Được giúp đỡ hơn 30 tỉ đồng bồi thường, Nguyễn Xuân Sơn vẫn có thể bị tuyên án tử

Nội dung bài viết

Trong bài "Được giúp đỡ hơn 30 tỉ đồng bồi thường, Nguyễn Xuân Sơn vẫn có thể bị tuyên án tử" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN - Xoay quanh phiên tòa phúc thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm đang có thông tin một doanh nhân sẵn sàng giúp đỡ hơn 30 tỉ đồng để Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) thoát án tử hình. Tuy nhiên, phân tích về vụ án và quy định pháp luật, nhiều người cho rằng nguyên Tổng giám đốc Oceanbank có thể sẽ vẫn bị tuyên mức án cao nhất.

Mới chỉ là “có thể” được xem xét…

Cụ thể, theo nội dung một số tờ báo đăng tải thì tại phần tranh luận ở phiên xét xử phúc thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm vào hôm qua (2-5), một luật sư đưa ra thông tin bất ngờ là một doanh nhân (bạn của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) sẵn sàng bỏ ra 32 tỷ đồng để “cứu” bị cáo này khỏi án tử hình, nếu vẫn bị kết án về tội “Tham ô tài sản”.

Thông tin thêm về trường hợp cựu Tổng giám đốc Oceanbank, vị luật sư cho biết, gia đình bị cáo Sơn sẽ tự lo 5 tỉ đồng và người bạn thân của bị cáo sẽ cho vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên. Với 2 khoản tiền này thì vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị quy kết ở tội “Tham ô tài sản”.

Trước đó, tại phần tranh luận trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Ngô Hồng Phúc giải thích, nếu bị cáo Sơn khắc phục được 3/4 tài sản tham ô thì có thể được xem xét giảm án từ tử hình xuống tù chung thân và sau đó có thể giảm về mức án tù có thời hạn nếu cải tạo tốt...

Trở lại diễn biến của vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9-2017, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên phạt mức tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 17 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”. Tổng hợp hình phạt chung cả 3 tội danh là tử hình.

Ngay sau bản án sơ thẩm, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank kháng cáo với nội dung không phạm các tội về chiếm đoạt tài sản và xin giảm nhẹ hình phạt về tội “Cố ý làm trái…”, đồng thời xin được xem xét lại khoản tiền hàng trăm tỉ đồng phải bồi thường, khắc phục hậu quả.

Khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo Sơn tiếp tục giữ nguyên các nội dung kháng cáo. Tự bào chữa, bị cáo Sơn vẫn một mực cho rằng bản thân không tham ô và không chiếm đoạt tổng số tiền 246 tỉ đồng như bản án sơ thẩm xác định. Theo nguyên Tổng giám đốc Oceanbank thì ông ta chỉ thực hiện một hành vi duy nhất là chăm sóc khách hàng (chi lãi ngoài tiền gửi tại Oceanbank) nhưng lại bị quy kết tới 3 tội danh.

Dù vậy, bị cáo Sơn vẫn tỏ rõ thái độ “lấp lửng” khi trình bày, trong trường hợp vẫn bị quy kết vào tội “Tham ô tài sản” thì xin được dùng số tiền 20 tỉ đồng mà Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) đã chiếm đoạt để bồi hoàn một phần trong số tiền 49 tỷ đồng tham ô. Cùng với đó, bị cáo Sơn cũng xin được bán một phần tài sản đã bị kê biên và tiền mặt trong tài khoản bị phong tỏa để bồi hoàn, khắc phục hậu quả cũng cho tội “Tham ô tài sản”.

Hậu quả đặc biệt lớn vẫn phải nhận án tử

Nói về quy định áp dụng hình phạt tử hình, luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 40-BLHS năm 2015 nêu rõ: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác”.

Cũng theo điều luật này thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong các trường hợp này, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Phân tích quy định trên, luật sư Thu nhìn nhận, những người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” nhưng chưa thi hành án mà chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án và Chánh án TAND Tối cao sẽ quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Theo luật sư Thu, quy định về thi hành án tử hình có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản tham ô, hối lộ. Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. Do vậy, quy định tại Điều 40 - BLHS nhằm khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải và có các biện pháp giúp Nhà nước thu hồi được tài sản một cách thuận lợi.

Tuy nhiên cần phải hiểu rằng việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ để không phải thi hành án tử hình không đồng nghĩa với việc 1/4 tài sản còn lại sẽ không bị thu hồi. Và việc người bị kết án tử hình mà sau đó nộp lại 3/4 tài sản chỉ là một trong những điều kiện cần thiết để được xem xét không phải thi hành án tử hình.

Đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Thị Thu, một chuyên gia pháp lý cũng nhìn nhận, khoản 3, Điều 40-BLHS chỉ xác định là sẽ không thi hành án đối với người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản” hoặc tội “Nhận hối lộ” mà chủ động giao nộp 3/4 tài sản chiếm đoạt. Trong khi đó, khi quyết định và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội thì điều quan trọng nhất mà tòa án dùng làm căn cứ đó chính là tính chất, mức độ cũng như hậu quả của hành vi phạm tội.

Nói cách khác việc xét xử, kết án và việc miễn, giảm thi hành án là hai chuyện ở hai thời điểm khác nhau. Mặt khác, những nguyên tắc cơ bản trong xét xử là phải toàn diện, khách quan và công bằng. Trong đó, yếu tố công bằng không chỉ đặt ra đối với những người phạm tội trong cùng vụ án mà nó còn đòi hỏi phải có sự công bằng giữa những người phạm tội tương tự ở những vụ án khác nhau.

Về trường hợp bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, vị chuyên gia pháp lý này cho rằng ngoài những phân tích ở trên thì từ phiên tòa sơ thẩm đến nay, cựu Tổng giám đốc Oceanbank luôn kêu oan (không nhận tội) đối với tội “Tham ô tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn…”. Giả sử có đủ cơ sở để quy kết 2 tội danh này thì việc kêu oan của bị cáo có thể bị coi là không thành khẩn. Khi quyết định hình phạt, yếu tố ý thức và nhận thức về hành vi phạm tội của bị cáo cũng rất quan trọng.

Và như đã phân tích, việc khắc phục 3/4 hậu quả vụ án chỉ là một trong những điều kiện cần thiết để không bị thi hành án tử hình. Thế nên đối với trường hợp dù đã khắc phục hết hậu quả nhưng tòa án nhận thấy người phạm tội không còn khả năng giáo dục, cải tạo hoặc ngoài hậu quả vật chất còn gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn đối với xã hội thì vẫn cần thiết phải loại bỏ người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề bồi thường, khắc phục hậu quả của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, vị chuyên gia pháp lý phân tích thêm, bị cáo này hiện đang bị xem xét đã chiếm đoạt tổng cộng 246 tỉ đồng chứ không phải chỉ riêng 49 tỉ đồng tham ô. Do đó, vấn đề khắc phục hậu quả cũng cần phải được tính toán, chia theo kỷ phần tương ứng với từng hành vi phạm tội thì mới bảo đảm sự nhanh chóng, kịp thời và công bằng trong xét xử.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/phap-luat/duoc-giup-do-hon-30-ti-dong-boi-thuong-nguyen-xuan-son-van-co-the-bi-tuyen-an-tu/766364.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan