Đã bắt giữ đối tượng ném đá
Vào khoảng 21h45 ngày 20-2, lái xe ôtô Range Rover trình báo về việc bị 3 người lạ mặt đứng trên cầu vượt nút giao Tiền Phong ném đá làm chiếc xe bị rạn nứt kính. Đến 22h30 cùng ngày, một chiếc xe container khác cũng bị ném gạch đá gây nứt vỡ kính chắn gió phía trước xe.
Sau khi nhận được thông tin về các vụ việc trên, Công an thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã tiến hành điều tra, phục kích, bắt quả tang 3 thiếu niên dưới 16 tuổi tham gia thực hiện hành vi ném đá vào ôtô chạy trên tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng. Hiện cơ quan công an đang tập trung lấy lời khai, thu thập chứng cứ, giám định các phương tiện bị thiệt hại để có hướng xử lý theo quy định.
Liên quan đến hành vi ném đá xe ô tô, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Luật sư của Công ty Luật TNHH SBLaw, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi sẽ xử lý hành chính.
Một phương tiện bị ném đá rạn nứt kính
Theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi ném gạch, đất, đá, hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, phương tiện giao thông, người, đồ vật, tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối tượng ném đá vào ô tô cũng có thể bị xử lý về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác với mức phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi ném đá vào ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178, BLHS 2015.
Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 -dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Nếu tài sản bị hư hỏng chưa đến 2 triệu đồng, đối tượng thực hiện hành vi chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các dấu hiệu: đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết tội về hành vi này chưa được xóa án tích mà tái phạm; gây ảnh hưởng xấu đến ANTT…
Nếu gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của lái xe, hành khách, cá nhân có hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” hoặc “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”…
Trẻ dưới 16 tuổi cũng có thể bị xử lý hình sự
Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, ngoài việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định của BLDS 2015 về “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Ném đá vào phương tiện đang lưu thông là hành vi đặc biệt nguy hiểm, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông liên hoàn và thảm khốc.
Điều đáng nói là, phần lớn đối tượng ném đá vào xe ôtô trên đường chủ yếu là trẻ vị thành niên nên cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở mức độ kiểm điểm, nhắc nhở mà ít trường hợp bị khởi tố.
“Hành vi ném đá trên cao tốc là hành vi rất nguy hiểm do phương tiện lưu thông trên cao tốc chạy với tốc độ khá cao. Theo BLHS 2015 sửa đổi, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi, đối tượng dưới 16 tuổi ném đá vào xe ô tô trên cao tốc vẫn có thể bị xử lý hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa phân tích.
Để hạn chế những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, chính quyền địa phương ven các tuyến quốc lộ, đường cao tốc cần tăng cường vận động, tuyên truyền người dân cư sinh sống tại khu vực về những hiểm họa do hành vi ném đá vào xe ô tô đang lưu thông trên đường gây ra, trong đó đặc biệt chú ý tới đối tượng trẻ vị thành niên, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với cá nhân thực hiện hành vi này.
Nguồn: https://anninhthudo.vn/oto-xe-may/doi-tuong-nem-da-xe-o-to-tren-duong-cao-toc-ha-long-hai-phong-co-bi-xu-ly-hinh-su/800438.antd