Điều tra các vụ đấu giá có dấu hiệu bất thường

Nội dung bài viết

Những ngày vừa qua, dư luận dành sự quan tâm tới các phiên đấu giá  đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản có dấu hiệu bất thường tại các địa phương. Công an và các cơ quan chức năng đang vào cuộc, xác minh, làm rõ việc trả giá cao bất thường, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.…Trên cơ sở đó, đề xuất biện pháp khắc phục tình trạng sơ hở trong công tác đấu giá.

Đây cũng chính là vấn đề sẽ được Góc nhìn chuyên gia hôm nay đi sâu phân tích, với khách mời là Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw.

Cảm ơn LS đã dành thời gian tham gia chương trình của chúng tôi hôm nay. Tổng hợp ngắn vừa rồi, chỉ là 3 trong số nhiều vụ đấu giá đang được dư luận đặt nhiều câu hỏi bởi sự trả giá cao bất thường. LS đánh giá như thế nào, về tình trạng này?

Trả lời:

Việc giá trúng thầu tăng vọt, gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm, có thể là dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ. Các doanh nghiệp có thể sử dụng chiến lược trả giá cao để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, hoặc để tạo ra sự khan hiếm và từ đó nâng giá bán sản phẩm sau khi khai thác. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không thực sự có năng lực tài chính, nhưng vẫn tham gia đấu giá với mục tiêu chuyển nhượng lại quyền khai thác cho bên thứ ba với giá cao hơn.

Thứ hai, những hiện tượng trả giá cao bất thường đang tăng cao sẽ có nguy cơ về tính minh bạch và công bằng: Các cuộc đấu giá cần tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng. Tuy nhiên, những mức giá tăng cao đột biến như vậy dễ khiến dư luận nghi ngờ về việc có thể có sự thông đồng hoặc các hành vi thiếu minh bạch trong quá trình đấu giá. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, các cuộc đấu giá có thể trở thành môi trường cho các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các thỏa thuận ngầm không lành mạnh giữa các bên tham gia đấu giá.

Thứ ba, việc giá đấu thầu quyền khai thác khoáng sản tăng cao có thể gây áp lực lên các doanh nghiệp trúng thầu trong việc khai thác nhanh chóng để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Điều này có thể dẫn đến khai thác quá mức, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương.

Như vậy, tình trạng này cho thấy nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường giám sát và hoàn thiện cơ chế đấu giá, nhằm đảm bảo rằng các cuộc đấu giá tài nguyên không trở thành công cụ cho các hành vi thao túng thị trường và gây thiệt hại cho xã hội

Điều tra các vụ đấu giá có dấu hiệu bất thường - SBLAW
Điều tra các vụ đấu giá có dấu hiệu bất thường

Những giá chốt ở mức kỷ lục liên tục được ghi nhận, gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần so với mức giá khởi điểm …Theo LS, điều này sẽ tiềm ẩn những rủi ro như thế nào, đặc biệt là việc lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi?

Trả lời:

Việc chốt giá ở mức kỷ lục khi đấu giá đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, từ đó cũng mang đến những cái ảnh hưởng, rủi ro vô cùng đáng kể đối với mặt bằng giá và cả thị trường:

Thứ nhất, về mặt tài chính, việc giá chốt khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm sẽ gây ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp, Để có thể trúng đấu giá với mức giá cao, doanh nghiệp thường phải vay vốn ngân hàng. Áp lực trả nợ lớn có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong trường hợp thị trường biến động hoặc giá khoáng sản giảm.

Thứ hai, việc gia tăng mức giá chốt khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng sẽ làm tăng chi phí cho nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Đôi khi chi phí khai thác thực tế có thể cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu, do các yếu tố như địa chất phức tạp, giá nhiên liệu tăng, hoặc công nghệ khai thác chưa hoàn thiện. Từ đó cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và sau quá trình khai thác, giá bán các nguyên vật liệu, sản phẩm cũng sẽ gia tăng, từ đó giá bán các sản phẩm thu được sau quá trình khai thác cũng sẽ cần tăng lên để bù đắp từ đó dẫn đến việc giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Từ đó, gây ảnh hưởng đến cung cầu và quá trình ra quyết định của người mua.

Thứ ba, giá khoáng sản trên thị trường thế giới có thể biến đổi và giảm mạnh, khiến doanh nghiệp không thu hồi đủ vốn đầu tư và thậm chí bị lỗ. Gây nên những tình trạng khó khăn về tài chính và phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, dự định của công ty.

Như vậy, có thể thấy được là việc chốt giá đấu giá ở mức cao tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về kinh tế cũng như xã hội, và đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, người trúng thầu và cả người tiêu dùng.

Hiện nay cơ quan công an, cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra, rà soát những bất cập trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với những vụ đấu giá có dấu hiệu bất thường. Theo LS, những bất cập đang hiện hữu ở đây, là gì?

Trả lời:

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những công cụ quản lý hiệu quả và minh bạch, giúp nhà nước kiểm soát tài nguyên quốc gia, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy trình đấu giá này đang gặp phải nhiều bất cập và hạn chế, gây ra nhiều vấn đề và dấu hiệu bất thường.

Đầu tiên, có một số bất cập phổ biến trong quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Một số cuộc đấu giá được khai thác là có sự mạnh mẽ của các nhóm lợi ích, dẫn đến giá khởi điểm được xác định thấp hơn giá trị thực tế của tài nguyên hoặc quyền khai thác được trao đổi cho những bên không đủ năng lực nhưng có quan hệ tốt với các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Luật Đấu giá tài sản 2016, quy trình đấu giá phải công khai và minh bạch. Tuy nhiên, trong thực tế, thông tin về các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản thường không được công bố đầy đủ và đúng thời hạn, vi phạm quy định tại Điều 57 của Luật Đấu giá. Các doanh nghiệp có thể không nắm bắt được thông tin đáp ứng kịp thời, làm giảm tính cạnh tranh và sử dụng quy trình đấu giá. Nhiều doanh nghiệp thao túng kết quả đấu giá, dẫn đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, gây lãng phí tài nguyên và tổn hại cho ngân sách nhà nước.

Một số vụ đấu giá không có sự tham gia của các chuyên gia, dẫn đến việc đánh giá và ra quyết định không chính xác. Các chuyên gia có thể bao gồm nhà thẩm định giá, luật sư, kỹ sư khai thác khoáng sản và các chuyên gia khác liên quan đến lĩnh vực đấu giá. Việc thiếu sự tham gia của các chuyên gia có thể dẫn đến việc đánh giá sai lầm về giá trị tài sản, tiềm năng khai thác và các yếu tố quan trọng khác. Các quyết định được đưa ra mà không có sự tư vấn của các chuyên gia có thể không phù hợp, không hiệu quả và gây thiệt hại cho các bên liên quan.

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cần được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và có sự kiểm soát chặt chẽ. Các biện pháp như công khai thông tin, tăng cường giám sát, ban hành quy định chi tiết và đảm bảo sự tham gia của các chuyên gia là rất cần thiết để khắc phục những bất cập hiện hữu. Bằng cách này, chúng ta có thể nâng cao hiệu quả và tính công bằng của quy trình đấu giá, bảo vệ quyền lợi của nhà nước và các bên tham gia, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW 15
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện, chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu phát hiện bất cập trong quy định pháp luật, cần tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung…Theo LS, chúng ta cần bổ khuyết lỗ hổng gì về khung pháp lý để điều tiết, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất?

Trả lời:

Trong khoảng thời gian gần đây, kết quả đấu giá đất diễn ra tại một số huyện vùng ven của Hà Nội đã tạo ra “cú sốc” trong dư luận khi số lượng hồ sơ tham gia đấu giá rất lớn, giá trúng đấu giá cũng cao gấp rất nhiều lần so với giá khởi điểm và cao bất thường so với mặt bằng giá chung của thị trường đất đai tại địa bàn những nơi đấu giá đất đó, một số địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội với lo ngại rằng việc này có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.

Để hạn chế hiện tượng trên,  ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Các đơn vị kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Về mặt pháp lý, hiện nay hệ thống pháp luật đã có tương đối đầy đủ các quy định trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu giá tài sản… Các luật này đều đã được sửa đổi và đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn. Có nhiều ý kiến đã nói đến việc nguyên nhân là do giá khởi điểm thấp, ví dụ như ở cuộc đấu giá đất tại Hoài Đức, giá khởi điểm chỉ từ 7,3 triệu đồng/m2, trong khi mức giá xung quanh khu vực này khoảng 30 – 40 triệu đồng/m2. Đây là vấn đề kỹ thuật, bởi hiện nay để xây dựng giá khởi điểm thì các địa phương phải sử dụng bảng giá đất cũ. Trong khi đó, bảng giá đất cũ này đã bộc lộ nhiều bất cập và cũng đã được điều chỉnh trong Luật Đất đai 2024. Vấn đề ở đây là các địa phương cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế khi xây dựng giá khởi điểm đấu giá đất đến khi có bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Ngoài ra trên thực tế có quá nhiều những biến số cho nên vừa qua, Quốc hội đã sửa Luật Đấu giá tài sản là ngoài việc mất tiền cọc còn có thể áp dụng một số chế tài khác như một thời gian sẽ không được tham gia đấu thầu, đấu giá và một số hoạt động sẽ bị hạn chế, tuy nhiên những chế tài này thực sự chỉ có ý nghĩa với nhà đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi thường xuyên tham gia hoạt động đấu thầu, đấu giá sẽ giảm uy tín, thương hiệu, còn đối với người dân, cá nhân tham gia đấu giá đất như vừa được tổ chức ở Thanh Oai, Hoài Đức gần như không có giá trị. Người dân tham gia đấu giá không nhiều, thậm chí muốn tham gia có thể nhờ một cá nhân khác đứng tên.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản. LS đánh giá như thế nào về chế tài hiện nay?

Trả lời:

Chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong đấu giá tài sản tại Việt Nam hiện nay được quy định tương đối rõ ràng và có tính răn đe, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần xem xét để đảm bảo hiệu quả thực thi và phù hợp với thực tiễn. Dưới đây là những điểm mạnh và hạn chế của các chế tài hiện hành:

Điểm mạnh:

Thứ nhất, việc tịch thu tiền đặt trước và cấm tham gia đấu giá trong một thời gian đã tạo ra một mức độ răn đe nhất định đối với người tham gia đấu giá, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực như bỏ cọc, không thanh toán tiền trúng đấu giá. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của người bán tài sản cũng như sự nghiêm túc trong hoạt động đấu giá.

Thứ hai, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người vi phạm giúp đảm bảo trách nhiệm pháp lý và quyền lợi của các bên liên quan. Điều này rất cần thiết trong trường hợp vi phạm gây ra tổn thất lớn cho chủ sở hữu tài sản hoặc tổ chức đấu giá.

Thứ ba, việc công khai thông tin người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần vào việc răn đe và ngăn chặn tái phạm.

Hạn chế:

Thứ nhất, trong một số trường hợp, các cá nhân, tổ chức có tiềm lực tài chính lớn có thể vẫn sẵn sàng chấp nhận bị mất tiền đặt trước hoặc bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi thao túng giá, thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi. Điều này cho thấy chế tài về tiền đặt trước đôi khi không đủ mạnh để ngăn chặn hoàn toàn các hành vi này.

Thứ hai, trong nhiều trường hợp, mặc dù luật quy định về việc bồi thường thiệt hại, nhưng việc xác định mức thiệt hại và buộc người vi phạm thực hiện nghĩa vụ bồi thường không phải lúc nào cũng dễ dàng và hiệu quả. Việc khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường có thể kéo dài, tốn kém và gây bất lợi cho bên bị hại.

Thứ ba, các chế tài hình sự đối với các hành vi gian lận trong đấu giá chưa được áp dụng triệt để, đặc biệt trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng có tính chất tổ chức, liên kết để lũng đoạn thị trường.

Thứ tư, thời gian cấm tham gia đấu giá trong nhiều trường hợp có thể không đủ dài để ngăn chặn hành vi tái phạm, nhất là đối với những đối tượng có ý định trục lợi từ việc lũng đoạn thị trường.

Kiến nghị:

Thứ nhất, để tăng tính răn đe, có thể xem xét nâng mức tiền đặt trước cao hơn cho các tài sản có giá trị lớn để đảm bảo người tham gia đấu giá nghiêm túc hơn.

Thứ hai, đối với các hành vi có tổ chức, liên quan đến việc lũng đoạn, thao túng giá thị trường, cần tăng cường áp dụng các chế tài hình sự, kể cả với mức án tù, nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi này.

Thứ ba, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các cuộc đấu giá, bao gồm cả việc công khai toàn bộ thông tin liên quan đến người tham gia đấu giá, lịch sử vi phạm để tránh việc tái diễn các hành vi tiêu cực.

Như vậy, chế tài hiện nay là cần thiết và có tác dụng nhưng vẫn cần phải điều chỉnh và bổ sung để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài sản đấu giá đang ngày càng phức tạp.

Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn bất động sản

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan