Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLaw đã trả lời phỏng vấn liên quan đến "Dự án ma" và đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn loại hình kinh doanh này trên Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Liên tiếp các “dự án ma” được tung ra thị trường khiến hàng nghìn khách hàng “sập bẫy” trong khi các giải pháp ngăn chặn từ phía chính quyền chưa thật sự hiệu quả.
Mới đây, Viện Kiểm soát nhân dân TP HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của công an cùng cấp đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung (SN 1981) - Giám đốc Công ty Angel Lina để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Can thiệp khi… sự đã rồi
Nội dung phản ánh hàng loạt khách hàng đã lọt bẫy các công ty bất động sản ở TP HCM vì góp vốn mua đất nền nằm trong diện quy hoạch, chờ giải tỏa. Trong đó, Công ty Angel Lina tự ý phân lô, bán nền các nền đất sở hữu Nhà nước, khu quy hoạch công viên cây xanh.
Khách hàng khi lọt bẫy rơi vào cảnh nợ nần và không biết ngày nhận lại số tiền đặt cọc. Thống kê sơ bộ, số tiền của người dân đã đặt cọc cho Công ty Angel Lina lên đến hơn 40 tỷ đồng.
Tương tự, trong đơn tố cáo gửi đến Bộ Công an về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Kim Liên, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Đất Xanh Long An (Công ty Đất Xanh Long An), ông Trần Minh Tuấn (TP HCM), cho biết ngày 30.6.2018 ông đã ký hợp đồng nguyên tắc đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất trả góp 2 lô đất (L01, L31 khu C2) dự án Hưng Thịnh Cát Tường II (tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) với Công ty Đất Xanh Long An.
Qua nhiều lần góp vốn, đến nay ông Tuấn đã thanh toán cho Công ty Đất Xanh Long An với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án này vẫn chưa triển khai để giao nền cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng.
Khi ông Tuấn tìm hiểu kỹ mới phát hiện dự án vẫn chưa thỏa thuận đền bù đất cho người dân vùng dự án; đất trong dự án mà Công ty Đất Xanh Long An bán cho khách hàng vẫn thuộc sở hữu của người dân. Ông Tuấn đã ngưng thanh toán và yêu cầu công ty trả lại tiền nhưng cho đến nay công ty vẫn né tránh gặp mặt.
Thời gian qua, TP HCM xuất hiện rất nhiều dự án nhà đất không hề được chính quyền cấp phép theo luật định nhưng vẫn mở bán rầm rộ, thậm chí là khoanh đất quy hoạch công viên, đất nông nghiệp của người khác rồi tự vẽ thành dự án.
Chỉ cần vào Internet tìm các từ khóa như “khu dân cư Lò Lu, quận 9”, “khu dân cư Thạnh Xuân, quận 12”, “khu dân cư Đông Thạnh, Hóc Môn”... người tìm lập tức sẽ nhận về hàng loạt những thông tin hấp dẫn như: Hồ sơ pháp lý đầy đủ, bản đồ phân lô, vị trí giao thông thuận tiện, chiết khấu khi đặt cọc...
Chính quyền phải vào cuộc quyết liệt
Tại TP HCM, thủ đoạn này xuất hiện từ nhiều năm qua và đang gia tăng, diễn biến phức tạp ở các quận ven, huyện ngoại thành, kéo theo rất nhiều hệ lụy. Thế nhưng, các giải pháp ngăn chặn từ xa của chính quyền, cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả, phần lớn chỉ can thiệp khi vụ việc đã xảy ra.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw phân tích, Luật Nhà ở, Luật Đất đai quy định việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền; sau đó, đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện.
Với những trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch (đặc biệt là bên mua). Bởi giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến nên không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực; tức là vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua.
Theo luật sư Hà, để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này, cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông báo chí. Dựng panô, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa. Đây là cách mà UBND Q.12, Q.Bình Tân (TP HCM) hay thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa làm.
Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tiến hành cưỡng chế các dự án sai phạm, trả lại hiện trạng khu đất, nhắc nhở chủ khu đất không nên nghe theo lời của các công ty bất động sản bất chính.
“Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình phân lô bán nền trái phép. Khi có hình thức xử phạt, chế tài nặng, doanh nghiệp làm trái quy định mới thật sự sợ” – ông Hà đề xuất.
Trước những sai phạm của các chủ đầu tư, chủ đất như trên, nhiều chuyên gia luật đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý hình sự những người liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có sự răn đe.