Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về "Giá cả thị trường tăng cao, mức giảm trừ gia cảnh không theo kịp cuộc sống" trên Tạp chí điện tử đầu tư tài chính". Dưới đây là nội dung chi tiết:
Luật sư Nguyễn Thị Thu
Thu nhập và chi tiêu của người dân tăng lên nhưng mức giảm trừ gia cảnh, căn cứ để tính thuế thu nhập cá nhân, suốt 15 năm qua lại chỉ điều chỉnh hai lần, điều này được cho là chưa phù hợp.
Luật Thuế Thu nhập Cá nhân được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành 01/01/2009. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là những người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng (chưa kể việc tính miễn trừ gia cảnh đối với nuôi con nhỏ, bố mẹ già) thuộc diện chịu thuế.
Trước sức ép về lạm phát, nhằm giảm khó khăn cho người lao động, ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN có hiệu lực từ 1/7/2020. Theo đó, mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Tuy nhiên, hơn hai năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thu nhập của nhiều người làm công ăn lương sụt giảm mạnh, thậm chí thất nghiệp.
Trong khi đó, diễn biến giá cả thị trường lại liên tục tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được xem đã quá lỗi thời.
Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
- Luật sư đánh giá như thế nào về thực trạng đánh thuế thu nhập cá nhân ở thời điểm hiện tại?
Với tình hình giá cả tăng cao, thiết nghĩ mức giảm trừ thuế tại 11 triệu đồng/tháng cho người có thu nhập, 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là còn quá thấp.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều chuỗi hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều mặt hàng thiếu thốn, giá cả tăng vọt. Không chỉ thế, chiến tranh Nga – Ucraina khiến nhiều mặt hàng khan hiếm như xăng, lúa mì, ... Do xăng thiết yếu trong chuỗi cung cấp để vận chuyển, chở hàng, giờ đây lạm phát tăng mạnh cả toàn cầu lẫn Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6/2022 tăng 3,18% so với tháng 12 năm ngoái.
Thu nhập bình quân của người Việt Nam đang có những dấu hiệu khả quan; so với cuối kỳ năm 2021, thu nhập đã tăng 8,9%. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, lãnh đạo ghi nhận thu nhập cán bộ nhân viên vẫn chưa đuổi kịp được giá cả, lạm phát tăng ngày càng “chóng mặt”.
Thêm nữa, mức giảm thuế cho người phụ thuộc là quá thấp. Theo một khảo sát, hơn 23.900 người có thu nhập bình quân 22 triệu đồng một tháng. Họ chi cho bản thân 10 triệu đồng một tháng, nhưng nuôi ít nhất 1 người phụ thuộc phải mất 7 triệu nữa, cao hơn nhiều so với mức 4,4 triệu/tháng theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh. Mức giảm trừ thuế theo Nghị quyết có lẽ giờ đây chỉ còn phù hợp đối với người lao động vùng sâu, vùng xa, chứ hiện giờ không phù hợp với thực tế thu nhập và chi tiêu của người dân thành thị.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng biểu thuế 7 bậc hiện nay đang gây khó hiểu cho người dân. Không chỉ thế, khoảng cách giữa các bậc thuế suất còn quá lớn; ví dụ, thu nhập 18 triệu đồng/tháng và 32 triệu đồng/tháng khác nhau một trời một vực, vậy nhưng đều cùng phải chịu thuế 20%.
- Mức giảm trừ gia cảnh ở thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp, thưa bà?
Đúng là như vậy, với tình hình hiện nay thì mức đánh thuế và giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp. Bởi trong mấy năm gần đây, giá điện sinh hoạt cũng được nhà nước điều chỉnh tăng, giá xăng cũng tăng và thậm chí giá dịch vụ y tế, giá thuốc khám chữa bệnh cũng tăng; chi phí cho con đi học cũng khá cao nên mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp khi vẫn giữ nguyên.
Mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế là hai vấn đề lớn cần phải sửa đổi vì đã lạc hậu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động rất lớn đến đời sống người dân, gây ra tình trạng thất nghiệp, mất việc, giảm thu nhập, giá cả leo thang…
Trong khi đó, Luật thuế thu nhập cá nhân cũng được ban hành khá lâu, cũng phải sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh như thế nào cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là phù hợp với thực tế, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và không ảnh hưởng nhiều đến tình hình thu ngân sách. Cái được lớn là: nếu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có những tác động tích cực tới tâm lý, tạo động lực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.
- Vậy theo bà, cần sửa đổi các quy định hiện hành như thế nào?
Mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời và cần được nâng lên cho phù hợp với tình hình hiện nay. Do đó, thiết nghĩ, cần miễn thuế TNCN cho người nộp thuế có thu nhập nộp thuế ở bậc 1 và 2 của biểu thuế lũy tiến từng phần và giảm 30% số thuế TNCN của các đối tượng còn lại.
Biểu thuế nên giảm số lượng các bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc. Khoảng cách các bậc thuế thấp hơn cũng có thể được nới ra, như bậc đầu tiên thay vì đến 5 triệu thì nới ra 10 triệu để đảm bảo thu nhập cho người lao động thu nhập thấp; còn các bậc thuế cao hơn có thể được thu hẹp lại, nhằm đảm bảo công bằng trong việc nộp thuế.
Bên cạnh đó, về mức giảm trừ cảnh nên tăng mức đó lên 18-20 triệu đồng/tháng cho người có thu nhập và 7-8 triệu cho người phụ thuộc. Người dân với hỗ trợ thu nhập cao hơn sẽ đỡ trang trải cuộc sống hơn, cũng như đẩy mạnh hoạt động kinh tế hơn.
Đồng thời, nên bổ sung việc giảm trừ đối với các khoản đóng góp ủng hộ việc phòng, chống dịch bệnh, thiên tai cho cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Thực tế, các hoạt động tài trợ này diễn ra rất thường xuyên, có chứng từ hợp pháp và hiệu quả rất cao.