Trong bài "Doanh nghiệp bất động sản chụp giật, ăn cắp thương hiệu của nhau" đăng trên báo Infonet.vn, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp bất động sản nên tính đường dài cho bài toán bảo vệ thương hiệu dự án trước tình trạng bị “nhái” bởi chi phí đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm chưa đến 100 USD.
Những câu chuyện “dở khóc, dở cười”
Chia sẻ tại chương trình Café Doanh nhân với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản”, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng cho hay, hiện có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, ước chừng chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp làm được điều này.
Thực tế đã xảy ra những câu chuyện “dở khóc, dở cười” của một số doanh nghiệp về vấn đề bị “nhái”, “ăn cắp” thương hiệu.
Tràng An Complex của GP Invest phát hiện bị một đơn vị môi giới khác "ăn cắp" hình ảnh để quảng cáo dự án khác. |
Đơn cử, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest dẫn chứng ngay câu chuyện của doanh nghiệp ông khi ngoài tên, logo, slogan thì còn hình ảnh cũng đang bị vi phạm nghiêm trọng.
Ông kể, cách đây khoảng 1 tháng, tình cờ Công ty ông phát hiện một quảng cáo bán căn hộ Tràng An ở 149 Trường Chinh (Hà Nội) nhưng hình ảnh lại dùng hình ảnh của dự án Tràng An Complex của GP Invest.
“Dự án của chúng tôi là Tràng An Complex, nhưng dự án ở 149 Trường Chinh cũng đề tên là Tràng An, dùng hình ảnh dự án của chúng tôi đăng lên website. Chúng tôi tìm hiểu mới biết do một công ty môi giới đã lấy hình ảnh của chúng tôi để quảng cáo cho dự án ở Trường Chinh. Việc “ăn cắp” này chính là vi phạm thương hiệu của chúng tôi. Thương hiệu không chỉ là tên, mà còn là hình ảnh mà hiện chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này. Vì thế, khi chúng tôi đưa ra thì cũng chẳng biết phạt họ thế nào và cũng chẳng có ai phạt cả nên họ chỉ gỡ bỏ các thông tin, hình ảnh trên mạng xuống là xong…”, ông Hiệp chia sẻ.
Một trường hợp khác mà ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud chia sẻ, trước đây công ty ông có tên “Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội”, nhưng sau khi cổ phần hoá khi đăng ký lại thì chỉ cần thêm hai chữ “cổ phần” là xong nhưng công ty đã không thể đăng ký được vì đã có doanh nghiệp khác đăng ký.
“Cuối cùng chúng tôi không lấy được tên công ty của mình nữa khi cổ phần hóa và đành phải thêm chữ vào tên công ty thành “Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội” thì mới đăng ký được, mặc dù tên Công ty của mình do UBND thành phố đặt…”, ông Đính chia sẻ.
Theo ông Đính, đây là một hạn chế trong việc đăng ký kinh doanh, đó là mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ; còn những yếu tố khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được quan tâm. Vì vậy ông Đính đề xuất nên đưa bổ sung các yếu tố này thêm vào thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bất động sản cần làm gì để bảo vệ thương hiệu?
Ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SLAW cho hay, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có kết nối với Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đơn vị đăng ký kinh doanh khó có thể tìm kiếm và xác nhận được thông tin mà chỉ đơn thuần là search google nếu không trùng với tên một doanh nghiệp nào đó thì cho doanh nghiệp đăng ký.
Ngoài ra, ông Hà cũng cho biết, Luật yêu cầu các doanh nghiệp tự bảo vệ mình, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu. Nếu phát hiện ra việc bị “nhái” thương hiệu nên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ... bởi nhà nước không thể đủ nguồn lực để bảo vệ doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hà, khi doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu của mình thì chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó và dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý.
Đóng góp thêm ý kiến về giải pháp, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho biết, chúng ta có khá nhiều cơ quan về sở hữu trí tuệ, mỗi cơ quan xử lý một vấn đề nên nhiều khi doanh nghiệp thấy tài sản bị xâm phạm thì không biết tìm đến ai.
Ở các quốc gia trên thế giới, khi phát hiện tài sản trí tuệ bị vi phạm doanh nghiệp có thể gọi ngay tới đường dây nóng và có cơ quan tiếp nhận, phân loại các vi phạm. Điều này giúp đỡ doanh nghệp tốn kém thời gian, tiền bạc.
Theo ông Vinh, các cơ quan hữu quan như Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Bất động sản… cần có một đường dây nóng như vậy. Đồng thời, cung cấp thêm dịch vụ luật sư để tìm được ngọn ngành lĩnh vực, phạm vi xâm phạm để giải quyết nhanh cho doanh nghiệp.
Nguồn: https://infonet.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-chup-giat-an-cap-thuong-hieu-cua-nhau-post272295.info