Ép khách mua bảo hiểm khi vay tiền ngân hàng là vi phạm pháp luật

Nội dung bài viết

Thời gian gần đây, tình trạng Ngân hàng ép khách mua bảo hiểm mới giải ngân vốn đang khiến rất nhiều người bức xúc. Mặc dù đã có những chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm xử lý vấn đề này nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có những giải đáp về vấn đề này. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Mặc dù thời gian qua đã có những chính sách chấn chỉnh từ NHNN, tuy nhiên vẫn có hiện tượng khách hàng đến vay tiền ngân hàng nhưng bị ép mua bảo hiểm. Luật sư đánh giá như thế nào về vấn đề này và đây có phải là hành vi trục lợi cá nhân hay không ?

Trả lời:

Thời gian qua, có rất nhiều thông tin phản ánh về việc khi khách hàng đến vay vốn thì bị ngân hàng ép phải mua kèm bảo hiểm thì mới giải ngân, khiến nhiều người cảm thấy mình bị lừa dối và rất bức xúc đối với hành vi này.

Theo đó việc các ngân hàng liên kết với các công ty bán bảo hiểm nhằm lồng ghép bán sản phẩm để tăng lợi nhuận kinh doanh là mục đích tốt. Tuy nhiên, việc khách hàng không có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng lại lợi dụng lợi thế của bên cho vay để ép buộc khách hàng là một hành vi đáng lên án và cần phải được xử lý triệt để.

Ngày15/02/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý sai phạm còn nhiều khó khăn, Ngân hàng “lợi dụng” khó khăn của khách hàng là đang cần vốn để ép họ mua bảo hiểm, còn người vay cũng biết mình bị ép, nhưng vì để đạt được cái lợi trước mắt nên vẫn chấp nhận mua. Khi hợp đồng đã được ký kết, tiền được giải ngân rồi, mọi việc liên quan đến hợp đồng giao dịch đều đã được giải quyết, thậm chí nhờ những khoản giải ngân kịp thời của ngân hàng mà những khoản vay đầu tư của khách hàng đã sinh lời rồi. Đến lúc đó, khi khách hàng muốn quay ra kiện ngược ngân hàng là điều rất khó để chứng minh thiệt hại.

Theo luật sư, hành vi này được xử lý như thế nào theo quy định? Khách hàng nên làm gì và nhận biết như thế nào để tránh vay tiền bị ép mua bảo hiểm?

Trả lời:

 Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm. Điều này nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.Việc cung cấp thông tin mập mờ để khách hàng giao kết hợp đồng và việc giao kết này trái với ý muốn của Khách hàng thì cần phải xử lý nghiêm. Nếu có bằng chứng việc các ngân hàng "ép" mua bảo hiểm, khách hàng gửi đơn kèm bằng chứng tới Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể: Khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã nghiêm cấm hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Mức xử phạt đối với hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại điểm đ, khoản 2, Điều 17 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 48/2018/NĐ-CP). Theo đó, nếu có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm thì đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 2 - 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

Khách hàng nên làm gì và nhận biết như thế nào để tránh vay tiền bị ép mua bảo hiểm:

  • Trong trường hợp Khách hàng có nhu cầu đến ngân hàng để vay tiền thì cần nắm được thông tin việc mình vay tiền là phụ thuộc vào mong muốn của mình, khi mình đảm bảo các điều kiện và thực hiện đúng thủ tục vay thì tự tin thực hiện giao dịch.
  • Trong trường hợp nếu bị nhân viên ngân hàng ép tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì cần thông báo đến các cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng như: Ngân hàng nhà nước, Cục quản lý và giám sát Bảo hiểm….

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng cụ thể:

- Số cố định: (024) 3936.1017

- Số di động: 0942.966.854

- Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn

  • Thông thường để nhận biết Hợp đồng bảo hiểm với các dạng hợp đồng khác thì cần để ý các thông tin về: thời hạn hợp đồng, giá trị bảo vệ sinh mạng, sức khoẻ… Trong rất nhiều trường hợp nhân viên tư vấn thường tư vấn hợp đồng Bảo Hiểm nhân thọ dưới danh nghĩa là hợp đồng đầu tư làm khách hàng hiểu nhầm. Do đó, trong mọi trường hợp khi đến ngân hàng khách hàng cầ chủ động ghi âm nôi dung tư vấn, hoặc yêu cầu nhân viên tư vẫn tóm tắt nội dung tư vấn rồi ký tên vào phần tóm tắt đó để có căn cứ sau này xử lý vấn đề nếu phát sinh tranh chấp.
  • Một vấn đề quan trọng nữa là trước khi khách hàng đặt bút ký bất cứ hợp đồng hay thoả thuận nào cũng cần đọc kỹ nội dung trước khi ký, thấy nội dung nào mập mờ hoặc khó hiểu cần yêu cầu nhân viên giải thích lại, chúng ta chỉ ký hợp đồng và đồng ý giao kết khi nắm được các nội dung chính nhất là trách nhiệm pháp lý của bản thân mình trong hợp đồng và trong thoả thuận đó.
0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan