Trong chương trình phát thanh Kinh doanh và pháp luật, được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình 585, do Bộ tư pháp chủ trì, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và Công ty cổ phần truyền thông ALO Media phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng công ty Khí Việt Nam PV GAS, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch kiêm giám đốc S&B Law sẽ trao đổi về chủ đề trách nhiệm tại sản của doanh nghiệp. S&B Law xin trân trọng giới thiệu nội dung buổi trao đổi.
Hợp đồng là sự thỏa thuận mang tính bắt buộc giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ. Nhằm đảm bảo các thỏa thuận được thực thi trên thưc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền, pháp luật quy định khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thì tùy tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả hành vi vi phạm thì sẽ phải chịu những loại trách nhiệm pháp lý cụ thể trong đó có trách nhiệm tài sản.
Phóng viên: Xin luật sư cho biết, trách nhiệm tài sản thì bao gồm phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, vậy trong trường hợp nào thì bên vi phạm hợp đồng phải chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại? Mức phạt vi phạm và giá trị bồi thường được tính như thế nào (xin ông cho một vài ví dụ thực tiễn đã xảy ra )
Trả lời: Trên thực tế hiện nay có rất nhiều loại Hợp đồng khác nhau. Mỗi loại Hợp đồng có thể được điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành khác nhau và luật chung trong trường hợp luật chuyên ngành không quy định. Tuy nhiên, một cách khái quát nhất Hợp đồng được chia làm hai loại căn cứ vào mục đích của các bên tham gia Hợp đồng, đó là Hợp đồng dân sự và Hợp đồng thương mại.
- Hợp đồng thương mại là Hợp đồng được ký kết giữa các bên có đăng ký kinh doanh và nhằm mục đích lợi nhuận.
- Hợp đồng dân sự là Hợp đồng được ký kết giữa bất cứ cá nhân, tổ chức nào và không nhằm mục đích lợi nhuận.
Theo quy định của cả Bộ luật dân sự 2005 (tại Điều 422) và Luật Thương mại 2005 (Điều 300 và 307) thì bên vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng. Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005 thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận nhưng tổng mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp vi phạm Hợp đồng dịch vụ giám định.
Tuy nhiên đối với các Hợp đồng mà không phải là Hợp đồng thương mại, ví dụ : Hợp đồng vay tài sản của hai cá nhân; Hợp đồng thuê nhà ở giữa chủ hộ gia đình và sinh viên; Hợp đồng gửi xe; Hợp đồng mua bán nhà ở….thì không chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Theo quy định tại khoản 2 Điều 422 Bộ luật dân sự 2005 thì mức phạt vi phạm trong Hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận. Như vậy theo tinh thần của Bộ luật dân sự thì mức phạt vi phạm trong Hợp đồng dân sự không bị khống chế, mà hoàn toàn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại: khác với vấn đề phạt vi phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng phát sinh ngay cả trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào về vấn đề này. Theo quy đinh của cả Bộ luật dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra.
Ngoài ra, cả hai luật này đều không giới hạn mức bồi thường thiệt hại mà căn cứ vào lỗi của các bên và mức thiệt hại thực tế xảy ra.
Phóng viên: Xin luật sư cho biết, khi tranh chấp xảy ra thì việc xác định trách nhiệm tài sản của bên vi phạm có gặp khó khăn, vướng mắc gì không ạ? Theo ông, quy định của pháp luật hiện hành về việc xác định mức phạt vi phạm tối đa là 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm và các khoản bồi thường thiệt hại quy định trong luật được tính để bồi thường như thế đã hợp lý và đầy đủ chưa ? nếu chưa ông có kiến nghị gì không ?
Trả lời: Khi tranh chấp hợp đồng xảy ra giữa các bên, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì bên đưa ra yêu cầu có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Đối với cả yêu cầu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, bên đưa ra yêu cầu đều phải chứng minh được hành vi vi phạm của bên kia trước Tòa án. Sau khi xác định được là có hành vi vi phạm, đối với yêu cầu phạt vi phạm các bên chỉ cần căn cứ vào mức phạt đã được thỏa thuận trong Hợp đồng để xác định.
Tuy nhiên đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại, trên thực tế bên đưa ra yêu cầu thường gặp khó khăn trong việc xác định thực tế thiệt hại xảy ra để có thể đưa ra mức tiền yêu cầu bồi thường hợp lý.
Đối với quy đinh hiện hành của Luật thương mại 2005 về việc xác định mức phạt vi phạm tối đa là 8% phần nghĩa vụ bị vi pham, theo quan điểm của tôi là chưa hợp lý bởi lẽ:
Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, các bên hoàn toàn chịu trách nhiệm khi thỏa thuận chọn mức phạt;
Không nên giới hạn mức phạt, nhằm mục đích răn đe buộc các bên thực hiện đúng hợp đồng. Việc giới hạn mức phạt sẽ phần nào gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn mức phạt;
Chế tài bồi thường thiệt hại rất ít khi được tòa án và trọng tài chấp nhận khi bên bị vi phạm yêu cầu bồi thường do những khó khăn trong việc xác định mức thiệt hại cụ thể cũng như căn cứ chứng minh cho các thiệt hại này. Vì vậy, việc cho phép các bên có quyền thỏa thuận mức phạt không hạn chế nhằm bảo vệ phần nào lợi ích cho bên bị vi phạm hợp đồng.
Sở dĩ tôi đưa ra ý kiến nêu trên vì theo quan điểm của tôi chế tài phạt vi phạm được hiểu là một biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm. Bởi lẽ, nếu cho rằng phạt vi phạm là một biện pháp để khắc phục hậu quả và bù đắp thiệt hại cho người bị vi phạm thì không đúng vì đã có chế tài bồi thường thiệt hại. Nếu được hiểu là một biện pháp bảo đảm thì đã có các biện pháp khác như thế chấp, cầm cố, đặt cọc, bảo lãnh, ....
Do đó, trên cơ sở quan điểm phạt vi phạm là một biện pháp ngăn ngừa vi phạm trong hợp đồng thì pháp luật phải để cho các bên tự thỏa thuận, sao cho mức phạt vi phạm có thể phát huy được đầy đủ ý nghĩa của mình.
Tuy nhiên, pháp luật cũng cần ấn định mức giới hạn tối đa cho mức phạt vi phạm. Bởi lẽ, nếu như cứ để cho các bên tự do thỏa thuận như quy định của pháp luật dân sự thì các bên có thể thỏa thuận một mức phạt “trên trời dưới đất”, rất khó để các bên có thể thực hiện nghĩa vụ khi vi phạm xảy ra và sẽ dẫn đến việc chế định này sẽ không phát huy được hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, mức phạt 8% thực tế hiện nay là giới hạn quá thấp, do đó mức hạn chế này cũng cần được nới rộng ra để cho các bên có thể tự do thỏa thuận phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Câu hỏi từ thính giả nghe đài:
Thưa luật sư, thính giả binhminh20282 gửi câu hỏi như sau:
Một khách hàng thường xuyên của công ty chậm thanh toán tiền dịch vụ 03 tháng. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần có công văn yêu cầu trả tiền, nhưng họ không thực hiện. Trong hợp đồng dịch vụ, chúng tôi có thỏa thuận bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán phải chịu phạt tương ứng với 5% tổng giá trị hợp đồng bị vi phạm và bồi thường thiệt hại. Đề nghị chuyên mục tư vấn, chúng tôi đã có thể áp dụng thỏa thuận phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại này không.
Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu hành vi chậm thanh toán của khách hàng của Công ty không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, thì Công ty anh hoàn toàn có thể áp dụng mức phạt vi phạm như đã được thỏa thuận trong Hợp đồng. Trong Hợp đồng Công ty anh va khách hàng thỏa thuận mức phạt là 5% tổng giá trị Hợp đồng bị vi phạm, mức phạt này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 301 của Luật Thương mại 2005.
Trong trường hợp Công ty anh muốn yêu cầu khách hàng của mình bồi thường thiệt hại do họ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn như hai bên đã thỏa thuận thì theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại, Công ty anh cần chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra, và thiệt hại thực tế này phát sinh trực tiếp do hành vi không thanh toán của khách hàng gây ra.
Ngoài ra theo quy định tại Điều 306 Luật Thươn mại 2005 Công ty anh còn có quyền yêu cầu khách hàng trả tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.