Doanh nghiệp tổ chức làm thêm từ trên 200-300 giờ phải thông báo cho ai?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty em có trụ sở chính ở HN và chi nhánh Đà Nẵng + CN Hồ Chí Minh hạch toán phụ thuộc. Em đang có thắc mắc là nếu công ty em có lao động làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm thì có cần làm thông báo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng hay chỉ cần thông báo cho nơi đặt trụ sở chính là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là đủ ạ?

Luật sư tư vấn:

Trong trường hợp Công ty tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, Công ty cần thông báo cho cả nơi đặt trụ sở chính là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Tuy nhiên trước tiên cần xem xét Công ty có thuộc vào các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm hay không? Cụ thể, tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 61 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quy định các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm:

  • Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản.
  • Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước.
  • Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.
  • Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất.
  • Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn phát sinh từ các yếu tố khách quan liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019.
  • Cung ứng dịch vụ công; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.
  • Công việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.

Thứ hai, nếu công ty thuộc các trường hợp nêu trên thì phải thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các nơi sau theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, bao gồm:

  • Nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;
  • Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Việc thông báo phải được thực hiện chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm (khoản 2 Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP). Văn bản thông báo theo Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, trong trường hợp tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ nhưng không thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 6 và điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động vi phạm là cá nhân.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động vi phạm là tổ chức.

Do đó, Công ty cần làm thông báo cho cả Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và Đà Nẵng.

0/5 (0 Reviews)
Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW là 1 trong những hãng luật uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chúng tôi có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật. SBLAW tự hào có một đội ngũ Luật sư giỏi, có trình độ chuyên môn cao, uy tín, chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật.

Hồ sơ năng lực

Bài viết liên quan