Dự thảo Luật đầu tư và rào cản tư duy

Nội dung bài viết

Dù đã trải qua hơn 2 năm lấy ý kiến soạn thảo và bước vào giai đoạn sắp thông qua, tuy nhiên, Dự thảo Luật Đầu tư vẫn còn những quy định cần phải sửa đổi hoặc phải viết lại.

-Trong báo cáo Chồng chéo pháp luật kinh doanh, VCCI đã nhấn mạnh có 14/20 thuộc về Luật Đầu tư. Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, theo ông, Dự thảo Luật Đầu tư đã giải quyết vấn đề này như thế nào, còn tình trạng chồng chéo không, thưa ông?

Trả lời:

Dự thảo Luật đầu tư vừa qua đã có những ảnh hưởng tích cực khi đưa ra được những quy định mới phù hợp với thực tiễn, đặc biệt tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, phải chuyển mục đích sử dụng đất, sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường bất động sản ngay sau đại dịch CoViD-19 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tình trạng chồng chéo vẫn đang là 1 vấn đề đáng lưu tâm khi tình trạng chồng chéo giữa các luật vẫn đang diễn ra rất nhiều. Thực tế, Luật Đầu tư vẫn được xem là “luật chung” trong pháp luật về đầu tư. Luật này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục của dự án đầu tư, nghĩa là các luật khác không quy định thêm về nội dung này. Điều này được hiểu, hồ sơ, trình tự thủ tục trong dự án đầu tư của phần lớn lĩnh vực khác nhau (thuộc diện phải thực hiện thủ tục đầu tư) phải thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục tại Luật Đầu tư.

Nhưng, một số luật chuyên ngành lại yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đối với các loại dự án đầu tư mà theo quy định của Luật Đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.

Hệ lụy của tình trạng này là sự rủi ro của nhà đầu tư và của chính cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Đáng nói ở đây, chính các văn bản luật lại có các mâu thuẫn chồng chéo lên nhau khiến cho các doanh nghiệp không biết nên áp dụng văn bản nào để thực hiện. Điều này gây khó khăn, tốn thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Ngoài ra còn có các điều khoản quy định về đấu thầu hay kinh doanh bất động sản cũng có nhiều các quy định mâu thuẫn lẫn nhau, thách thức các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

-Câu chuyện nhà nước quyết định chủ trương đầu tư với vốn của tư nhân cũng là vấn đề tạo nên nhiều tranh cãi. Theo ông, nhà nước có nên quyết định chủ trương đầu tư đối với vốn của tư nhân hay không? (Đây là vấn đề đang được tranh luận. Mặc dù, dự thảo Luật đã thu hẹp phạm vi các đối tượng phải xin ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, nhưng vẫn còn đến 8 loại dự án phải có ý kiến của Thủ tướng mới được tiến hành thủ tục đầu tư...)

Trả lời:

Các dự án thuộc diện phải xin chủ trương đầu tư là các dự án lớn hoặc quan trọng, có ý nghĩa lớn về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Đối với các loại dự án này, nhà đầu tư phải làm thêm thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như với các dự án khác, vậy nên sẽ mất thêm thời gian và gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Chính vì vậy mà câu chuyện nhà nước có nên quyết định chủ trương đầu tư với vốn của tư nhân không đang là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, những dự án cần xin cấp phép đều là những dự án có ý nghĩa lớn, ảnh hưởng đến nhiều bên và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến vấn đề quốc gia, vậy nên mặc dù vốn là của tư nhân nhưng vẫn cần quyết định chủ trương đầu tư của chính phủ với những dự án lớn.

-Một vấn đề khác cũng tương đối quan trọng đó là việc kiểm soát người nước ngoài “thâu tóm” đất. Đây là vấn đề đã rộ lên trong thời gian qua. Theo ông Dự thảo đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông có kiến nghị gì để hạn chế việc người nước ngoài núp bóng và thâu tóm đất?

Trả lời:

Hiện nay, hiện tượng nhà đầu tư núp bóng doanh nghiệp Việt Nam để thâu tóm đất đai đang gây nên vấn đề đáng tranh cãi, các sai phạm này xuất phát từ lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 về “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai. Để khắc phục tình trạng này, Luật đầu tư sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký việc thực hiện góp vốn để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không. Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.

Trên thực tế tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu đã tồn tại nhiều năm qua và không ít lần được đưa ra xem xét, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép. Theo tôi, Chính phủ cần bổ sung quy định thời hạn hoạt động tối đa cho các dự án nhỏ, để cơ quan cấp chứng nhận đầu tư có cơ sở xử lý. Thêm vào đó, cần bổ sung quyền cho cơ quan đăng ký đầu tư xem xét về tính khả thi, khả năng đáp ứng tài chính... để xem xét và quyết định đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với việc mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức cần thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

-Các quy định về Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng là một trong những vấn đề tạo nên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, nên chuyển Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều thành một chương của Luật Đầu tư. Ông nghĩ rằng điều này có cần thiết?

Trả lời:

Hiện nay việc quy định danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang gây tranh cãi và mang lại nhiều ý kiến khác nhau. Có một thực tế đang diễn ra đó là sự chồng chéo giữa các văn bản luật hiện hành, giữa Luật và các văn bản dưới luật. Về danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay được quy định trong Khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật đầu tư như sau: “Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật này theo thủ tục rút gọn.” Tuy nhiên lại có rất nhiều các văn bản dưới luật quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác nằm ngoài danh mục của Luật đầu tư. Nó thể hiện việc không thống nhất trong các quy định về vấn đề này.

Thiết nghĩ, việc hạn chế kinh doanh này phải được quy định bởi Luật vì vậy nên quy định chi tiết danh mục trong các phụ lục của Luật đầu tư và đồng thời tiến hành rà soát các quy định mới, các văn bản khác để thống nhất và cập nhật sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế. Đồng thời việc sửa đổi danh mục này có thể được tiến hành ở bất kỳ kỳ họp nào của Quốc hội, vì thủ tục rất đơn giản, trên cơ sở rà soát lại quy định danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Vậy, việc lập danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên được quy định riêng và cụ thể trong các phụ lục và phải tiến hành rà soát và cập nhật để danh mục đảm bảo được các quy tắc và đảm bảo được các quyền tự do của con người, đồng thời vẫn phải phù hợp với tình hình thực tế

-Cuối cùng, ông có đóng góp như thế nào để dự thảo Luật lần này được hoàn thiện hơn?

Trả lời:

Luật đầu tư hiện hành còn đang có những vấn đề tồn đọng, thứ nhất là sự chồng chéo giữa các Luật hiện hành và các văn bản pháp luật khác. Ngoài ra còn một số vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của thủ tướng.

Vì vậy, trước hết cần phải rà soát và đối chiếu lại tất cả các văn bản luật có liên quan như Pháp luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật xây dựng, Luật đấu thầu,… để tìm ra những điểm mâu thuẫn, trùng lặp từ đó cập nhật lại sao cho thống nhất với nhau, tránh sự hiểu lầm và mỗi cá nhân, cơ quan làm một kiểu, một thủ tục gây phiền hà, khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện.

Thứ hai, cần thiết phải giảm thiểu các thủ tục trong các công tác, đặc biệt là vấn đề hưởng chính sách ưu đãi. Đồng ý là nên siết chặt việc hưởng chính sách ưu đãi để quản lý các doanh nghiệp một các chặt chẽ hơn nhưng thủ tục phát sinh quá nhiều như vậy làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và chi phí của các doanh nghiệp. Nên cần thiết tìm những biện pháp khác để vừa thắt chặt quản lý mà vẫn không gây quá nhiều ảnh hưởng cho doanh nghiệp

Thứ ba, về việc bó buộc và đẩy cho thủ tướng quá nhiều việc đồng thời gây phiền toái không nhỏ cho các doanh nghiệp về việc quy định về diện tích đất sử dụng phải trình Thủ tướng xem xét và yêu cầu dự án có vốn đầu tư từ 10 nghìn tỉ đồng trở lên phải trình Thủ tướng thông qua. Việc này là không cần thiết và nên phân cấp cho UBND tỉnh giải quyết theo quy hoạch của từng địa phương đã được thủ tướng phê duyệt. Việc này giúp cho Doanh nghiệp không cần phải xin phê duyệt thêm một lần nữa gây cản trở và thậm chí thiệt hại nếu phải thực hiện quá nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan