Dự thảo luật quản lý thuế: Luật sư trả lời về những đề xuất sửa đổi

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về Dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi, cụ thể như sau:

Câu 1. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được xóa nợ thuế từ 1 - 5 tỷ đồng. Xin ông cho đề xuất này nhằm giải quyết tồn tại gì trong Luật Quản lý thuế hiện hành?

Trả lời:

Về thẩm quyền gia hạn nộp thuế, xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp, Luật quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định Chính phủ gia hạn nộp thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác (điểm d Khoản 1 Điều 49); và thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với Thủ tướng Chính phủ xóa nợ trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên (điểm a Khoản 2 Điều 67).

Dự thảo mới nhất của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Cụ thể, được quy định theo 4 cấp. Thủ tướng Chính phủ được quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế có số nợ từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính được quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ thuế dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ dưới 5 tỷ đồng; cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan được quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ dưới 1 tỷ đồng. Thực chất để xóa số nợ này không phải dễ dàng với quy định hiện hành. Cụ thể: Đối với các khoản nợ thuế đã quá hạn 10 năm và cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thì được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế vì nó không khả thi. Vì vậy, việc phân cấp như vậy sẽ giúp tăng cường hiệu quả của công tác quản lý thuế.

Câu 2. Theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan hải quan có chức năng điều tra và khởi tố vụ án, tuy nhiên đối với cơ quan thuế thì không có chức năng này. Theo ông, liệu có cần thiết ban hành quy định cho phép cơ quan thuế có chức năng điều tra, khởi tố vụ án? Vì sao cần thiết hoặc vì sao không cần thiết?

Trả lời:

Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, cơ quan quản lý thuế thực hiện quản lý thuế theo chức năng, trong đó có chức năng thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra cơ quan quản lý thuế đã xác định số thu về thuế phải nộp cho nhà nước, phát hiện các trường hợp vi phạm, đồng thời đã chuyển nhiều hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để điều tra và xử lý. Vì vậy, cơ chế này là phù hợp trong tình hình bối cảnh hiện nay, không nhất thiết bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Câu 3. Dự thảo Luật Quản lý thuế nêu: “Từ năm 2020, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”. Có chuyên gia nêu ý kiến là quy định này khó khả thi vì bởi lẽ, việc nắm được số doanh thu và lao động của mỗi hộ kinh doanh là không dễ dàng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là những hộ kinh doanh có từ 10 lao động và doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng, từ 10 tỷ đồng/năm với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Dự thảo cũng nêu điểm mới về việc tổ chức lại hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo hoạt động chặt chẽ hơn. Hội đồng này do UBND huyện, thành phố thành lập trên cơ sở đề nghị của chi cục thuế. Thành phần hội đồng gồm: đại diện cơ quan thuế, UBND xã, phường, thị trấn, hộ, cá nhân kinh doanh. Hội đồng sẽ công khai mức thuế khoán tại trụ sở xã, phường, chi cục thuế, chợ. Đây là cơ sở để các hộ, cá nhân kinh doanh cùng giám sát, hạn chế thất thoát thuế. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu thì lại phải xem xét các quy định hướng dẫn cụ thể.

 

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan