Doanh nghiệp cần chú trọng đến bộ phận pháp chế

Nội dung bài viết

Trong bài "Doanh nghiệp cần chú trọng đến bộ phận pháp chế" đăng trên báo Pháp luật Việt nam, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Việc sử dụng tư vấn pháp luật hay chính doanh nghiệp xây dựng cho mình một bộ phận pháp chế là thật sự cần thiết trước khi thành lập doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Bởi quá trình bắt đầu khởi nghiệp hay đã hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định thì rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp có thể khó tránh khỏi trong điều kiện khối lượng kiến thức pháp luật trong nước đồ sộ, chưa tính đến pháp luật các nước đối tác và pháp luật quốc tế chung nếu doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế.

Luật sư, ThS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nêu quan điểm, pháp chế là một công cụ trong hoạt động bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Bộ phận pháp chế là một bộ phận có chức năng đảm bảo về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, thường được xếp vào là một bộ phận thuộc khối các phòng, ban có chức năng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quan điểm của người đứng đầu doanh nghiệp mà vai trò của bộ phận pháp chế được coi trọng hay xem nhẹ. Trong xu thế hiện nay, các doanh nghiệp đã bắt đầu thấy được sự cần thiết phải có bộ phận pháp chế trong hoạt động của mình, từng bước hình thành bằng việc thành lập ra bộ phận pháp chế, nâng cấp, kiện toàn về mặt nhân sự và chất lượng của nhân sự pháp chế.

Qua kinh nghiệm thực tiễn, ông Hà khuyến cáo các doanh nghiệp cần có sự quan tâm đúng mức đến ý nghĩa, vai trò của tư vấn pháp luật đối với hoạt động kinh doanh cũng như trong quan hệ với người lao động của doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp Việt có thể chọn cho mình một hình thức hợp lý cho hoạt động pháp chế. Tùy thuộc vào quy mô và mức độ cần sử dụng của hoạt động tư vấn pháp luật mà thành lập riêng cho mình một đội ngũ pháp chế hoặc ký hợp đồng thuê tư vấn pháp luật thường xuyên” – ông Hà gợi ý.

Đồng tình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm cho rằng, cần tạo thói quen doanh nghiệp sử dụng pháp chế. “Có một vị giám đốc doanh nghiệp chỉ vì tin nhân viên cấp dưới mà bị cáo buộc về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Câu chuyện mà chúng ta đặt ra ở đây đó là nếu được tham vấn tốt từ đội ngũ cán bộ pháp chế ngay từ đầu thì có lẽ sự việc sẽ khác” – ông Lãm dẫn chứng. Có thể nói, pháp chế doanh nghiệp là bộ phận cần thiết, tạo khung pháp lý ổn định và hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên có thể tùy thuộc vào loại hình kinh doanh mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức tư vấn pháp lý thật sự phù hợp, bảo đảm lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn, tâm lý của nhiều doanh nghiệp hiện nay là khi có khó khăn nhờ luôn cán bộ công chức nhà nước làm việc tại đó, là nguồn gốc của “bảo kê”, “tham nhũng”. Tâm lý quen biết, “quan hệ” một phần nào đấy hiệu quả nhưng ở mức độ khác lại ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp. Với tâm lý như vậy nên họ không quan tâm đến việc xây dựng bộ phận pháp chế. Trong khi đó đối với doanh nghiệp nước ngoài, trước khi ra quyết định, ký kết hợp đồng đều tham vấn ý kiến luật sư. Ông Tuấn còn cho biết, thậm chí cả việc sử dụng luật sư khi ký kết các hợp đồng kinh doanh cũng là chuyện hiếm. “Có những vị chủ doanh nghiệp ký những hợp đồng có giá trị rất lớn nhưng nội dung các điều khoản lại quá sơ sài. Vì không chú trọng đến những điều đó nên khi có tranh chấp thì thiệt hại rất lớn” – ông Tuấn chia sẻ.

Còn tại Hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Bắc năm 2017 do Bộ Tư pháp tổ chức trong 2 ngày 20 – 21/7, Trưởng ban Pháp chế (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) Lê Trọng Tài cũng nhấn mạnh vai trò rất quan trọng và cần thiết của pháp chế đối với một doanh nghiệp, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế. Tổ chức pháp chế là bộ phận thường trực pháp lý thực hiện tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo ra các quyết định điều hành sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, phòng ngừa rủi ro pháp lý đối với các giao dịch thông qua hợp đồng…

Theo ông Tài, pháp chế muốn hoạt động tốt, hiệu quả cần phải được sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp, tạo điều kiện cho pháp chế tham gia các hoạt động liên quan trong doanh nghiệp để người làm công tác pháp chế chủ động đưa ra ý kiến pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị. Xây dựng, ban hành các quy định về tổ chức và hoạt động pháp chế trong doanh nghiệp. Ngược lại bộ phận pháp chế cần phải thể hiện, hoạt động có hiệu quả, chứng minh bằng các việc làm cụ thể. Đánh giá cao các hoạt động của Bộ Tư pháp đối với công tác pháp chế doanh nghiệp, ông Tài kiến nghị Bộ Tư pháp làm đầu mối chủ trì để tổ chức pháp chế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác pháp chế; hướng dẫn nghiệp vụ đối với việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế...

Nguồn: http://baophapluat.vn/kinh-te/doanh-nghiep-can-chu-trong-den-bo-phan-phap-che-345860.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan