Doanh nghiệp còn thờ ơ công cụ phòng vệ thương mại

Nội dung bài viết

Trong bài viết Doanh nghiệp còn thờ ơ công cụ phòng vệ thương mại của tác giả Tố Uyên được đăng tải trên Thời báo tài chính Việt Nam có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

(TBTCO) – Trong thời gian qua, nhiều DN Việt đã phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại. Trong khi DN nước ngoài sử dụng triệt để công cụ phòng vệ, thì đối với DN Việt công cụ này lại bị “bỏ quên”.

Mặt hàng thép của Việt Nam đã 4 lần bị Mỹ kiện chống bán phá giá. Ảnh: ĐT

“Vũ khí tự vệ” bị bỏ quên

Với năng lực xuất khẩu ngày càng gia tăng kèm theo những lợi thế cạnh tranh về giá, DN Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều với các vụ kiện CBPG, chống trợ cấp.

Tính đến thời điểm này, DN nước ta đã phải đối mặt với 67 vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ tiến hành 3 vụ điều tra, gồm 2 vụ điều tra tự vệ và 1 vụ điều tra CBPG đối với hàng nhập khẩu.

Đầu tiên là vụ Công ty kính nổi Viglacera và công ty kính nổi Việt Nam kiện điều tra tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu diễn ra từ năm 2009. Vụ việc thứ hai được ghi nhận là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam đối với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu vào bắt đầu từ tháng 11/2012.

Mới đây nhất là vụ 2 công ty TNHH Posco VST và công ty cổ phần Hòa Bình Inox yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam từ 4 quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế, TS Đinh Thị Mỹ Loan, cho biết: Các DN về thủy sản, dệt may, da giày, gạo của nước ta đang có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường với lợi thế cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là xu hướng bảo hộ của các quốc gia phát triển cũng đang ngày càng gia tăng. Và tất yếu, DN ta đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Trong khi đó, thời gian qua chúng ta mới dừng lại ở việc đi kháng kiện chứ chưa đi khởi kiện. Lẽ ra phải sử dụng và phát huy hiệu quả công cụ này khi tham gia giao thương quốc tế thì chúng ta lại bỏ quên.

Vì đâu DN thiếu mặn mà?

Rõ ràng việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là một phương án hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước. Một số DN tuy đã nhận thức được điều này nhưng lại rất ít sử dụng.

Lẽ ra phải sử dụng và phát huy hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại khi tham gia giao thương quốc tế thì chúng ta lại bỏ quên.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan

Bà Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do các DN chưa hiểu rõ về cơ chế vận hành, thủ tục tiến hành của các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Bên cạnh đó, DN còn gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin về số lượng hàng hoá nhập khẩu, để có sự so sánh, đối chứng khi tiến hành khởi kiện”, bà Loan cho biết.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết: Hiện nay có một số DN thép muốn sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào công tác hoạch toán. Chính vì vậy, đây cũng là dịp mà chúng ta cần phải chấn chỉnh lại việc thống kê và hoạch toán cho đầy đủ, phù hợp.

Nói về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Công ty Luật S&B cho biết thêm: Vai trò của các cơ quan về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, trong đó có các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường… rất quan trọng vì họ quản lý dữ liệu hàng hóa XNK. Hiện nay, trong một số các vụ kiện, chúng ta chưa có cơ chế phối hợp để cung cấp thông tin cho DN. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những cơ chế rõ ràng về việc cung cấp thông tin số liệu XNK để trợ giúp DN.

Bên cạnh đó, chi phí để tiến hành các vụ kiện thường cao và thời gian kiện thường kéo dài, điều này gây ra tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các hiệp hội nên đứng ra khởi xướng, chủ trì và triển khai các hoạt động liên quan, đại diện cho các DN.

Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, đa số các hiệp hội vẫn chưa phát huy được vai trò của mình. “Hiệp hội là nơi đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của DN nhưng các hiệp hội hiện nay cũng chưa trợ giúp được nhiều cho DN để tiến hành các vụ kiện. Trong khi đó, ở các vụ kiện quốc tế của các nước tiến hành khởi kiện DN Việt Nam, hiệp hội đóng vai trò quan trọng là thay mặt DN để tiến hành khởi kiện”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, DN nên tìm hiểu rõ các cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO. Đồng thời, DN cùng với hiệp hội ngành hàng cần liên kết chặt chẽ với nhau, nếu phát hiện sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương để yêu cầu giải quyết.

Quý khách hàng có thể xem link sau:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-con-tho-o-cong-cu-phong-ve-thuong-mai

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan