Giải đáp một số câu hỏi về lưu chuyển xe ô tô

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần tư vấn cho các khán giả kênh VTC10, truyền hình quốc tế về lưu chuyển xe ô tô

Câu 1: Công ty TNHH chúng tôi có hai thành viên trở lên. Trong đó có thành viên chức danh (Chủ tịch Hội đồng thành viên) người gốc Việt quốc tịch Mỹ. Hiện nay ông ta muốn tạm nhập tái xuất xe ô tô 5 chỗ ngồi về Việt Nam phục vụ việc kinh doanh cho Công ty. Vậy xin hỏi thủ tục như thế nào, những loại thuế phải nộp ra sao?

TRẢ LỜI:

  1. Thủ tục tạm nhập tái xuất xe ô tô 5 chỗ ngồi

Căn cứ pháp lý:

  1. Điều 78 Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
  2. Khoản 2 điều 2 Nghị định 59.2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 08/2015/NĐ-CP Ngày 21/4/2015 của chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan

Theo đó, thủ tục hải quan đối với ô tô không nhằm mục đích thương mại khi xuất cảnh, nhập cảnh bao gồm:

– Hồ sơ hải quan đối với ô tô nhập cảnh (ô tô nước ngoài tạm nhập, ô tô Việt Nam tái nhập) theo hiệp định song phương giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới, người khai hải quan nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

  • Giấy phép liên vận của cơ quan có thẩm quyền cấp: Xuất trình bản chính;
  • Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô nước ngoài tạm nhập: Xuất trình bản chính;

– Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập – tái xuất: Xuất trình 01 bản chính; hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất – tái nhập có xác nhận tạm xuất của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm xuất: Nộp 01 bản chính.

– Hồ sơ hải quan đối với ô tô nước ngoài có tay lái ở bên phải quy định tại Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch quy định tại Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ:

  • Văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải: Xuất trình bản chính;
  • Giấy đăng ký phương tiện: Xuất trình bản chính;
  • Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập – tái xuất: Xuất trình bản chính.

– Hồ sơ hải quan đối với ô tô xuất cảnh (ô tô Việt Nam tạm xuất, ô tô nước ngoài tái xuất), người khai hải quan nộp hoặc xuất trình các giấy tờ sau:

  • Văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền cấp: Xuất trình bản chính;
  • Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô Việt Nam tạm xuất: Xuất trình bản chính;
  • Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất – tái nhập: Xuất trình 01 bản chính; hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập – tái xuất có xác nhận tạm nhập của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập: Nộp 01 bản chính.
  1. Xác định thuế phải nộp

Về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu:

– Theo quy định tại Khoản 1 điều 13 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (Nghị định 134/2016/NĐ-CP) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

“1. Hàng hóa tạm nhập tái xuất trong thời hạn nhất định sẽ được miễn thuế theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.”

Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải nộp một khoản tiền đặt cọc tương đương với tiền thuế nhập khẩu đối với hàng hoá tạm nhập, tái xuất là ô tô 5 chỗ ngồi trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (đã bao gồm cả thời gian gia hạn) vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP:

“4. Hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.

Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, người nộp thuế phải nộp thêm thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc giấy nộp tiền đặt cọc vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước: 01 bản chính đối với trường hợp thư bảo lãnh chưa được cập nhật vào hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Việc bảo lãnh hoặc đặt cọc tiền thuế nhập khẩu đối với hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.”

Về Thuế tiêu thụ đặc biệt

Căn cứ quy định tại Điều 3, khoản 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trường hợp ô tô 5 chỗ ngồi tạm nhập tái xuất không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn tạm nhập, tái xuất.

Như vậy, về cơ bản, hàng hóa tạm nhập tái xuất của bên bạn sẽ không phải chịu thuế.

Câu 2: Tôi là kỹ sư đang làm việc trong 1 công ty Nhật tại Nhật Bản. Tôi đang sử dụng 1 chiếc ô tô để di chuyển. Sau khi tôi về nước, tôi muốn mang theo chiếc ô tô đang sử dụng thì có được miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… không?

TRẢ LỜI:

Theo Điều 7 Thông tư 20/2014/TT-BTC quy định việc nhập khẩu xe ô tô, mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hồi hương sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam theo quy định được nhập khẩu 01 chiếc xe ô tô, 01 xe mô tô. Chính sách thuế đối với xe ô tô, xe mô tô nhập khẩu thực hiện như sau:

Thứ nhất, thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu

Thứ hai, thuế tiêu thụ đặc biệt: Phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trừ các trường hợp sau:

(nêu cụ thể từng loại xe theo quy định của các văn bản trên)

Thứ ba, thuế giá trị gia tăng: Thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 10%.

Như vậy:

– Nếu như bạn thuộc trường hợp đã định cư ở Nhật, giờ muốn hồi hương trở về Việt Nam sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú ở Việt Nam thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với xe ô tô, không được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

– Nếu như bạn chỉ làm việc tại Nhật theo hợp đồng có thời hạn thì bạn không được hưởng ưu đãi về thuế.

Câu 3: Tôi đang ở Đài Loan (Trung Quốc). Tôi muốn gửi tặng cho anh trai tôi 1 chiếc xe ô tô hiệu Audi A3 dung tích 1.8 sản xuất năm 2013 và đã đi được 11000km. Xin hỏi thủ tục như thế nào và các loại thuế phải nộp là bao nhiêu?

TRẢ LỜI:

Theo thông tin bạn cung cấp, chiếc xe trên của anh bạn đã qua sử dụng, vì vậy để mang về được Việt Nam thì phải đáp ứng điều kiện nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng:

Theo quy định tại mục II Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA hướng dẫn nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP do Bộ Thương mại – Giao thông Vận tải – Tài chính – Công an ban hành thì ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng phải đảm bảo điều kiện:

– Không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam,

– Được đăng ký với thời gian tối thiểu là 6 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km (mười nghìn).

Đồng thời, ô tô nhập khẩu không phải là loại có tay lái nghịch (tay lái bên phải), ở dạng tháo rời, hoặc đã thay đổi kết cấu.

b)Thủ tục nhập khẩu

Theo Điều 4 Thông tư 143/2015 /TT-BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại:

– Hồ sơ nhập khẩu gồm có:

+ Giấy phép nhập khẩu xe ô tô: 02 bản chính;

+ Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;

+ Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu);

+ Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;

+ Giấy ủy quyền của bạn cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.

– Nơi thực hiện thủ tục: Chi cục Hải quan cửa khẩu.

* Lưu ý:

+ Đối với xe ô tô đã qua sử dụng: Ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế sau: Cái Lân – Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, và Bà Rịa – Vũng Tàu (điểm 2 Mục III Thông tư liên tịch 03/2006 hướng dẫn việc nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính Phủ).

+ Căn cứ mục 8 và mục 13 Phần 5 của Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 của Chính phủ v/v ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng, theo đó mặt hàng “xe ô tô” khi nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại các Trung tâm đăng kiểm thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ định.

Về các loại thuế phải nộp

a)Thuế nhập khẩu

Theo khoản 2 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định về các trường hợp miễn thuế với tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại như sau:

2. Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng có số lượng hoặc trị giá vượt quá định mức miễn thuế phải nộp thuế đối với phần vượt, trừ trường hợp đơn vị nhận là cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động và được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp nhận hoặc trường hợp vì Mục đích nhân đạo, từ thiện.”

Theo đó trường hợp của bạn thuộc đối tượng được miễn thuế, tuy nhiên phần vượt quá định mức miễn thuế bạn sẽ phải nộp thuế. Định mức quà biếu, quà tặng đối với quà tặng do cá nhân nước ngoài tặng cho cá nhân Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định 31/2015/QĐ-TTg:

1. Quà biếu, quà tặng miễn thuế quy định tại Điều này là những mặt hàng không thuộc danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và không thuộc danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ quà biếu, quà tặng để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng) theo quy định của pháp luật .

2. Quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cá nhân Việt Nam; quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho cá nhân ở nước ngoài có trị giá không vượt quá 2.000.000 (hai triệu) đồng hoặc có trị giá hàng hóa vượt quá 2.000.000 (hai triệu) đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 200.000 (hai trăm nghìn) đồng được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và không chịu thuế giá trị gia tăng.

Như vậy bạn chỉ được miễn thuế trong định mức giá trị chiếc ô tô không vượt quá 2.000.000 đồng hoặc vượt quá 2.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 200.000 đồng. Đối với phần vượt quá 2.000.000 đồng hoặc vượt quá 2.000.000 đồng mà tổng số tiền phải nộp phải nộp lớn hơn 200.000 thì bạn vẫn phải nộp thuế.

Bạn có thể tham khảo mã số thuế của phân nhóm 8703 với xe của mình quy định tại Điều 7 và Phụ lục III của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế để xác định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tương ứng.

b) Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB):

Áp dụng Biểu thuế ban hành tại Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt số 106/2015/QH13 ngày 06/04/2015 có thuế suất thuế TTĐB tùy theo dung tích xe cụ thể.

c) Thuế GTGT:

Xe ôtô nguyên chiếc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là: 10%.

d) Về trị giá tính thuế

Đây là xe đã qua sử dụng, tốt hơn hết bạn nên định giá ô tô theo giá thị trường bên Đài Loan trước khi chuyển về Việt Nam bởi trị giá tính thuế là trị giá khai báo hoặc trị giá do cơ quan hải quan xác định trong trường hợp có nghi ngờ về trị giá khai báo qua quá trình thực hiện tham vấn về giá của cơ quan hải quan.

Câu 4: Em có người thân định cư ở Mỹ, muốn mua tặng em (ở Việt Nam) một xe ô tô thì có được không? Nếu được thì cần làm những thủ tục gì?

TRẢ LỜI:

  1. Quy định về điều kiện xe ô tô được phép nhập khẩu về Việt Nam

Theo quy định tại mục II Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Liên Bộ Thương mại-Bộ Giao thông Vận tải-Bộ Tài chính-Bộ Công an về việc hướng dẫn nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 19/2009/TT-BCT (“Thông tư liên tịch 03/2006”):

Hàng hoá là ô tô biếu tặng cho cá nhân Việt Nam chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam khi đó là:

– Ô tô mới, hoặc:

– Ô tô (ô tô dưới 16 chỗ ngồi) đã qua sử dụng thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là ô tô đã qua sử dụng không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam;

+ Không phải là loại xe có tay lái bên phải (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam);

+ Không bị thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu hoặc bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ;

+ Xe không bị tháo rời khi vận chuyển hoặc nhập khẩu.

  1. Thủ tục nhập khẩu:

Theo Điều 4 Thông tư 143/2015 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại:

– Hồ sơ nhập khẩu gồm có:

+ Giấy phép nhập khẩu xe ô tô: 02 bản chính;

+ Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;

+ Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu);

+ Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;

+ Giấy ủy quyền của bạn cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.

– Nơi thực hiện thủ tục: Chi cục Hải quan cửa khẩu.

* Lưu ý:

+ Đối với xe ô tô đã qua sử dụng: Ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế sau: Cái Lân – Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, và Bà Rịa – Vũng Tàu (điểm 2 Mục III Thông tư liên tịch 03/2006 hướng dẫn việc nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính Phủ).

+ Căn cứ mục 8 và mục 13 Phần 5 của Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 của Chính phủ v/v ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng, theo đó mặt hàng “xe ô tô” khi nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại các Trung tâm đăng kiểm thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ định.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan