Giải pháp để triển khai quản lý thuế thương mại điện tử hiệu quả hơn

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn kênh VITV về Giải pháp để triển khai quản lý thuế thương mại điện tử hiệu quả hơn, sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn:

Đánh giá về công tác Quản lý thuế trong TMĐT hiện tại? Những cơ sở pháp lý quản lý thuế TMĐT hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa?

Trả lời:

Theo Nghị định 52/2013/NĐ – CP về thương mại điện tử thì hoạt động thương mại điện tử được định nghĩa là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Giao dịch thương mại điện tử bao gồm giao dịch giữa các doanh nghiệp với khách hàng (B2C), giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) thông qua mạng xã hội, website,…

Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh diễn ra, quá trình chuyển đổi số càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Nhiều doanh nghiệp chưa từng bán hàng trực tuyến, hoạt động online nay đã phải thay đổi. Có những khách hàng chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nhưng trong tình thế hạn chế giao tiếp giữa người với người cũng phải lựa chọn việc mua hàng online.

Song song với sự phát triển của thương mại điện tử là không ít vấn đề pháp lý đặt ra trong công tác quản lý, thanh tra và một trong các vấn đề được nhắc đến thường xuyên là việc quản lý thuế đối với hoạt động này. Tình trạng trốn thuế của các hình thức thương mại điện tử hiện đang diễn ra phổ biến. Nội dung quản lý thuế bao gồm: việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; quản lý thông tin người nộp thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ; xử phạt vi phạm hành chính;…

Luật Quản lý thuế 2019 ra đời đã bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử mà Luật Quản lý thuế 2006 không để cập đến. Theo đó, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu quản lý, giám sát không chỉ với hoạt động thương mại điện tử trong nước mà còn với các hoạt động xuyên biên giới. Cụ thể, Bộ Công thương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại và các hoạt động liên quan. Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ:

- Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử;

- Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Ngoài ra, Luật Quản lý thuế 2019 cũng quy định các nguyên tắc tính thuế, khai thuế dành riêng cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Theo Khoản 4 Điều 42 Luật này, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Dù quy định là vậy nhưng trên thực tế, việc quản lý thuế vẫn gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên xuất phát từ việc phần lớn các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook, Instagram,… hiện nay không tiến hành đăng ký kinh doanh. Mặt khác, số lượng người tham gia kinh doanh như vậy ngày càng nhiều khiến cơ quan Nhà nước khó theo dõi, xác định đối tượng để tiến hành kiểm tra, thu thuế. Vấn đề xác định doanh thu, thu nhập chính xác của các chủ thể này còn phức tạp hơn.

Hiện nay, chưa có các công cụ để kiểm soát, theo dõi số lượng giao dịch hay doanh thu từ các hoạt động này. Bên cạnh đó, để tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động thương mại điện tử thì các cán bộ, chuyên viên phải có trình độ tin học, ngoại ngữ cao, am hiểu về các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ. Cơ sở pháp lý hiện nay vẫn còn ở mức sơ khai, cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện. Với những khó khăn như vậy thì việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử hiện tại còn nhiều hạn chế, chưa được tiến hành triệt để.

Các DN gặp khó khăn, vướng mắc gì trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế?

Trả lời:

Những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải là thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn nhiều thời gian, có những thông tư hướng dẫn ban hành chậm trễ, gây khó khăn trong việc theo dõi, năm bắt thông tin của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan Nhà nước cũng đang quyết liệt để thay đổi, khắc phục những bất cập này.

  1. Bên cạnh đó, hiện nay việc kinh doanh bán hàng qua các nền tảng Mạng xã hội ở VN đang phát triển ồ ạt. Theo anh, làm sao để có thể quản lý được hết những đơn vị như vậy để tránh những rủi ro, cũng như đảm bảo tránh thất thu ngân sách NN?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 6 Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử, có quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như sau:

  1. 1. Các mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử.
  2. Thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật.
  3. Người bán trên các mạng xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử quy định tại điểm a, b và c Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52/2013/NĐ – CP gồm:

– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

– Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

– Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Căn cứ theo quy định trên thì người bán hàng trên mạng xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 47/2014/TT-BCT phải tuân thủ theo những quy định tại Điều 37- Nghị định số 52/2013/NĐ-CP trong đó có nghĩa vụ phải nộp thuế của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Như vậy, người bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sở công thương cũng cần làm việc với các chủ sở hữu của các sàn giao dịch thương mại điện tử để có thể đưa ra biện pháp quản lý thuế đối với hình thức bán hàng online.

Việt Nam cần làm việc với các sàn thương mại điện tử để có sự hiện diện hợp pháp văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam, đuôi .vn

Sau đó, người kinh doanh trên mạng xã hội cũng phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật như cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin gồm tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ; Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; Đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ….

Từ việc đăng ký hợp pháp đó của người kinh doanh trên mạng xã hội, thì cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế theo quy định trong Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần ban hành các văn bản chế tài cụ thể đối với người vi phạm.

Ý kiến của anh về việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý thuế TMĐT?

Trả lời:

Các ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đã hỗ trợ cơ quan Thuế các cấp xử lý khối lượng thông tin về người nộp thuế và quản lý thuế lớn, góp phần tạo lập được kho cơ sở dữ liệu về quản lý thuế, đồng thời cũng đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan; hỗ trợ người nộp thuế giảm thủ tục khai, nộp thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế cho người dân và doanh nghiệp.

100% công chức thuế làm việc tại các bộ phận thực hiện khai thác, xử lý thông tin trên ứng dụng theo quyền truy cập để giải quyết công việc đảm bảo nhanh gọn, việc cập nhật dữ liệu chỉ phải nhập ở một bộ phận và kết suất ra nhiều loại báo cáo, sổ sách để các bộ phận khác khai thác dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác phục vụ tốt cho việc xử lý và điều hành công việc của đơn vị, tạo ra tác phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.

Kiến nghị của anh để triển khai quản lý thuế TMĐT hiệu quả hơn?

Trả lời:

Luật Quản lý thuế 2019 đã tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ vững vàng hơn đối với hoạt động quản lí thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các nhóm đối tượng chính hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử bao gồm: các cá nhân kinh doanh qua mạng; tổ chức, cá nhân cung cấp các ứng dụng hoặc sản phẩm trên Youtube, Google Play, Apple Store …; các tổ chức cung cấp nền tảng thương mại điện tử (ví dụ như sàn thương mại điện tử, website, …). Cơ quan thuế đã thay đổi tư duy rất tiến bộ là thay vì tập trung thu thập dữ liệu từng cá nhân nhỏ lẻ, cơ quan thuế sẽ dựa vào dòng tiền để thu thuế.

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế, đối với những chủ thể không đăng ký, đặt máy chủ ở Việt Nam, “ ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam”. Tuy nhiên, để triển khai quy định này trên thực tế thì cũng chưa thực sự khả quan, cụ thể, quy định này sẽ gây khó khăn cho ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán trong việc xác định từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp nước ngoài cung cấp để áp dụng đúng tỉ lệ % tính thuế nhà thầu. Vì thế, để giải quyết khúc mắc này, nên có những hội thảo có sự tham gia của ngân hàng, các công ty có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan, cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan để lắng nghe những vướng mắc trong thực tiễn của các chủ thể này.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng cần đẩy mạnh tiếp tục phát triển cơ sở hệ thống thuế online, để mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ của cán bộ công nhân viên để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan