóa sáng chế vẫn là bài toán nan giải.

Sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp là gì?

Sản xuất nông nghiệp được phân làm 2 loại hình chính là nông nghiệp thuần và nông nghiệp chuyên sâu. Nông nghiệp thuần là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có đầu vào hạn chế, sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ cho chính gia đình của mỗi người nông dân; trong nông nghiệp thuần không có sự cơ giới hóa.

Nông nghiệp chuyên sâu là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất, gồm cả việc sử dụng máy móc trong trồng trọt, chăn nuôi hoặc trong quá trình chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:

“12. Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Từ quy định trên, sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được hiểu là các giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng trong cả nông nghiệp sinh nhai và nông nghiệp chuyên sâu nhằm hỗ trợ cho con người trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

Thực trạng đăng ký sáng chế của người nông dân

Từ năm 2000 đến nay, đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ đã tăng dần và phần lớn là do các cá nhân, doanh nghiệp tạo ra và tiến hành nộp đơn. Trong số đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thì có khoảng 17% được cấp văn bằng bảo hộ (với các tiêu chuẩn: tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp), 43% đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ (với tiêu chuẩn tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp mà không cần có trình độ sáng tạo).

Trong số các chủ sáng chế đó có cả những “nhà sáng chế chân đất” – những người nông dân thực thụ. Phần lớn những người nông dân này không được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn nhưng lại say mê sáng tạo và đã tạo ra các máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động để giải quyết những công việc thực tế hàng ngày của nhà nông.

Thực tế nhiều sáng chế đã cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên để những sáng chế này được đưa vào sản xuất thương mại và sử dụng rộng rãi thì những “nhà sáng chế chân đất” đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong những khó khăn của người nông dân khi sáng chế ra sản phẩm thì việc làm thủ tục xin cấp bằng cho sáng chế của mình có thể coi là điều khó khăn nhất.

Điều 119 và 110 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định như sau:

Điều 119. Thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

“1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn.

  1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:
  2. a) Đối với sáng chế không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn;
  3. b) Đối với nhãn hiệu không quá chín tháng, kể từ ngày công bố đơn;
  4. c) Đối với kiểu dáng công nghiệp không quá bảy tháng, kể từ ngày công bố đơn;
  5. d) Đối với chỉ dẫn địa lý không quá sáu tháng, kể từ ngày công bố đơn.
  6. Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.
  7. Thời gian để người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn không vượt quá một phần ba thời gian thẩm định tương ứng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này …”.

Điều 110. Công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

“…2. Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn …”

Theo đó, thời gian kể từ ngày nộp đơn đến khi có câu trả lời đồng ý cấp bằng bảo hộ sáng chế là 38 tháng, đó là chưa kể đến việc hồ sơ bị trục trặc. Bất cập này đã khiến cho nhiều sáng chế của người nông dân bị lạc hậu hoặc chưa được cấp bằng đã bị người khác làm giả, làm nhái.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, một sáng chế được nộp đơn và cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cần có một bản mô tả sáng chế theo một mẫu nhất định và phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt, những yêu cầu này đòi hỏi nhà sáng chế phải có sự kết hợp với các luật sư sáng chế để có thể soạn thảo một bản mô tả đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, phần lớn các sáng chế của người nông dân đều chưa có sự kết hợp với các luật sư, dẫn tới sáng chế khi nộp bị thiếu sót, kéo dài thời gian thẩm định và đôi khi làm nản lòng nhà sáng chế.

Ngoài ra, nhiều nông dân đã làm ra những mẫu máy phù hợp với điều kiện sản xuất, chế biến của nền nông nghiệp nước ta, nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thương mại hóa những sáng chế của mình.

Thương mại hóa sáng chế là gì? Có thể hiểu: Thương mại hóa sáng chế là quá trình chuyển hóa sáng chế dưới dạng hình thái tri thức sang dạnh hình thái vật chất (sản phẩm hàng hóa) và gắn với thị trường.

Theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, các loại máy được hỗ trợ vay vốn ưu đãi được mở rộng, chứ không chỉ dừng lại ở những sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa trên 60%.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành cơ khí nông nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu, trong khi nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng lớn, nên nhà nước buộc hỗ trợ nông dân mua máy nước ngoài.

Điều này cũng dẫn tới nguy cơ ngành cơ khí nông nghiệp trong nước sẽ không còn tồn tại, còn những sáng chế của người nông dân sẽ không có nhiều điều kiện để phát triển.

Để khắc phục những khó khăn trên, thiết nghĩ trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể như:

Thứ nhất, giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp

Để đưa được một sáng chế ra thị trường không đơn giản. Nếu sáng chế là một công nghệ cụ thể thì việc phải đáp ứng được các tiêu chí lưu hành sản phẩm là quá trình dài hơi. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ tục hành chính cấp phép cho sản phẩm rườm ra, kéo dài. Do đó, để khuyến khích các nhà sáng chế, các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, thương mại hóa sáng chế nông nghiệp, Nhà nước cần tạo điều kiện giảm thiểu các thủ tục phức tạp, đẩy nhanh tiến độ trong hoạt động cấp giấy chứng nhận sáng chế.

Có sự tư vấn và giới thiệu các nhà sáng chế với đội ngũ luật sư sở hữu trí tuệ để giúp cho việc viết bản mô tả và đăng ký được suôn xẻ, tránh bị kéo dài.

 

Cục SHTT nên ưu tiên về thời gian thẩm định cho các nhà sáng chế Việt Nam, làm sao rút ngắn thời gian từ khi nộp đến khi cấp là 19 tháng.

Thứ hai, hỗ trợ hoạt động định giá sáng chế

Hiện nay, các công ty thẩm định giá được cấp phép chủ yếu chỉ thẩm định giá về tài sản hữu hình, còn tài sản vô hình chưa nhiều điều kiện để làm. Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng đến nay rất ít nhà sáng chế biết đến Thông tư này và đơn vị nào có thể giúp họ định giá được sáng chế. Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động định giá tài sản trí tuệ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về hoạt động định giá của các công ty thẩm định giá đến các nhà sáng chế, giúp họ xác định được giá trị sáng chế của mình, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, mua bán và góp vốn bằng giá trị sáng chế.

Thứ ba, cần có hỗ trợ vốn, các chính sách ưu đãi

Ngành nông nghiệp là ngành cần nhiều vốn, thời gian thực hiện kéo dài, nên thời gian thu hồi vốn lâu, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận không cao và nhiều rủi ro. Do vậy, vốn và các chính sách ưu đãi tín dụng là rất cần thiết. Nhà sáng chế rất cần tiếp cận các nguồn vốn với những chính sách ưu đãi, giải ngân nhanh và thời gian trả lâu dài, có như vậy thì nhà sáng chế, nhà đầu tư mới có thể yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, trong thời gian tới, Nhà nước nên có quy định về thế chấp tài sản vô hình (trong đó bao gồm sáng chế) để các nhà sáng chế có thể mang ra làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, giải quyết được khó khăn thiếu vốn.

Thứ tư: cần có sự phối hợp giữa nhà sáng chế và doanh nghiệp.

Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà sáng chế và doanh nghiệp để tạo ra những sáng chế tốt, doanh nghiệp cung cấp tài chính và điều kiện nghiên cứu còn nhà sáng chế chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu và sáng tạo, khi sản phẩm ra, đừng để nhà sáng chế phải thương mại hoá mà hãy để doanh nghiệp làm.

 

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan