Theo Luật sư NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể sẽ mang lại một làn sóng bảo hộ mới, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn của Luật sư Hà và phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng.
PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào đối với DN xuất khẩu Việt Nam có thị trường Mỹ là chính, khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng?
Luật sư NGUYỄN THANH HÀ: Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ tác động mạnh mẽ đến các DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đặc biệt là các ngành như dệt may, thủy sản và đồ gỗ, nơi Mỹ là thị trường chủ lực.
Bởi lẽ ông Trump đã từng theo đuổi chính sách bảo hộ mạnh mẽ trong nhiệm kỳ đầu, và việc ông trở lại Nhà Trắng có thể sẽ mang lại một làn sóng bảo hộ mới. Ông đã từng áp dụng nhiều mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, để giảm thâm hụt thương mại và tăng việc làm trong nước.
Nếu các chính sách này được tái áp dụng hoặc mở rộng, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, khi các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ có thể đối mặt với rủi ro bị áp thuế cao hoặc bị điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt trong các ngành cạnh tranh cao như dệt may và đồ gỗ.
Ngoài ra, ông Trump đã từng nhấn mạnh “America First” trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, và khuyến khích các DN Mỹ sử dụng nguồn cung ứng nội địa. Điều này tạo ra áp lực cho các nhà cung cấp nước ngoài, bởi Mỹ có thể tăng cường các yêu cầu về nội địa hóa sản phẩm hoặc yêu cầu các DN nước ngoài thành lập nhà máy tại Mỹ, nếu muốn duy trì quan hệ thương mại.
Đối với ngành dệt may và đồ gỗ của Việt Nam, vốn phụ thuộc vào chi phí sản xuất thấp và hệ thống chuỗi cung ứng quốc tế, điều này có thể đe dọa đến khả năng cạnh tranh và làm tăng đáng kể chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc ông Trump khuyến khích các công ty quay về sản xuất trong nước, có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam.
Ông Trump thường có quan điểm nới lỏng các quy định môi trường nhằm hỗ trợ DN Mỹ giảm chi phí. Tuy nhiên, điều này có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam.
Nếu các DN Mỹ có chi phí vận hành thấp hơn do được miễn các quy định khắt khe về môi trường, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá thành, đặc biệt là ở những lĩnh vực nhạy cảm với chi phí sản xuất như dệt may và thủy sản.
Vậy DN xuất khẩu Việt Nam nên có những chuẩn bị như thế nào khi đối mặt với các vụ kiện PVTM, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo tôi, DN cần hiểu rõ các quy trình điều tra PVTM như CBPG, CTC và biện pháp tự vệ, đặc biệt là các biện pháp chống lẩn tránh các biện pháp PVTM. Việc nắm rõ các quy định này sẽ giúp DN phản ứng kịp thời khi đối mặt với các vụ kiện. Để làm điều này, thứ nhất, các DN có thể hợp tác với các cơ quan pháp lý hoặc các tổ chức hỗ trợ về PVTM.
Đồng thời, các DN cũng có thể tăng cường một đội ngũ chuyên về pháp lý và thương mại quốc tế, sẽ giúp DN thu thập thông tin, chuẩn bị tài liệu cần thiết, và liên tục theo dõi các thay đổi pháp lý liên quan đến xuất nhập khẩu tại thị trường Mỹ.
Thứ hai, tăng sự minh bạch trong báo cáo tài chính và quy trình sản xuất. Tức để tránh bị cáo buộc bán phá giá hoặc trợ cấp bất hợp pháp, các DN cần minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu và quy trình sản xuất. Điều này cũng giúp chứng minh rằng sản phẩm không sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt hoặc hạn chế, tránh bị vạ lây từ các chính sách trừng phạt.
Thứ ba, các DN nên tìm kiếm thêm các thị trường khác ngoài Mỹ để giảm thiểu rủi ro, nếu phải đối mặt với các rào cản thương mại. Việc này có thể thực hiện thông qua việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, như CPTPP, EVFTA và RCEP, từ đó tiếp cận được các thị trường châu Âu và châu Á tiềm năng. Nếu sản phẩm có giá trị cao, thị trường sẽ ít nhạy cảm hơn với các biến động giá.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cần kiên trì đàm phán với phía Mỹ để tránh coi là quốc gia thao túng tiền tệ, và sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường. Chính phủ cũng khuyến khích DN nhập khẩu hàng hóa từ phía Mỹ để làm giảm thâm hụt mậu dịch giữa hai nước.
PV: Trở lại với câu chuyện về chính quyền mới của ông Trump, dự báo tới đây dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ mạnh hơn, theo ông cần có những lưu ý gì khi đón những dòng FDI này?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:Trong giai đoạn ông Donald Trump là tổng thống Mỹ trước đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp đăng ký tại Việt Nam tăng một cách đáng kể. Như vậy có thể thấy cơ hội để Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI là rất lớn. Nhưng để đón nhận dòng vốn này một cách hiệu quả, Việt Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng và hỗ trợ chuỗi cung ứng.
Hạ tầng giao thông tốt và các khu công nghiệp hiện đại là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam nên đầu tư vào việc cải thiện hạ tầng giao thông (đường bộ, cảng biển, đường sắt) và phát triển các khu công nghiệp có dịch vụ hỗ trợ hoàn chỉnh, nhằm giúp doanh nghiệp FDI tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận chuyển. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có phương án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để tránh hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp giám sát tài chính và các quy định minh bạch về thuế đối với DN FDI. Một số dự án FDI có thể có rủi ro đối với an ninh quốc gia hoặc các vấn đề kinh tế dài hạn. Do đó, Việt Nam cần có các biện pháp đánh giá cẩn trọng đối với các dự án FDI trong các lĩnh vực nhạy cảm.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/doi-pho-ra-sao-voi-lan-song-bao-ho-cua-ong-donald-trump-post118464.html
|