Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, phải làm sao?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi hiện đang làm tại một công ty đã được 4 năm. Công ty có nhiều hành vi bóc lột, đe dọa người lao động. Chúng tôi làm việc ở công ty đã lâu nhưng không hề được đóng bảo hiểm lao động.

Một lần tôi phát hiện công ty chỉ đăng ký lên trên với 5 nhân viên, trong khi công ty chúng tôi có tận gần 60 nhân viên. Khi có bạn đóng bảo hiểm, công ty yêu cầu chúng tôi nộp 60% tiền bảo hiểm. Đóng từ tháng 5 nhưng tháng 11 mới có sổ bảo hiểm, và sổ ghi là tháng 11. Công ty còn giam 5% tiền lương hàng tháng. Biết rõ công ty làm sai luật, trốn thuế nhưng không biết viết đơn hoặc tố cáo về đâu? Chúng tôi phải làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; ...”.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu hợp đồng mà bạn và những người lao động khác ký với công ty là loại hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì bạn và những người lao động khác thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thứ hai, về quyền của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động:

“Điều 18. Quyền của người lao động

1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

...

Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội ...”.

Như vậy, việc công ty không lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ và tham gia bảo hiểm xã hội là sai quy định của pháp luật.

Thứ ba, về mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, Khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

“1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất …”.

Như vậy, tỷ lệ trích nộp bảo hiểm xã hội của người lao động là 8% mức tiền lương hàng tháng. Ngoài ra thì người lao động còn phải trích nộp 1,5% cho quỹ BHYT. Việc người sử dụng lao động thu 60% tiền bảo hiểm là sai quy định của pháp luật.

Nhìn chung, dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp thì công ty này đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lao động. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi cho bản thân những người lao động thì bạn và những người lao động cùng hoàn cảnh có thể gửi đơn tố cáo công ty này đến cơ quan quản lý lao động tại địa phương (phòng Lao động thương binh và xã hội) hoặc có thể khởi kiện trực tiếp ra Tòa án để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan