Chưa hết nỗi lo

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vẫn đang tiếp tục được Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Xây dựng lấy ý kiến. Theo đó, có một số nội dung đề xuất nhận về các phản ứng từ thị trường đã được chỉnh lý phù hợp hơn. Có thể thấy rằng hiệu ứng chính sách từ các luật mới tiếp tục nhận về những mối quan tâm đặc biệt.

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật mới được ban hành, đại diện Bộ Xây dựng cho biết dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của thị trường ở thời điểm hiện tại.

Ghi nhận thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng cho biết đến nay những khó khăn trong vấn đề pháp lý là nguyên nhân chính khiến dự án bị trễ tiến độ. Điều này không chỉ làm mất cơ hội và thời gian ra hàng của doanh nghiệp, mà còn khiến họ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý từ phía khách hàng, bao gồm việc phải hoàn trả tiền cho khách hàng. Hay một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bỏ dự án vì không thể chờ tiếp.

Ghi nhận thực tế, đầu năm nay, chủ đầu tư dự án The Nosta (Đường Láng, Hà Nội) đã có thông báo phải dừng hợp đồng với khách hàng do gặp khó khăn về pháp lý. Doanh nghiệp này cho biết, đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Để giảm thiểu thiệt hại cho cả doanh nghiệp và khách hàng, công ty đã gửi đi thông báo dừng hợp đồng, cam kết hoàn lại tiền và đưa ra các biện pháp hỗ trợ khách hàng trong quá trình thực hiện thủ tục. Đồng thời, cũng sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ để đảm bảo hài hòa quyền lợi cả hai bên.

Còn theo đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh thời gian qua, được sự hỗ trợ của Tổ Công tác và lãnh đạo các địa phương, bước đầu đã có những tiến triển, tiền đề tháo gỡ rõ rệt. Tuy nhiên, xét về kết quả sau cùng, mới giải quyết được một số ít dự án. Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng tiến độ tháo gỡ chưa được như kỳ vọng, vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp địa ốc loay hoay chờ luật mới có hiệu lực
Doanh nghiệp địa ốc loay hoay chờ luật mới có hiệu lực

Tham khảo thêm >> Dịch vụ Tư vấn bất động sản

Lưu ý gì trong thời kỳ chuyển tiếp Luật?

Trao đổi riêng với DĐDN, LS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho hay, về việc gỡ khó cho các dự án theo các quy định chuyển tiếp tại luật mới như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh khi rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự án bất động sản đã đáp ứng yêu cầu đối với dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh theo quy định của Luật số 66/2014/QH13 trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì không phải đáp ứng các yêu cầu đối với dự án bất động sản quy định tại Điều 11 - Luật Nhà ở 2023.

Hay đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đã có văn bản của UBND cấp tỉnh xác định khu vực, vị trí được phép thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật thì được tiếp tục thực hiện theo văn bản đó.

Những quy định này đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình triển khai dự án và giảm bớt các khó khăn. Đây là những nỗ lực hợp nhất nhằm đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với đòi hỏi ngày càng phức tạp của thị trường bất động sản.

Theo LS Hà, các quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Việc ban hành những văn bản này sẽ tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai và phát triển bất động sản tại Việt Nam.

“Có thể hy vọng rằng, các quy định hướng dẫn thi hành các luật mới không chỉ giúp hệ thống hóa quy trình quản lý và sử dụng đất đai, mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh bất động sản lành mạnh và bền vững. Dù vậy, trong quá trình xây dựng những văn bản này, cần tránh quy định chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện giao dịch, cũng như các cơ quan nhà nước trong việc áp dụng luật.” – LS Nguyễn Thanh Hà khẳng định.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-dia-oc-loay-hoay-cho-luat-moi-co-hieu-luc-260534.html