Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Kinh doanh & Pháp luật về Dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dưới đây là nội dung chi tiết:
1. Từ thực tiễn cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, Luật sư có thể cho biết, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp Việt hiện nay như thế nào, nhất là trong lĩnh vực lao động?
Trả lời:
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.
Tại Việt Nam, nhận thức của nhiều chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp về vai trò của pháp luật trong hoạt động kinh doanh còn khá hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ mô hình sản xuất nhỏ, không được đào tạo hoặc bồi dưỡng bài bản về kiến thức pháp luật, thường làm việc theo thói quen. Ở quy mô nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng ở quy mô lớn, rất dễ xảy ra các tranh chấp pháp lý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng còn chưa tiếp cận được hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế. Để từng bước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chính sách pháp luật, có thể nói hệ thống pháp luật trong kinh doanh ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên, năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật của DNNVV còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, phần khách quan do nội tại nền kinh tế nước ta như cải cách hành chính diễn ra còn chậm, chính sách kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, ... tuy nhiên, phần lớn là do chủ quan các DNNVV chưa thực sự tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong kinh doanh.
Hiện nay, để tránh những tranh chấp, rủi ro trong hoạt động kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các hình thức hỗ trợ pháp lý.
Các doanh nghiệp khác nhau có nhu cầu hỗ trợ pháp lý với những nội dung khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp khi mới thành lập, các chủ doanh nghiệp cần được hỗ trợ để lựa chọn được loại hình kinh doanh phù hợp với khả năng, năng lực tài chính và nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tư vấn hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đăng ký kinh doanh, …
Thứ hai, đối với doanh nghiệp đang hoạt động, các chủ doanh nghiệp cần được hỗ trợ để tư vấn về quản trị, điều hành doanh nghiệp, tư vấn giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, tư vấn về chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Nội dung cần hỗ trợ cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: đàm phán, soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng; pháp luật về cạnh tranh; pháp luật về hải quan, phí, lệ phí; pháp luật về môi trường; pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản; pháp luật về thương mại quốc tế; pháp luật về đầu tư; pháp luật về đấu thầu, xây dựng; pháp luật về lao động; pháp luật về tài chính doanh nghiệp; pháp luật về tín dụng;…
Thứ ba, đối với doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể, phá sản. Các doanh nghiệp này rất cần được hỗ trợ pháp lý về: quy trình, thủ tục giải thể, phá sản; các nghĩa vụ pháp lý mà doanh nghiệp phải thực hiện khi giải thể, phá sản; các chủ doanh nghiệp cũng cần biết rõ về quyền đòi nợ của chủ nợ khi doanh nghiệp phá sản; …
2. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Ông nhìn nhận như thế nào về hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua cũng như những khó khăn, hạn chế tồn tại, nhất là những bất cập từ Nghị định 66/2008/NĐ-CP?
Trả lời:
Những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đi vào nề nếp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh và gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một số trường hợp, ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn trùng lặp, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng; kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế này là do một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.
3. Để khắc phục những bất cập, hạn chế này, hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để thay thế Nghị định 66/2008/NĐ-CP và quy định chi tiết chế định về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy, dưới góc độ thành viên Tổ biên tập, Ông có thể cho biết đâu là nội dung nổi bật cũng như còn nhiều ý kiến khác nhau cần làm rõ trong Dự thảo lần này?
Trả lời:
Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định
Dự kiến Nghị định này chỉ quy định hoạt động hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho DNNVV. Nhưng bên cạnh đó, có một số quan điểm đề nghị cần có quy định về HTPL cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh cũng như quy định linh hoạt về các doanh nghiệp không phải là DNNVV có thể được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức HTPL nếu có nguồn lực.
Có quan điểm lại băn khoăn Dự thảo Nghị định sẽ xóa đi 2 đối tượng so với Nghị định 66, liệu có công bằng, bình đẳng với doanh nghiệp nói chung.
Trong khi đó, đến từ cơ quan chủ trì trình Luật HTDNNVV, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan niệm, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định có thể rộng hơn, có thể chỉ tập trung vào DNNVV là tùy theo đánh giá tổng kết Nghị định 66 của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ cân nhắc liên quan đến HTPL hộ kinh doanh chuyển đổi bởi Nghị định 39/2018/NĐ-CP đã quy định về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Thứ hai, về nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo đó, việc HTPL cho DNNVV phải có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, không chồng chéo, trùng lặp hay mang tính hình thức. Nhà nước ưu tiên việc thực hiện HTPL cho DNNVV gián tiếp thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ HTPL cho DNNVV… Đặc biệt, căn cứ nguồn lực hỗ trợ, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV quyết định số lượng doanh nghiệp được nhận HTPL đảm bảo nguyên tắc DNNVV do nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện thì được hỗ trợ trước; DNNVV nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước thì được hỗ trợ trước.
Nhiều đại biểu đồng tình phải quan tâm quy định cụ thể về nguyên tắc vì vấn đề liên quan đến triển khai quy định trong thực tế về kinh phí, nhân lực. Cũng tán thành một số nguyên tắc dự kiến, nhất là phải có ưu tiên thứ tự, có đại biểu kiến nghị một nguyên tắc cần có là sự phối hợp của các bộ, ngành. Tuy nhiên, cũng theo vị đại biểu này thì cần hiểu rõ ở đây là Nhà nước chỉ hỗ trợ chứ không phải làm thay doanh nghiệp (khác với trợ giúp) thì nên chăng có tính đến thu tiền theo ba-rem.
4. Và còn từ góc độ hành nghề Luật sư, Ông nghĩ sao về vai trò của đội ngũ Luật sư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là đối với các DNNVV, DN khởi nghiệp?
Trả lời:
Môi trường và cơ chế pháp luật ngày càng đầy đủ tạo ra những cơ sở pháp lý cần thiết để giới luật sư và giới doanh nhân cùng bắt tay thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. So với các chủ thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì luật sư là đội ngũ được trang bị đầy đủ các kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật về doanh nghiệp nói riêng, ngoài ra đa số luật sư đều đã qua đào tạo nghề nên có nhiều kỹ năng trong việc tư vấn pháp luật. Luật sư cũng là đội ngũ tiên phong, thường xuyên theo kịp với các văn bản pháp luật mới ban hành. Vì vậy, nếu luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả cao, đáp ứng được phần lớn nhu cầu pháp lý của các doanh nghiệp hiện nay.