Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về những thủ tục, cách xử lý mà các doanh nghiệp cần biết trong trường hợp không thực hiện được hợp đồng đã ký kết do đại dịch Covid-19 trên sóng Truyền hình Quốc Hội. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Vâng thưa luật sư, khi ký kết hợp đồng, nhiều doanh nghiệp không lường trước được đại dịch COVID -19 lại xảy ra gây cản trở việc thực hiện hợp đồng. Vậy đối với các hợp đồng ký từ trước thời điểm xảy ra dịch có quy định cụ thể về thời gian, quy trình giao hàng những trong quá trình thực hiện do ảnh hưởng của dịch như giãn cách, đóng cửa giao thương,… khiến không thực hiện đúng như cam kết. Nếu vậy các doanh nghiệp cần làm gì để thiệt hại ít nhất?
Trả lời:
Hệ luỵ do đại dịch COVID-19 gây ra là tác động tiêu cực đến hầu hết tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc. Theo báo cáo tác động của dịch bệnh COVID 19 đến các doanh nghiệp Việt Nam của VCCI và Ngân hàng thế giới (WB) vào tháng 3/2021 thì có đến 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.
Việc thực hiện hợp đồng gặp nhiều khó khăn do liên tục phải đóng cửa, dừng sản xuất, kinh doanh cũng như việc vận chuyển giao nhận hàng hoá mất nhiều thời gian hơn trước đây vì phải tuân thủ nhiều quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh đang diễn ra phức tạp. Đứng trước tình hình này, các doanh nghiệp muốn giảm thiểu thiệt hại thì trước tiên cần phải hiểu được đây là ảnh hưởng chung do đó cần có sự thống nhất với nhau về cách thức giải quyết vấn đề.
Khi xảy ra tranh chấp do Covid-19, hai bên thường cố gắng đẩy rủi ro cho phía còn lại và việc tranh cãi thường kéo dài gây mệt mỏi cho cả hai bên, tuy nhiên, đến cuối cùng mục đích vẫn là hai bên muốn hợp tác và hoàn thành các nghĩa vụ theo cam kết. Vì vậy, thay vì dành thời gian để gây sức ép, tranh cãi đổ lỗi cho nhau thì các doanh nghiệp nên ngồi lại và cùng nhau đàm phán để sửa đổi những cam kết trước đó cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài tiết kiệm thời gian quý báu, việc cùng ngồi lại thương lượng sẽ giúp các bên tránh khỏi những chi phí phát sinh cho việc khiếu kiện, gây tổn thất và tốn kém hơn cho các doanh nghiệp trong thời điểm nhạy cảm này.
Câu 2: Điều 156.1, Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa ‘sự kiện bất khả kháng’ là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Định nghĩa này được áp dụng rộng rãi trong các quan hệ pháp luật dân sự và thương mại. Vậy trong trường hợp doanh nghiệp không thể thực hiện đúng như hợp đồng đã ký do ảnh hưởng của dịch thì có phải là “sự kiện bất khả kháng” hay không thưa luật sư? Nếu hợp đồng ghi nhận thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là sự kiện bất khả kháng thì sẽ giải quyết như thế nào? Thế còn trường hợp Nếu hợp đồng không có thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là sự kiện bất khả kháng?
Trả lời:
Khi xem xét một sự kiện có phải là “Sự kiện bất khả kháng” theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cần cân nhắc đủ ba yếu tố:
- Tính khách quan của sự kiện;
- Không thể lường trước được;
- Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Như vậy, nếu có đầy đủ 03 yếu tố trên thì có thể coi dịch bệnh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Covid-19 mang yếu tố khách quan do đây là dịch bệnh bùng phát lây lan. Nhưng khi xét đến yếu tố “không lường trước được” hay “không thể khắc phục được” thì sẽ phụ thuộc vào thời điểm hai bên ký kết hợp đồng và những biện pháp mà hai bên đã áp dụng để khắc phục.
Hai bên khi đã giao kết hợp đồng thì phải có nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định của Luật Thương mại 2005. Do đó trong trường hợp hợp đồng ghi nhận thoả thuận “dịch bệnh” là sự kiện bất khả kháng thì việc giải quyết sẽ áp dụng theo các thoả thuận của hai bên về sự kiện này đã được ghi nhận trong hợp đồng hoặc áp dụng điểm b khoản 1 điều 294 Luật thương mại về trường hợp được miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Đối với trường hợp hợp đồng không có thoả thuận “dịch bệnh” là sự kiện bất khả kháng thì như đã đề cập trên. Dịch bệnh muốn được coi là sự kiện bất khả kháng phải có đủ 3 yếu tố: Tính khách quan của sự kiện, Không thể lường trước được, Không thể khắc phục được. Nếu không đủ các điều kiện này thì bên không thực hiện đúng/đủ nghĩa vụ sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng và sẽ phải chịu các chế tài theo thoả thuận trong hợp đồng cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Câu 3: Vậy các bên ký kết hợp đồng thương mại cần làm gì để đề phòng Rủi ro khi Giao kết Hợp đồng?
Trả lời:
Để đề phòng rủi ro khi giao kết hợp đồng thì người tham gia giao kết cần hình dung kĩ càng và cụ thể nhất những trường hợp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng và thể hiện chúng một cách rõ ràng thành các điều khoản. Ví dụ, khi soạn thảo và giao kết hợp đồng thương mại, cần lưu ý xây dựng điều khoản “sự kiện bất khả kháng” gồm những trường hợp nào (dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, ...), hệ quả cụ thể đi kèm và nghĩa vụ thông báo khi xảy ra sự kiện bất khả kháng để giảm thiểu thiệt hại phát sinh. Thông thường, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, hệ quả của nó sẽ là miễn trừ trách nhiệm đối với bên có nghĩa vụ (bên có nghĩa vụ không phải bồi thường). Tuy nhiên, các bên vẫn có thể thỏa thuận hệ quả ngược lại, cụ thể là bên có nghĩa vụ vẫn phải bồi thường, tùy vào nhu cầu cụ thể của các bên khi tham gia hợp đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự tư vấn, góp ý từ các chuyên gia, luật sư, những người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động liên quan để xây dựng được bản hợp đồng với những điều khoản minh bạch, phân bổ rủi ro một cách rõ ràng.