Một trong những nội dung được đánh giá cao tại Dự luật lần này chính là thay đổi trong cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế nhằm phù hợp với bối cảnh hiện nay. Những quy định mới của Luật Cạnh tranh theo nhiều chuyên gia đã khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động mua bán, sáp nhập.

Cách tiếp cận phù hợp thông lệ quốc tế

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh là hai trong số những hành vi bị cấm được quy định trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Luật cũng nghiêm cấm cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường như: Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh; Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh…

Đặc biệt, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận, vấn đề kiểm soát tập trung kinh tế tại Luật Cạnh tranh 2018 đã có một cách tiếp cận mới. Đó là kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho các cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế; tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phân tích, theo quy định tại Điều 34 của Dự thảo Luật, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí như: tổng tài sản trên thị trường Việt Nam; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế; thị phần của một trong các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
“Đây là một trong những thay đổi quan trọng trong cách thức kiểm soát tập trung kinh tế, bởi Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ dựa vào một tiêu chí duy nhất là thị phần để kiểm soát. Đây là những tiêu chí mang tính định lượng rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ các quy định pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế”, đại biểu Mẫn nhận xét.

Vẫn còn chưa hết lo

Dù đánh giá cao những quy định mới của Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế vẫn thể hiện mối lo ngại khi nhìn vào thực tế hơn 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh năm 2004. Hết năm 2015, cơ quan cạnh tranh mới tiếp nhận hơn 300 khiếu nại, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt trong 150 vụ đã điều tra. Số lượng vụ vi phạm cạnh tranh không lành mạnh được giải quyết còn khá ít trong khi xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế…, mà một trong những hạn chế lớn nhất là do thực thi còn kém.

Còn ông Trương Đình Tuyển lại nhấn mạnh một số yêu cầu cải cách mà lĩnh vực cạnh tranh cần thực hiện để thực thi Luật Cạnh tranh hiệu quả như: tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới; tăng cường công khai, minh bạch quy trình, cách thức, kết quả hoạt động điều tra… Bên cạnh đó là nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh, đặc biệt là việc áp dụng phân tích kinh tế để xem xét, đánh giá vụ việc cạnh tranh. “Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Rõ ràng, điều quan trọng hơn cả của bản Hiến pháp thị trường là phải tạo ra được một môi trường để cạnh tranh công bằng và minh bạch. Đó là điều mà Luật Cạnh tranh cần có chứ không phải chỉ quy định nhằm hạn chế hoặc xử phạt cạnh tranh không minh bạch.

LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các quy định về tập trung kinh tế

Luật Cạnh tranh cùng với Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư… tạo thành một khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường. Vì vậy, pháp luật cạnh tranh có nhiệm vụ quan trọng để ngăn chặn và xử lý những hành vi khai thác thế mạnh độc quyền nhằm bóp méo sự lành mạnh của thị trường và làm suy giảm hiệu quả của cạnh tranh. Dưới góc độ ý thức kinh doanh, việc xử lý doanh nghiệp về hành vi lạm dụng quyền lực thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp phải nhận thức lại về trách nhiệm của mình đối với thị trường và xã hội. Ngay cả khi muốn khai thác quyền lực sẵn có để tìm kiếm lợi ích, các doanh nghiệp này cũng phải e dè và nể sợ trước pháp luật cạnh tranh.

LS Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP HCM Chờ hướng dẫn cụ thể

Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng biện pháp sau: Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; Quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước…

Để luật sớm triển khai trong thực tế, trong quá trình xây dựng nội dung, theo tôi được biết, Bộ Công Thương cũng đã chuẩn bị xây dựng 3 nghị định để hướng dẫn các chi tiết nội dung, bao gồm cả về bộ máy của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cũng như các vấn đề về xử phạt vi phạm trong cạnh tranh.

Nguồn: http://enternews.vn/dot-pha-kiem-soat-tap-trung-kinh-te-130865.html