Trong thời gian gần đây, đồng tiền số Pi đang trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư cũng như công chúng. Với những lời quảng bá về tiềm năng sinh lời, khả năng thay thế tiền pháp định và hệ sinh thái rộng lớn trong tương lai, nhiều người đã tham gia khai thác và giao dịch Pi với hy vọng nắm bắt cơ hội đầu tư mới.
Tuy nhiên, giữa làn sóng quan tâm ấy, câu hỏi đặt ra là: Liệu tiền số như Pi nói riêng và các loại tiền số nói chung có được pháp luật Việt Nam công nhận không? Việc mua bán, giao dịch loại tiền này có hợp pháp không? Những rủi ro nào có thể xảy ra khi tham gia vào thị trường tiền số, đặc biệt là trên các sàn giao dịch quốc tế chưa được cấp phép?
Để làm rõ những vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Đời sống và Pháp luật, phân tích về pháp lý liên quan đến tiền số tại Việt Nam, các chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng tiền số để giao dịch, cũng như những cảnh báo quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Xin ông cho biết hiện nay pháp luật Việt Nam có cho phép sử dụng tiền số để giao dịch, mua bán hay không. Các cá nhân sử dụng tiền số để mua bán, trao đổi, giao dịch sẽ bị xử lý như thế nào?
Hiện nay, theo pháp luật Việt Nam, tiền số không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp.Điều này có nghĩa là người dân không được phép sử dụng tiền số để thanh toán, mua bán hàng hóa hay dịch vụ. Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP về quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, khoản 11 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ các phương tiện thanh toán không thuộc quy định nêu trên là phương tiện thanh toán không hợp pháp. Các loại tiền số, tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum, USDT… không nằm trong danh mục này, do đó việc sử dụng chúng để giao dịch là vi phạm pháp luật.
Tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP về các hành vi bị cấm “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.
Về xử lý vi phạm, tùy vào mức độ và hành vi cụ thể, cá nhân sử dụng tiền số để mua bán, trao đổi, giao dịch có thể bị xử lý theo hai hình thức: xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Xử phạt hành chính: Tại Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Xử lý hình sự: Nếu hành vi sử dụng tiền số có liên quan đến các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc huy động vốn trái phép, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, nếu một cá nhân kêu gọi đầu tư bằng tiền số nhưng thực chất là huy động vốn trái phép hoặc có dấu hiệu lừa đảo, họ có thể bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt có thể lên đến tù chung thân nếu số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn. Ngoài ra, nếu tiền số được sử dụng để rửa tiền, che giấu nguồn gốc tài sản bất hợp pháp, người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý theo Điều 324 Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền, với khung hình phạt từ 01 đến 15 năm tù, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm. Hoặc Điều 206 Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng nếu đủ yếu tố cấu thành.
Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam có quan điểm rất rõ ràng về tiền số, đó là không công nhận nó như một phương tiện thanh toán hợp pháp và có các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Người dân cần hết sức thận trọng để tránh vô tình vi phạm pháp luật khi tham gia các giao dịch liên quan đến tiền số.

Xin ông cho biết hiện nay tiền ảo, tiền số có được công nhận tại Việt Nam hay không. Người dùng nếu sử dụng các sàn giao dịch quốc tế để mua bán, giao dịch tiền ảo sẽ phải chịu rủi ro như thế nào?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không công nhận tiền ảo, tiền số là tiền tệ hay phương tiện thanh toán hợp pháp.
Theo quy định tại Khoản 10 và 11 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Bên cạnh đó, công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền ảo không phải là tiền điện tử và không được cấp phép tại Việt Nam. Tại điểm g Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự quy định người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp và gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mặc dù nhiều người Việt Nam vẫn đang tham gia giao dịch tiền số thông qua các sàn giao dịch quốc tế như Binance, OKX, Huobi, KuCoin…, nhưng cần hiểu rằng các sàn này không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng trong nước. Do đó, giao dịch tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo hộ, nếu có tranh chấp sẽ không thể yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp để bảo vệ quyền lợi.
Điều này dẫn đến rất nhiều rủi ro pháp lý và tài chính cho người dùng, bao gồm:
- Rủi ro pháp lý: Nếu sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 50 - 100 triệu đồng (theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 BLHS 2015 nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, khi có tranh chấp với sàn quốc tế hoặc bị lừa đảo, người dùng khó có cơ sở pháp lý để khiếu nại hoặc kiện tụng do tiền ảo không được công nhận.
- Rủi ro lừa đảo, chiếm đoạt tài sản: Hiện nay, có rất nhiều sàn giao dịch giả mạo hoặc sàn do các nhóm lừa đảo lập ra để chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các sàn này thường sử dụng chiến thuật dụ dỗ người mới, hứa hẹn lợi nhuận cao, sau đó đánh sập sàn hoặc chặn tài khoản của người dùng để chiếm đoạt tài sản. Các mô hình lừa đảo Ponzi, đa cấp tài chính lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng để chiếm đoạt tiền. Vì không có sự quản lý của pháp luật Việt Nam, khi bị lừa đảo trên các sàn giao dịch quốc tế, người dùng gần như không có cách nào để đòi lại tiền.
- Rủi ro kỹ thuật: Ngay cả các sàn giao dịch lớn cũng không phải lúc nào cũng an toàn. Trong quá khứ, đã có nhiều vụ sàn giao dịch bị hack, phá sản hoặc chủ sàn bỏ trốn, dẫn đến hàng tỷ USD của người dùng bị mất trắng. Một ví dụ điển hình là vụ sàn FTX sụp đổ vào năm 2022, khiến hàng triệu nhà đầu tư trên thế giới mất tiền.
- Rủi ro biến động giá: Tiền ảo có tính đầu cơ rất cao, giá trị có thể biến động mạnh, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Chính vì những rủi ro này, người dùng cần hết sức cẩn trọng khi tham gia giao dịch trên các sàn quốc tế và phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về tài sản của mình.
Xin ông cho một số ý kiến về đồng tiền ảo Pi. Nhà nước cần phải có giải pháp gì để nhanh chóng đưa các tài sản số (tiền ảo, tiền mã hóa) vào diện quản lý, tránh nguy cơ các đối tượng xấu lợi dụng tiền ảo, tiền số để lồng ghép vào các loại hình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Trong những năm gần đây, tài sản số, bao gồm tiền ảo và tiền mã hóa, đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tài sản số mang lại nhiều lợi ích như tính linh hoạt, tốc độ giao dịch nhanh chóng và khả năng tiếp cận toàn cầu. Tuy nhiên, chính những đặc điểm này cũng tạo ra các thách thức trong việc quản lý và giám sát. Nhiều loại tiền mã hóa cho phép giao dịch ẩn danh, khiến việc theo dõi và xác định danh tính người dùng trở nên khó khăn. Điều này tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và trốn thuế. Giá trị của tài sản số có thể biến động mạnh mẽ trong thời gian ngắn, gây ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư và làm tăng nguy cơ thao túng thị trường. Ngoài ra, nhiều người dân chưa hiểu rõ về bản chất và rủi ro của tài sản số, dễ dẫn đến việc bị lừa đảo.
Để đối mặt với những thách thức trên, Nhà nước cần thực hiện một số giải pháp chiến lược. Việt Nam cần xem xét thật cẩn trọng việc công nhận tài sản mã hóa để thúc đẩy đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư quốc tế, tăng cường minh bạch tài chính, phát triển thị trường số và mở rộng cơ sở thuế. Việc thừa nhận này đi kèm với các biện pháp kiểm soát rủi ro trong quản lý, giao dịch và kê khai tài sản mã hóa. Nhà nước cũng cần hoàn thiện pháp lý về quyền sở hữu đối với tài sản mã hóa để tránh tranh chấp và xung đột lợi ích. Một số loại tài sản có rủi ro cao cần được kê khai, đăng ký và báo cáo với cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, cần có các quy định cấp phép và giám sát đối với sàn giao dịch tài sản mã hóa để đảm bảo tuân thủ quy định về chống rửa tiền (AML) và xác thực danh tính khách hàng (KYC), bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn rửa tiền, trốn thuế. Nhà nước cần xây dựng cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch và hạn chế hoạt động bất hợp pháp. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân/doanh nghiệp đối với giao dịch tài sản mã hóa, cũng như thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh liên quan cũng rất quan trọng đối với những tổ chức, cá nhân thường xuyên giao dịch bằng tiền ảo. Các sàn giao dịch phải xác minh danh tính người dùng, áp dụng quy định AML để ngăn chặn rửa tiền, tài trợ khủng bố. Việt Nam có thể tham khảo quy định của EU trong đạo luật MiCA, khi giao dịch tài sản mã hóa, sàn giao dịch hoặc tổ chức trung gian phải ghi rõ người chuyển và người nhận, bất kể giá trị lớn hay nhỏ.
Cuối cùng, Nhà nước cần có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư khỏi lừa đảo và thao túng thị trường. Các tổ chức phát hành tài sản mã hóa phải công khai, minh bạch thông tin.