Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội không bị xử lý hình sự

Nội dung bài viết

Trong bài “Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội không bị xử lý hình sự” đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Từ 1-1-2018, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Gây thiệt hại khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên…là những trường hợp mà người thực hiện hành vi được loại trừ trách nhiệm hình sự.

7 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự

Trên cơ sở kế thừa các quy định của BLHS năm 1999, tại BLHS 2015, các nhà làm luật đã dành toàn bộ chương IV quy định về các trường hợp loại trừ TNHS, đó là: Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên.

Theo BLHS 2015 sửa đổi, 3 trường hợp được bổ sung gồm: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

Với trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, theo Điều 24 BLHS, hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Tuy vậy, trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Việc ghi nhận, bổ sung trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều luật này có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là phải dựa vào sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động sự chung sức của toàn thể xã hội.

Thực tiễn cho thấy, nhiều người dân còn e ngại khi tham gia bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội vì nhiều lý do khác nhau (sợ bị trả thù, sợ rắc rối). Vì thế, BLHS năm 2015 bổ sung quy định về loại trừ TNHS trong trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội đã khuyến khích người dân chủ động đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ thực hiện hành vi phạm tội – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận xét.

Gây thiệt hại khi thi hành mệnh lệnh của cấp trên được loại trừ TNHS

Còn theo Điều 25 BLHS 2015, hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm. Chỉ những người không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, việc BLHS năm 2015 bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp trên là bảo đảm chắc chắn cho những ý tưởng mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ, động viên các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến vì sự phát triển chung.

Nhằm ngăn chặn những việc làm bừa, làm ẩu nhưng viện lý do nghiên cứu khoa học, thử nghiệm… để trốn tránh trách nhiệm hình sự, điều luật trên cũng quy định trường hợp không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hậu quả có thể xảy ra, gây thiệt hại cho xã hội thì người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh quy định loại trừ trách nhiệm hình sự cho người gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội và người gây thiệt hại do rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, Điều 26 BLHS còn quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

Theo đó, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Quy định này của BLHS đảm bảo nguyên tắc “mệnh lệnh-phục tùng” trong lực lượng vũ trang, nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý trong lực lượng vũ trang nói riêng và trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn xã hội nói chung.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/phap-luat/gay-thiet-hai-trong-khi-bat-giu-nguoi-pham-toi-khong-bi-xu-ly-hinh-su/749580.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan