Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng được thắt chặt theo Luật chứng khoán 2019

Nội dung bài viết

Ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật chứng khoán năm 2019. Luật chứng khoán năm 2019 sẽ có hiệu lực kể từ ngày ngày 01 tháng 01 năm 2021, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần tư vấn cho thính giả Đài tiếng nói Việt Nam về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng:

Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ quy định chung cho các loại hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Điều 15 của Luật Chứng khoán năm 2019 đã phân chia điều kiện của từng loại hình công ty là công ty cổ phần và công ty đại chúng. Cụ thể:

Khoản 1 Điều 15: quy định chặt chẽ điều kiện bán cổ phiếu của công ty

Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần theo Khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 bao gồm:

a) Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán (trong Luật Chứng khoán hiện hành là 10 tỷ đồng);

b) Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán (trong Luật Chứng khoán hiện hành là 01 năm);

c) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;

d) Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;

đ) Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;

e) Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóaán tích;

g) Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;

h) Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khikết thúc đợt chào bán (trong Luật Chứng khoán hiện hành thì thời hạn là 01 năm sau kết thúc đợt chào bán);

i) Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Trong khi quy định tại điểm (c) được giữ nguyên, quy định tại các điểm (a), (b) và (h) được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn so với các quy định trong Luật Chứng khoán hiện hành. Ngoài ra, Luật Chứng khoán 2019 bổ sung các điều kiện mới là những điều kiện còn lại.

Khoản 2 Điều 15: chỉ được bán thêm cổ phiếu nếu có lãi;

Đối với điều kiện chào bán thêm cổ phiếu của công ty đại chúng được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật chứng khoán năm 2019, điệu kiện này cũng được quy định chặt chẽ như phát hành lần đầu để bảo đảm chất lượng của cổ phiếu đưa ra thị trường chứng khoán, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Cụ thể như sau:

a) Đáp ứng quy định tại các điểm a, c, e, g, h và i khoản 1 Điều này;

b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kếtính đến năm đăng ký chào bán;

c) Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;

d) Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.

Việc các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng được điều chỉnh sẽ giúp kiểm soát, tránh trường hợp doanh nghiệp tăng vốn quá nhanh, trong khi quản trị doanh nghiệp không theo kịp, bảo đảm việc huy động vốn của doanh nghiệp phải gắn với việc sử dụng vốn, đồng thời để bảo vệ các cổ đông thiểu số trong trường hợp không có đủ khả năng tài chính để thực hiện quyền mua cổ phiếu.

Quy định: phải đưa cổ phiếu, trái phiếu lên sàn khi kết thúc đợt chào bán

Theo điểm h khoản 1 và điểm i khoản 3 Điều 15 Luật chứng khoán năm 2019, tổ chức phát hành có văn bản cam kết đáp ứng điều kiện, làm cơ sở cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận việc đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Đồng thời cổ phiếu, trái phiếu này phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Như vậy, một trong những điểm mới của Luật chứng khoán năm 2019 là quy định về việc cổ phiếu, trái phiếu phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Đây là một trong những điều kiện của công ty cổ phần khi lần đầu chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan