Đổi tiền lẻ ăn chênh ngày Tết

Nội dung bài viết

Những ngày Tết cận kề là thời điểm các hoạt động đổi tiền lẻ diễn biến sôi động, đặc biệt là dịch vụ đổi tiền lẻ nổi lên với hoạt động ăn chênh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có một số chia sẻ và giải đáp.

Câu 1: Được biết là ngân hàng nhà nước đã đưa ra thông báo là k phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp trên thị trường. Tuy nhiên trên các chợ mạng hoặc các bài viết vẫn có nhiều cá nhân thực hiện đổi tiền lẻ để ăn chênh. Vậy nguồn tiền lẻ ở đâu mà họ có được để đổi cho người dân khi năm nào cũng diễn ra hoạt động đổi tiền lẻ như vậy?

Trả lời:

Thời điểm cận tết là lúc dịch vụ đổi tiền mới, đổi tiền lẻ diễn biến sôi động. Mọi người thường có nhu cầu đổi tiền lẻ tiền mới, tiền nguyên seri, nguyên cọc phục vụ mục đích cá nhân như tiêu xài Tết Nguyên đán, đi lễ chùa, mừng tuổi, đổi tiền cho công ty, …

Trong các dịp tết gần đây, Nhà nước đã thắt chặt hoạt động đổi tiền lẻ bằng cách để cho Ngân hàng đại diện phát đi thông báo là không phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp trên thị trường. Nhưng rõ ràng, trong khi nguồn cung tiền lẻ từ ngân hàng rất hạn chế do chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán, thị trường đổi tiền lẻ bên ngoài vẫn diễn ra khá rầm rộ.

Mặc dù, đã bị siết chặt, thế nhưng loại hình “kinh doanh” này không mất đi mà chỉ chuyển từ hình thức này sang chiêu trò khác, với những mức phí chênh ngày càng tăng. Những người “buôn” tiền lẻ chuyển từ bán công khai sang bán online, tức là rao bán trên các trang mạng xã hội, các trang web để tránh chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Lý giải về nguồn tiền lẻ trên thị trường, có một thực tế là tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng sẽ được cấp một hạn mức được đổi tiền lẻ nhất định. Vì vậy, nhiều cá nhân đã lợi dụng điều này để “săn” tiền lẻ, tích trữ tiền lẻ để đổi cho những người có nhu cầu nhằm ăn mức phí chênh. Hoặc gần đây có một nguồn mới là đổi tiền lẻ từ các chùa để cất trữ và tung ra vào dịp tết để kiếm lời. Người dân khi đi chùa thường bỏ tiền lẻ vào các hòm công đức, số tiền lẻ này có lẽ đã được thu lại và trục lợi bằng cách tung ra khi thị trường đổi tiền lẻ dịp tết Nguyên Đán đang diễn ra sôi nổi.

Câu 2: Những hoạt động đổi tiền lẻ ăn chênh thì có vi phạm pháp luật hay không?

Trả lời:

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như: Đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá… sẽ bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 20 triệu đồng.

Căn cứ Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng:

“5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  1. Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật; …”

Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.

Câu 3: có quy định nào về mức phí ăn chênh khi đổi tiền hay không thưa luật sư. Vì theo tôi dc biết, thậm chí có người bỏ 4 triệu ra để mang về 1 triệu tiền lẻ. Như vậy là mức chênh đó quá cao.

Trả lời:

Hiện nay, theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN quy định là hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tuy nhiên chỉ có những tổ chức được nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, trong đó chỉ có Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi stiền ở cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Theo Điều 4 Thông tư 25/2013/TT-NHNN, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông gồm: tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông; tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản; tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất.

Với các trường hợp này khi có nhu cầu, khách hàng đến Ngân hàng nhà nước chi nhánh, sở giao dịch ngân hàng nhà nước, và các Ngân hàng thương mại thì đơn vị thu đổi sẽ thực hiện đổi.

Còn ngoài ra, không có quy định nào về mức phí ăn chênh khi đổi tiền bởi thực tế hoạt động đổi tiền ăn chênh là bất hợp pháp. Các đối tượng không được cho phép khi thực hiện hoạt động đổi tiền để ăn phần phí chênh là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu 4: Khi đổi tiền lẻ tại các địa điểm, cá nhân không đảm bảo còn rất dễ gặp phải vấn đề tiền giả. Vậy với những trường hợp tiêu thụ tiền giả sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Do tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với nền kinh tế nên việc sử dụng tiền giả sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự. Cụ thể, Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định như sau:

  1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
  3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
  4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, ngoài việc bị xử lý hình sự, người lưu hành tiền giả còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng.

Câu 5: Vì sao năm nào câu chuyện đổi tiền lẻ cũng lại xôn xao dịp Tết đến xuân về. Phải chăng các chế tài chưa đủ sức răn đe nên mới tiếp tục xảy ra tình trạng đó? Từ đây ông có đưa ra khuyến cáo gì cho người tiêu dùng để tránh tiền mất tật mang hay không?

Trả lời:

Dựa trên thực tế hiện nay, việc mỗi dịp Tết đến xuân về thị trường tiền lẻ lại nhộn nhịp lý do chủ yếu bởi nhu cầu người dân dùng tiền lẻ vào việc cúng lễ, đi chùa.

Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây liên tiếp có các văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, tình trạng đổi tiền mới hưởng chênh lệch tiếp tục bùng nổ và được phô bày công khai trên các trang mạng xã hội, website cho thấy cần có sự vào cuộc kiểm tra, xử lý quyết liệt của các cơ quan liên quan nếu thực tâm muốn ngăn chặn tình trạng này.

Đã có chế tài xử lý tuy nhiên lợi nhuận cao và nhu cầu tiền mới, tiền lẻ mới tăng vọt là điều giải thích vì sao dịch vụ đổi tiền mới lại bùng nổ mạnh mẽ chỉ trong một thời gian rất ngắn trước Tết Nguyên đán dù rằng hành vi đổi tiền hưởng chênh lệch là hành vi bị cấm và bị phạt rất nặng.

Để tránh tiền mất tật mang, người dân cần chủ động chuẩn bị trước tiền lẻ mỗi dịp tết về, hoặc nên đến đổi tiền tại các Ngân hàng sớm. Nếu tiến hành đổi tiền, cần kiểm tra kĩ các dấu hiệu phân biệt tiền thật tiền giả, nhất là khi hiện nay tiền giả đã được làm tinh vi hơn rất nhiều.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan