Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận: Ăn mặc lịch sự, không nói tục chửi bậy

Nội dung bài viết

Mới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Công ty Luật TNHH SB Law vừa có bài trả lời phỏng vấn liên quan đến Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:

Câu hỏi: Thưa luật sư, vừa rồi Hà Nội có ban hành Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động phố đi bộ Hoàn Kiếm. Trong đó, có quy định: Phải ăn mặc lịch sự, cấm nói tục chửi bậy trên phố đi bộ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông có cần đưa ra tiêu chí đánh giá và chế tài xử phạt kèm theo không?

Trả lời:

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm ra đời nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa của thủ đô. Mới đây, từ ngày 01/01/2020, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã được đưa vào hoạt động chính thức sau ba năm triển khai thí điểm và dần trở thành điểm đến thương hiệu, thu hút đông đảo lượng du khách và người dân tới vui chơi, giải trí cuối tuần. Tuy nhiên, việc triển khai không gian đi bộ vẫn còn nhiều tồn tại như hành vi ứng xử, lời ăn tiếng nói của người đi bộ chưa phù hợp, trang phục phản cảm.

Vì vậy, Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã được ra đời nhằm chấn chỉnh những tồn tại trên. Trong Dự thảo có quy định đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian phố đi bộ: “Thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa; trang phục lịch sự; không có những hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.”

Việc quy định về trang phục theo tôi là cần thiết. Vì trên thực tế, nhiều người tham gia đi bộ mặc những bộ trang phục phản cảm, có người mặc đồ ngủ như trong phòng riêng, thậm chí cởi trần, nhiều bạn trẻ ăn mặc hở hang, trong khi khuôn viên phố đi bộ không chỉ là nơi công cộng mà còn có những địa điểm mang tính thiêng liêng như tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, …

Tuy nhiên, trang phục thế nào là “lịch sự” cũng rất khó đánh giá. Vì phố đi bộ là nơi giải trí cuối tuần nên cũng không thể quy định quá khắt khe về trang phục, ảnh hưởng đến tự do và sở thích của mỗi người mà chỉ cần không gây phản cảm là được.

Tương tự với quy định “không có những lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục”. Việc người dân có những lời nói thô tục, suồng sã, thiếu tôn trong nhau, không phù hợp với hoàn cảnh và không gian chung không chỉ làm ảnh hưởng tới rất nhiều người xung quanh, mà vô hình chung gây mất thiện cảm trong con mắt những người từ các khu vực khác cũng như khách du lịch quốc tế tới vui chơi, trải nghiệm.

Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến vốn tự hào về các giá trị văn hóa, trong đó có những nét đẹp thanh lịch, văn minh trong cung cách ứng xử, vì vậy, việc đưa ra quy tắc về lời nói ở phố đi bộ là cần thiết cho việc nhắc nhở người dân cẩn trọng trong lối ứng xử tại những không gian văn hóa công cộng.

Thế nhưng, việc xác định thế nào là “tục tĩu, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục” cũng rất khó. Với các quy định chung chung như vậy, việc áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả cũng sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay có rất nhiều biến hóa trong câu nói của mình để né đi những từ chửi tục, ví dụ như hai chữ viết tắt ĐM, khi được hỏi thì các bạn nói là định mệnh, đam mê, … vì vậy, việc xác định các lời nói tục tĩu cũng gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc xem chúng ta nên có chế tài với mọi hành vi như vậy hay là chỉ áp dụng với những cá nhân gây ra ảnh hưởng tới môi trường sinh hoạt chung và ảnh hưởng đối với mọi người xung quanh.

Để phát huy hiệu quả các quy định, thành phố Hà Nội nên có một bộ nhận diện về lời nói, trang phục để căn chỉnh, cùng với việc cụ thể hóa các biện pháp nhắc nhở, xử phạt và những cá nhân, cơ quan được phép xử phạt. Thêm vào đó, việc đặt ra các chế tài là cần thiết để có thể đảm bảo các quy định, quy tắc được thực thi.

Đồng thời, cần niêm yết các quy định ở những nơi dễ thấy, dễ đọc, đồng thời tăng cường, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, áp dụng thực tế sao cho người dân vẫn rất thoải mái cũng là một vấn đề, vì nếu như quá khắt khe thì rất có thể phố đi bộ không còn là một điểm vui chơi giải trí thu hút đông đảo người dân và du khách nữa.

Việc đưa ra Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận như là một biện pháp để nhắc nhở mọi người tự nâng cao ý thức, ứng xử văn hóa của mình tại nơi công cộng, bởi lẽ những vấn đề về lối ứng xử, trang phục phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và ý thức của mỗi người. Nếu mỗi người đều ý thức đúng về chuẩn mực chung, nơi công cộng sẽ đẹp hơn, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan