Đóng BHXH trên 20 năm có được hưởng BHXH 1 lần?

Nội dung bài viết

Những ngày gần đây, có thông tin cho rằng, năm 2020 sẽ là năm cuối cùng người lao động được nhận BHXH 1 lần. Cụ thể, nội dung thông tin như sau: “Điều 55 Luật BHXH năm 2006: NLĐ nghỉ việc từ đủ 12 tháng trở lên, chưa có việc làm mới, có nguyện vọng hưởng BHXH 1 lần thì được cơ quan bảo hiểm cho hưởng trợ cấp 1 lần. Điều 60 Luật BHXH năm 2014: Không trợ cấp BHXH 1 lần cho công nhân, NLĐ nữa mà bắt buộc NLĐ phải hưởng lương hưu. Điều 60 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2016, thế nhưng lại vấp phải sự phản đối quyết liệt từ NLĐ, do vậy, Quốc hội quyết định kéo dài Điều 55 cho NLĐ hưởng BHXH 1 lần đến năm 2020. Hết năm 2020, Điều 55 sẽ tự bãi bỏ, Điều 60 sẽ được tự động áp dụng, buộc NLĐ hưởng hưu chứ không trợ cấp BHXH 1 lần nữa…”.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, đồng thời giải đáp những vướng mắc của người dân trong quá trình tham gia BHXH, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Nội dung câu hỏi:

1. Thưa ông ông có thể lý giải thêm về có thông tin cho rằng, năm 2020 sẽ là năm cuối cùng người lao động được nhận BHXH 1 lần, đây có phải là thông tin chính xác không thưa ông?

Trả lời:

Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, thì những thông tin này hoàn toàn không chính xác. BHXH 1 lần là một trong những quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHXH. Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014.

Cụ thể, NLĐ được nhận BHXH 1 lần nếu đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư; mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Đồng thời, Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 bổ sung thêm trường hợp cho Điều 60 nêu trên: “Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần”.

Như vậy, Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13 đều có sự kế thừa quy định của Luật BHXH năm 2006, chứ không có chuyện bãi bỏ hay cắt giảm quyền lợi của NLĐ. Tất cả những thông tin liên quan đến BHXH 1 lần vẫn không thay đổi. Do đó, hoàn toàn không có chuyện sau năm 2020, NLĐ sẽ không được lĩnh BHXH 1 lần như thông tin lan truyền thời gian qua.

2. Bà Quách Thuỳ Minh có câu hỏi, bà có thể làm thủ tục hưởng BHXH một lần khi chưa đủ 1 năm kể từ ngày có quyết định nghỉ việc được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được hướng dẫn bởi Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 thì điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần được xác định như sau:

“1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

  1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
  2. a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
  3. b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi ...”.

Như vậy, phải sau một năm nghỉ việc trở lên nếu người lao động không tiếp tục đóng BHXH và số năm đóng BHXH của người lao động chưa đủ 20 năm thì người lao động mới có thể yêu cầu rút BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần được tính dựa trên mức đóng và số thời gian đóng BHXH của người lao động theo quy định tại Khoản 2 điều luật nêu trên.

3. Bà Đoàn Thị Khánh Trang (Đà Nẵng) có gửi câu hỏi: Công ty tôi có lao động nữ đến tuổi về hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và Công ty đã chốt sổ BHXH cho lao động này nhưng sau đó lao động này đi làm lại thì Công ty có phải đóng BHXH cho trường hợp này nữa không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

  1. Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Bộ Luật Lao động 2012 về sử dụng người lao động cao tuổi: “Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đòng lao động mới...”.

Như vậy, trường hợp Công ty tiếp tục ký HĐLĐ như nêu trên thì bà Trang vẫn thuộc đối tượng tham gia và Công ty phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

4. Bố của bà Hương Thu sinh năm 1968, đã đóng BHXH được 20 năm. Nay bố của bà không còn khả năng làm việc nên muốn nhận BHXH một lần. Bà hỏi, bố của bà có đủ điều kiện nhận BHXH một lần không? Nếu được thì hồ sơ cần chuẩn bị những gì?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì các trường hợp được hưởng BHXH một lần bao gồm:

“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
  2. b) Ra nước ngoài để định cư;
  3. c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
  4. d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, điều kiện bắt buộc để được hưởng BHXH một lần là chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, nếu đã đủ 20 năm mà chưa đủ tuổi thì phải chờ đủ tuổi để giải quyết theo chế độ hưu trí.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp được giải quyết bảo hiểm một lần khi có trên 20 năm đóng bảo hiểm, các trường hợp này quy định tại điểm b, c Khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể bao gồm:

+ Ra nước ngoài để định cư;

+ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

Vì thế nếu bác thuộc 2 trường hợp trên thì bố bạn vẫn sẽ được cơ quan bảo hiểm giải quyết chế độ bảo hiểm một lần. Bạn liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

5. Công ty ông Phạm Văn Bình (TPHCM) có lao động nam sinh năm 1973, tham gia BHXH từ 12/1996 đến 7/2019, đã đóng BHXH được 22 năm 6 tháng. Vừa qua lao động này bị đột quỵ, đã đưa đi giám định tại Hội đồng giám định y khoa TPHCM, kết quả bị suy giảm khả năng lao động do bệnh tật. Tỷ lệ tổn thương cơ thể vĩnh viễn là 83%.

Ông Bình hỏi, lao động này có đủ điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động không? Hoặc có đủ điều kiện để hưởng chế độ BHXH 1 lần không?

Trả lời:

Thứ nhất, về điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động:

Điều 16 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động như sau:

“Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

...

  1. Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.”

Như vậy, mặc dù tỷ lệ thương tật của ông Bình là 83% tuy nhiên ông chưa đủ 50 tuổi nên không đủ điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động.

Thứ hai, về điều kiện hưởng chế độ BHXH một lần:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành luật bảo hiểm xã hội và luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, có quy định về bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm “Các bệnh, tật ngoài các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.”

Như vậy, để được giải quyết trợ cấp BHXH một lần thì ông cần có Biên bản giám định y khoa phải thể hiện tình trạng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự phục vụ.

6. Bà An Nguyên (Hà Nội) hỏi, việc truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập được áp dụng đối với những trường hợp nào? Hồ sơ truy thu như thế nào?

Trả lời:

Thứ nhất, Công văn số 835/BHXH-BT ngày 20/03/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn việc truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh các hạng.

Theo đó, đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non bán công, dân lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập từ năm 1995 đến khi đã đóng BHXH bắt buộc, BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành truy thu BHXH tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhân với mức tiền lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở từng thời kỳ và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH. Cụ thể:

- Thời gian từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2006: Bằng 15%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 5%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

- Thời gian từ tháng 1/2007 đến tháng 12/2009: Bằng 16%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 5%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

- Thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2011: Bằng 18%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 6%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

- Thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2013: Bằng 20%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 7%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

- Thời gian từ tháng 1/2014 đến nay: Bằng 22%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 8%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

Thứ hai, về hồ sơ truy thu BHXH:

Ðối với giáo viên mầm non:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS, ban hành kèm theo Quyết định số 595/QÐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 888/QÐ-BHXH ngày 16/7/2018 của BHXH Việt Nam).

- Hợp đồng lao động, hoặc quyết định tuyển dụng của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, hoặc giấy tờ gốc có liên quan thể hiện có làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non.

Trường hợp không còn đầy đủ các hồ sơ gốc như trên thì cung cấp giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, nơi làm việc, tiền lương, tiền công (nếu có), … kèm theo xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non nơi đã làm việc hoặc của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

Ðối với cơ sở giáo dục mầm non, hoặc đơn vị sử dụng lao động nơi giáo viên mầm non đang làm việc:

- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mẫu D02-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QÐ-BHXH).

- Thu tiền đóng BHXH của giáo viên mầm non, chuyển đủ số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.

Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà những chia sẻ trên!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan