Trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw về vấn đề được dư luận quan tâm gần đây, đó là các phiên đấu giá đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các địa phương xuất hiện những dấu hiệu bất thường, giá chốt kỷ lục, gấp hàng trăm, hàng nghìn lần giá khởi điểm.
Điều này tiềm ẩn những rủi ro nào với thị trường và giải pháp để khắc phục tình trạng trên là gì? Mời quý khách theo dõi nội dung ‘Giải mã cùng luật sư’: Giải pháp khắc phục những lỗ hổng trong đấu giá đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản?
Câu 1: Thưa ông, thời gian gần đây, lực lượng chức năng đang vào cuộc, xác minh, làm rõ những phiên đấu phiên đấu giá đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các địa phương có mức giá chốt cao bất thường, luật sư có đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Luật sư trả lời:
Nguyên nhân dẫn đến việc giá được đẩy lên cao có thể xuất phát từ việc đánh giá chưa chính xác giá trị của tài sản. So với mức giá ban đầu khởi điểm, người tham gia đấu thầu có thể đánh giá và kỳ vọng giá trị của tài sản cao hơn nhiều dẫn đến việc nâng giá và chốt giá ở mức cao bất thường. Ví dụ, đối với mỏ cát, sự khan hiếm và nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng không ngừng tăng lên cũng sẽ là cơ sở cho việc tăng cao trong giá đấu giá quyền khai thác cát. Vì thế khi tham gia đấu giá cũng cần xem xét để đánh giá được chính xác các yếu tố tạo nên giá trị cho các tài sản được đấu giá. Ví dụ như các mỏ khoáng sản thì cần đánh giá dựa trên trữ lượng,...
Thứ hai, là do việc đặt giá khởi điểm ở mức quá thấp so với thị trường, khi đó mức giá sau quá trình đấu giá sẽ có khoảng chênh lệch lớn so với mức giá được đưa ra. Hiện nay, giá đất ở nhiều địa phương đang có giá trị khoảng 30-40 triệu đồng/1m2 nhưng giá khởi điểm được đặt ở mức khoảng 7-8 triệu đồng/1m2.
Nguyên nhân thứ ba có thể đến từ hiện tượng thao túng giá, theo đó các đơn vị cấu kết, tham gia đặt cọc và đẩy giá cao lên, sau đó bỏ cọc, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giá chốt được đẩy lên rất cao, tạo ra mức giá mới ở vùng đó. Điều đó dẫn đến việc tăng giá trong các tài sản hay quyền tài sản trong khu vực địa lý đó.
Hơn thế nữa, việc giá trúng thầu tăng vọt, gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm, có thể là dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ. Các doanh nghiệp có thể sử dụng chiến lược trả giá cao để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, hoặc để tạo ra sự khan hiếm và từ đó nâng giá bán sản phẩm sau khi khai thác. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không thực sự có năng lực tài chính, nhưng vẫn tham gia đấu giá với mục tiêu chuyển nhượng lại quyền khai thác cho bên thứ ba với giá cao hơn.
Những hiện tượng trả giá cao bất thường đang tăng cao sẽ có nguy cơ về tính minh bạch và công bằng: Các cuộc đấu giá cần tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng. Tuy nhiên, những mức giá tăng cao đột biến như vậy dễ khiến dư luận nghi ngờ về việc có thể có sự thông đồng hoặc các hành vi thiếu minh bạch trong quá trình đấu giá. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, các cuộc đấu giá có thể trở thành môi trường cho các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các thỏa thuận ngầm không lành mạnh giữa các bên tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, việc giá đấu thầu quyền khai thác khoáng sản tăng cao có thể gây áp lực lên các doanh nghiệp trúng thầu trong việc khai thác nhanh chóng để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Điều này có thể dẫn đến khai thác quá mức, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương.
Câu 2: Những phiên đấu giá liên tục chốt với mức giá cao kỷ lục như vậy tiềm ẩn những rủi ro nào thưa luật sư? Đặc biệt với đối tượng có nhu cầu đấu giá thật sự, điều này tác động như thế nào đến họ?
Luật sư trả lời:
Những phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản với mức giá trúng thầu cao đột biến tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động tiêu cực, nhất là đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đấu giá thực sự. Trước tiên, giá đấu cao bất thường dễ dẫn đến nguy cơ thao túng và trục lợi, làm "bong bóng" giá trị quyền khai thác, từ đó gây lũng đoạn và bất ổn trong thị trường khoáng sản. Một ví dụ là cuộc đấu giá mỏ cát ĐB2B tại Quảng Nam, nơi giá trúng thầu đạt 370 tỷ đồng—gấp hơn 1,500% so với giá khởi điểm—đã gây nghi ngờ về tính khả thi và khả năng sinh lời của dự án, vì mức giá này vượt xa giá bán cát xây dựng thực tế tại địa phương. Khi giá trúng thầu quá cao, doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không thể triển khai dự án có thể bỏ cọc, gây ra lãng phí và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh kinh tế cũng như trật tự xã hội.
Thứ hai, mức giá phi lý như vậy làm hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu khai thác, nhưng không đủ nguồn lực tài chính để theo đuổi giá quá cao. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, loại trừ các đơn vị muốn khai thác đúng quy định, gây mất công bằng và khiến thị trường trở nên kém minh bạch. Để giảm thiểu tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các địa phương áp dụng quy trình quản lý chặt chẽ, tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đồng thời kiểm tra và giám sát sản lượng khai thác để tránh khai thác quá mức hoặc không đúng quy định. Những biện pháp này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực thực sự, đảm bảo hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch và phù hợp với luật pháp, từ đó bảo vệ lợi ích công cộng và duy trì ổn định thị trường.
Câu 3: Vậy ông có những đề xuất, kiến nghị nào để khắc phục những lỗ hổng trong đấu giá đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tránh để các đối tượng xấu làm nhiễu loạn thị trường, thưa ông?
Luật sư trả lời:
Quy định cụ thể về xác định giá khởi điểm: Hiện tại, việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá tài sản vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng và minh bạch. Cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn trong luật về phương pháp xác định giá khởi điểm để bảo đảm giá này phản ánh đúng giá trị thị trường. Điều này sẽ ngăn chặn việc lợi dụng việc định giá thấp để trục lợi và đảm bảo tính công khai, minh bạch, giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và giám sát.
Quy định tiêu chí cụ thể về năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính: Pháp luật hiện hành cần bổ sung các quy định chi tiết và cụ thể để đánh giá năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu giá, bao gồm cả kinh nghiệm triển khai dự án và tiềm lực tài chính. Điều này giúp bảo đảm chỉ những doanh nghiệp có khả năng thực hiện cam kết mới được tham gia đấu giá, tránh tình trạng đấu giá xong nhưng không triển khai, gây lãng phí tài nguyên và thời gian.
Công khai thông tin về quy trình thẩm định giá và xét duyệt năng lực doanh nghiệp: Thông tin về quá trình thẩm định giá và xét duyệt năng lực nên được công khai rộng rãi để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời để người dân và cơ quan quản lý giám sát. Các chi tiết như phương pháp định giá, quá trình xét duyệt và kết quả đấu giá nên được công bố đầy đủ, đảm bảo công bằng và hạn chế tiêu cực.
Áp dụng chế tài nghiêm khắc: Các hành vi gian lận, lợi dụng để thao túng giá cần được xử lý nghiêm minh, có thể xem xét áp dụng chế tài phạt tiền, cấm tham gia đấu giá trong một thời gian, hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nghiêm trọng.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng: Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý đất đai, khoáng sản, cơ quan điều tra và các ban ngành có liên quan cần chặt chẽ hơn để nắm bắt và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw đã đồng hành với chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’ hàng tuần của Báo Tin Tức. Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Hẹn gặp lại trong các chương trình sau của chuyên mục “Giải mã cùng luật sư”.
Mời quý khách hàng theo dõi chi tiết trong Podcast dưới đây
|