Trong khi nhiều doanh nghiệp có khả năng bị phạt vì nộp thiếu thuế thu nhập, các ngân hàng cũng đứng trước khó khăn bảo mật thông tin khách hàng nếu làm theo Nghị định 126/2020. SBLAW xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Tiến Hoà trên Diễn dàn Doanh nghiệp về vấn đề này, nội dung cụ thể như sau:
- Theo quy định mới tại Nghị định 126/2020, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm, ông đánh giá như thế nào về quy định này?
Điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP được Bộ Tài chính trình và Chính phủ vừa ban hành hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12 tới, “tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm”.
Đặc biệt, điểm b khoản 6 Điều 8 của Nghị định 126/2020 cũng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.
Bản chất quy định này nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp chậm nộp thuế và chiếm dụng vốn nhà nước giống như tình trạng thực hiện Nghị định 91/2014/NĐ-CP trước đây. Tuy nhiên, quy định mới về “tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp” sẽ đem tới nhiều bất cập nếu như đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
- Quy định này sẽ tác động như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp, thưa ông?
Thứ nhất, về việc doanh nghiệp phải tính và tạm nộp thuế của 3 quý đầu năm không ít hơn 75%, nếu không thì sẽ phải chịu thêm tiền chậm nộp. Sẽ rất khó để các doanh nghiệp có thể tính được bao nhiêu mới là đủ 75% tiền thuế thu nhập của cả năm, trong khi vẫn chưa hết năm để có thể quyết toán?
Điều này còn dẫn tới tình trạng dù doanh nghiệp có muốn làm đúng theo luật, cũng gặp phải nhiều khó khăn. Nhất là trong thực tế năm nay, các tháng đầu năm, dịch bệnh ảnh hưởng tới hầu hết các doanh nghiệp và họ phải đợi tới gần đây mới bắt đầu lấy lại đà phục hồi khi tình hình COVID-19 trở nên khả quan hơn. Ngoài ra, quy định này cũng đem lại sự không công bằng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có thu nhập mùa vụ hoặc chủ yếu hoạt động vào các tháng cuối năm. Các doanh nghiệp như vậy sẽ khó tính toán được thu nhập sát với thực tế và đối mặt với khả năng cao là phải nộp thêm tiền phạt chậm nộp thuế.
Thứ hai, mặc dù Tổng cục Thuế cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quy định, song thực tế là có rất nhiều doanh nghiệp mới hoặc các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất không theo dự tính.
Ngoài khó khăn trong khâu tính toán, việc phải nộp trước tiền thuế khiến cho doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong phân bổ vốn và mất một phần vốn đáng ra được dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để sinh lời. Như vậy, quy định chưa thực hiện được chức năng khuyến khích và động viên các doanh nghiệp trong việc phát triển.
Hiện cơ quan nhà nước đang khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định này, hy vọng các quy định hướng dẫn Nghị định có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đúng luật mà không vướng phải quá nhiều rào cản.
- Ngoài ra, một trong những quy định gây tranh cãi của Nghị định 126/2020 là yêu cầu ngân hàng phải cung cấp thông tin của người nộp thuế, ông đánh giá như thế nào về quy định này?
Tình hình trốn thuế, gian lận thuế diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là khi xu hướng thương mại điện tử phát triển, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng thì cơ quan quản lý thuế không thể xác định được thu nhập của cá nhân, tổ chức. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Việc các ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế sẽ giúp cơ quan này nắm được dòng tiền của các đối tượng có nguy cơ trốn thuế, tức là Ngân hàng sẽ tham gia với vai trò là người “hỗ trợ” cơ quan Thuế thực hiện công tác thu thuế, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước.
Tất nhiên, chỉ những trường hợp đặc thù, đặc biệt những giao dịch phục vụ cho công tác quản lý thuế thì cơ quan thuế mới được yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin và Nghị định này cũng đã nêu rõ cơ quan thuế sẽ là người có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.
Do đó, các doanh nghiệp không cần phải lo ngại về việc bảo mật thông tin khi cơ quan thuế được phép tiếp cận thông tin của họ.
- Nếu được sửa đổi, ông sẽ sửa đổi những quy định này như thế nào để vừa thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng đảm bảo công tác quản lý của nhà nước?
Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải có văn bản cụ thể quy định trong những trường hợp nào cơ quan quản lý thuế được yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin; thông tin nào được cung cấp, thông tin nào tuyệt đối không được cung cấp; mức độ thông tin mà Ngân hàng buộc phải cung cấp, cách thức Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho ngành thuế như thế nào; quy định cam kết bảo mật thông tin, trách nhiệm của cơ quan quản lý, Ngân hàng.
Đồng thời, cũng phải đề ra những chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp dựa vào quy định này đánh cắp dữ liệu, làm rò rỉ thông tin khách hàng. Việc quy định như thế sẽ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc thực thi nghiêm túc trong công tác quản lý Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
Link nguồn: https://enternews.vn/doanh-nghiep-va-ngan-hang-cung-hoang-mang-vi-chinh-sach-thue-moi-186989.html