Mới đây, Bộ Tài chính lại tiếp tục xin ý kiến góp ý về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản.
Trước đó năm 2018, Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến góp ý dự án Luật thuế tài sản với đối tượng chịu thuế chính là đất, nhà - công trình xây dựng trên đất và ôtô, … Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng đề xuất nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền, ... sẽ bị đánh thuế. Mức thuế suất dự kiến ở mức 0,3 hoặc 0,4%. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của dư luận nên chưa đưa vào chương trình xây dựng luật.
Tại Dự thảo Luật Thuế tài sản năm 2018, có một số nội dung quy định chưa phù hợp như sau:
Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế
Điều 2 Dự thảo Luật Thuế tài sản 2018 quy định đối tượng chịu thuế bao gồm: Đất phi nông nghiệp (đất ở tại đô thi và nông thôn); đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; nhà ở, nhà và công trình thương mại, dịch vụ; tàu bay, du thuyền và ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Hiện nay, đất phi nông nghiệp là đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010; tàu bay, du thuyền và ô tô cũng đang là đối tượng chịu thuế của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008. Như vậy, nếu đưa vào áp dụng sẽ dẫn tới phát sinh tình trạng thuế chồng thuế.
Thứ hai, về mức thuế suất
Theo quy định tại Điều 8 Dự thảo Luật, thuế suất đối với đất thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được chia thành nhiều loại, gồm:
- Đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,4% trên toàn bộ giá trị đất.
- Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh có hai phương án điều tiết: Một là, đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để xây dựng nhà hàng áp dụng mức thuế suất 0,52%; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khác, trừ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp quy định tại điểm a khoản này và đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng mức thuế suất 0,3%. Hai là,đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng mức thuế suất 0,3%.
- Đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng áp dụng mức thuế suất 1%.
- Đối với đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất áp dụng mức thuế suất 2%.
Việc tăng mức thuế suất đối với đất phi nông nghiệp được xem là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng từ 6,7 đến 10 lần như Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính đưa ra là một con số quá cao so với mức thuế suất hiện hành của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010.
Trên thế giới, Singapore là đất nước rất thành công với việc áp dụng đánh thuế bất động sản thứ 2. Thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên bất động sản thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà; 10% đối với bất động sản thứ 3 và đã áp dụng từ năm 2013.
Trung Quốc là đất nước có những hiện tượng bị bong bóng trên thị trường bất động sản, do đó, Trung Quốc đã đưa ra cách đánh thuế như một công cụ để điều tiết thị trường. Người mua nhà thứ 2 sẽ bị đánh thuế suất 1,2% trên phần trị giá của nhà.
Tại Việt Nam, việc áp loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó, tránh hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân đã mua gom nhà đất rồi để hoang, chờ tăng giá bán kiếm lời, đồng thời, sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, để việc áp thuế tài sản được hiệu quả, công bằng, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu thực nghiệm vì muốn loại thuế này mang lại nguồn thu bền vững thì phải dựa trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cần hoàn thiện các thể chế về đất đai, quy hoạch, nhất là việc xây dựng bảng giá đất, khung giá đất phải sát với giá thị trường; phải công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng.