Dự thảo luật quảng cáo quản lý hoạt động truyền tải quảng cáo của người nổi tiếng thế nào? Hôm nay, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời phóng vấn truyền hình Quốc hội Việt Nam về những điểm mới của dự thảo luật quảng cáo. Mời quý khách hàng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây.
Câu 1: Xin luật sư cho biết, hiện nay hành vi Quảng cáo sai sự thật, sai công dụng sản phẩm theo quy định Pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng Cáo 2012 thì quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Đây là một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Về xử phạt hành chính:
Hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo như sau:
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:
- Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
- Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng.
Ngoài ra, tại khoản 7 và điểm a, điểm c khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gồm những nội dung sau đây:
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
- Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.
- Buộc cải chính thông tin đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về Tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau:
- Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu 2: Theo LS những bất cập của Luật Quảng Cáo 2012 đối với vấn đề quản lý quảng cáo trên môi trường mạng (người nổi tiếng tham gia chuyển tải QC trên môi trường mạng) là gì trong khi quảng cáo trực tuyến đang trở thành xu hướng chính trong ngành quảng cáo? Ngoài ra thì lỗ hổng pháp lý trong quy định trách nhiệm của người chuyển tải QC là gì khiến cho hành vi QC sai sự thật vẫn diễn ra?
Trả lời:
Hiện nay, quảng cáo đang có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vai trò trong hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự phổ biến của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội và những cá nhân có sức ảnh hưởng, đã bị một số đối tượng lợi dụng để truyền tải thông tin quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của phương tiện quảng cáo, nội dung quảng cáo cũng trở nên đa dạng hơn, đặc biệt là xu hướng quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng (Influencer Advertising hay Influencer Marketing), tạo ra tác động lớn đến xã hội. Gần đây, có nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội, bao gồm cả nghệ sĩ nổi tiếng, quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, khiến dư luận bức xúc.
Hiện tại, Luật Quảng cáo chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của những người truyền tải sản phẩm quảng cáo, mà chỉ tập trung vào trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Điều này dẫn đến việc thiếu chế tài đối với người truyền tải trong trường hợp nội dung quảng cáo sai sự thật, cũng như không yêu cầu họ phải tìm hiểu và chịu trách nhiệm về những gì họ quảng bá.
Luật Quảng cáo cũng chưa phân định rõ ràng giữa hoạt động quảng cáo và yêu cầu bắt buộc về việc cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật và ảnh hưởng đến trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt hoặc bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật.
Đối với các sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường, cần có quy định bắt buộc về nội dung quảng cáo, nhưng hiện vẫn chưa được nêu rõ trong Luật Quảng cáo mà chỉ nằm trong các nghị định và văn bản pháp luật chuyên ngành, gây ra sự chồng chéo và mâu thuẫn.
Câu 3: Xin ông chia sẻ chi tiết về những điểm mới của dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi để quản lý vấn đề quảng cáo trên môi trường mạng và nội dung trách nhiệm, nghĩa vụ của người chuyển tải QC (như nghệ sỹ, người nổi tiếng chuyển tải QC)….Theo ông, sự cần thiết có những quy định này trong bối cảnh hiện nay là gì?
Trả lời:
Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang được xây dựng với những quy định cụ thể hơn nhằm quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trên môi trường mạng, với nhiều điểm mới và quy định cụ thể về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia quảng cáo; phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là đối với các cá nhân có sức ảnh hưởng như nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Về những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi
Thứ nhất, tăng cường quy định quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng. Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi tăng cường quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu các nền tảng này phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung quảng cáo, xử lý các thông tin sai lệch, quảng cáo lừa đảo; cũng như quy định rõ ràng về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo trên môi trường mạng, bao gồm cả dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Đồng thời, cụ thể hóa các hình thức quảng cáo mới, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Dự thảo đã bổ sung khái niệm này để bao gồm các cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình truyền tải thông điệp quảng cáo, kể cả những người không trực tiếp sản xuất quảng cáo. Điều này giúp xác định rõ hơn trách nhiệm của các nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia vào hoạt động quảng cáo. Người chuyển tải sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo mà họ truyền tải, đảm bảo tính chính xác và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của những người này, bao gồm nghĩa vụ phải đảm bảo tính trung thực, chính xác của thông tin quảng cáo, chịu trách nhiệm về những hậu quả pháp lý phát sinh từ việc vi phạm quy định.
Thứ ba, quy định về ngôn ngữ và nội dung quảng cáo. Bổ sung yêu cầu sử dụng tiếng Việt trong các sản phẩm quảng cáo nhằm bảo vệ văn hóa và ngôn ngữ quốc gia. Cập nhật yêu cầu đối với nội dung quảng cáo liên quan đến sản phẩm y tế, thực phẩm và các mặt hàng nhạy cảm khác.
Thứ tư, minh bạch hóa hoạt động quảng cáo. Đề xuất quy định rõ ràng về việc phân biệt giữa tin bài thông thường và tin bài tài trợ trên báo chí, nhằm tạo điều kiện cho sự minh bạch trong hoạt động quảng cáo.
Trong bối cảnh môi trường mạng phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc sửa đổi Luật Quảng cáo là cần thiết nhằm theo kịp sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường. Hoạt động quảng cáo không chỉ gia tăng đáng kể về số lượng mà còn đa dạng hóa về phương thức, đòi hỏi một khung pháp lý linh hoạt và phù hợp hơn. Luật Quảng cáo năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, do đó cần được cập nhật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời, các quy định mới sẽ góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành quảng cáo trong nền kinh tế thị trường hiện đại, thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Những cải cách này không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn hoạt động quảng cáo mà còn đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Câu 4: Ngoài việc bổ sung các quy định pháp luật, theo ông, cần những giải pháp đồng bộ nào khác để ngăn chặn những hành vi QC sai sự thật của người nổi tiếng, nghệ sỹ, người có sức ảnh hưởng trên môi trường mạng đặc biệt là trong bối cảnh môi trường mạng phát triển mạnh như hiện nay?
Trả lời:
Để ngăn chặn tình trạng này, thiết nghĩ, cần thiết lập những quy định rõ ràng về tính chính xác và mức độ tin cậy của các quảng cáo, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp đối với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần mở rộng chức năng và nhiệm vụ của một số cơ quan quản lý chuyên nghiệp, cam kết trách nhiệm giám sát và đánh giá quảng cáo từ các nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng. Nhà nước cũng nên áp dụng những hình phạt nghiêm trọng cùng các biện pháp bồi thường hợp lý đối với các vi phạm trong lĩnh vực.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Mặt khác, tùy vào tính đặc thù của sản phẩm được quảng cáo mà sẽ áp dụng các điều khoản xử phạt khác nhau.
Các hình phạt này có thể bao gồm mức phạt tiền cao, cấm hoạt động quảng cáo trong một khoảng thời gian nhất định, thu hồi các lợi ích kinh tế đã thu được từ việc quảng cáo sai sự thật, hoặc thậm chí là đình chỉ hoạt động nghệ thuật hoặc quảng cáo của nghệ sĩ. Đồng thời với các biện pháp trên, cần tăng cường tư vấn và giáo dục cho nghệ sĩ và người nổi tiếng về đạo đức quảng cáo, trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng
Thứ hai, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng cần thành lập bộ phận chuyên nghiệp quản lý, chịu trách nhiệm nhanh kiểm soát, tiến hành thẩm tra các đại lý quảng cáo và nền tảng quảng cáo có hành vi vi phạm. Cần công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo vi phạm và khuyến khích không hợp lý quảng cáo cho các đối tượng đó. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cho các cơ sở thực thi quy định về quảng cáo trên MXH. Việc nâng cao năng lực cần được thực hiện ở nhiều góc độ như nâng cao năng lực của con người, nâng cao năng lực của bộ máy, nâng cao cơ sở vật chất và các thiết bị..., để đảm bảo phát triển khả năng khai báo hiệu quả công tác thực thi và quản lý cả về hành lang kỹ thuật nhắm vào thời điểm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm trọng các hành vi vi phạm.
Thứ ba, các công ty quản lý người nổi tiếng cần xác định kỹ thuật lưỡng tính về các sản phẩm, dịch vụ trước khi ký hợp đồng quảng cáo. Họ nên có trách nhiệm đảm bảo rằng người nổi tiếng hiểu biết về sản phẩm mà họ sẽ quảng bá.Các công ty quảng cáo và các nhãn hàng cần thực hiện công việc kiểm tra, xác định tính chính xác của thông tin sản phẩm trước khi tiến hành chiến dịch quảng bá với người nổi tiếng.Trong hợp đồng quảng cáo giữa người nổi tiếng và công ty, cần phải có điều khoản rõ ràng để đảm bảo tính trung thực của sản phẩm quảng cáo. Nếu sản phẩm có vấn đề hoặc thông tin quảng cáo bị sai lệch, người nổi tiếng sẽ chịu trách nhiệm, bao gồm cả các hình thức phạt như bồi thường thiệt hại hoặc xin lỗi công khai.
Thứ tư, mạng xã hội nền tảng cần phải được xác định rõ ràng và cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn với các nội dung quảng cáo liên quan đến người nổi tiếng. Họ có thể yêu cầu nội dung quảng cáo được xác minh và phê duyệt trước khi khai báo. Tạo các biểu mẫu hoặc hệ thống báo cáo dễ dàng tiếp cận cho mạng xã hội của người dùng, giúp họ nhanh chóng báo cáo các quảng cáo có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật.
Đồng thời, Nhóm hoặc Hiệp hội người nổi tiếng có thể tự nguyện cam kết về đạo đức quảng cáo, quy định chung về tính chính xác và trách nhiệm cộng đồng. Giải pháp này nhằm mục đích giúp người nổi tiếng nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình trong quảng cáo, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra một môi trường quảng cáo công bằng, trung thực hơn.
|