Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về Những điểm mới đáng chú ý của Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Dưới đây là nội dung chi tiết:
1. Theo ông, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/6 khắc phục được những hạn chế gì của Luật Cạnh tranh 2004?
Trả lời:
Các quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 được đánh giá là còn mang tính mô tả, cứng nhắc chưa nhằm vào bản chất phản cạnh tranh của hành vi mà chỉ nhắm đến hình thức biểu hiện bên ngoài của hành vi, không bắt kịp được các biến động thường xuyên, liên tục của thị trường.
Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh năm 2004 còn thiếu các quy định đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong việc giám sát, kiểm soát và xử lý các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế của doanh nghiệp nhà nước.
Luật Cạnh tranh 2004 có nhiều quy định chưa được điều chỉnh theo hướng tiếp cận với các thông lệ và kinh nghiệm chung trong pháp luật cạnh tranh thế giới. Chẳng hạn, trên các phương diện hợp tác thương mại và kinh tế quốc tế, các hành vi phản cạnh tranh mang tính chất xuyên biên giới. Các hành vi phản cạnh tranh có thể gây tác động, ảnh hưởng trên một số quốc gia, do đó, vấn đề cạnh tranh không chỉ còn là vấn đề trong nội bộ một quốc gia mà hiện nay đã trở thành vấn đề chung của nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn đến bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp, chưa có cơ chế và tiêu chí cụ thể để cơ quan cạnh tranh đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi, đặc biệt trong các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế để từ đó ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả.
Luật cạnh tranh (sửa đổi) đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của Luật Cạnh tranh năm 2004.
2. Điểm mới đáng chú ý nhất của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là gì, thưa ông?
Trả lời:
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
3 đối tượng chính chịu sự áp dụng chính của Luật là:
Thứ nhất là, tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Hai là các hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam.
Ba là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là mở rộng phạm vi rộng hơn, bao quát nhiều dạng thức khác có thể phát sinh trong hoạt động đấu thầu liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung như:
-Thỏa thuận đưa mức giá cao, hoặc quá cao, hoặc kèm theo điều kiện mà bên mời thầu không thể chấp nhận;
-Thỏa thuận rút hồ sơ thầu được nộp trước đó; thỏa thuận quay vòng thắng thầu; thỏa thuận phân chia thầu…
Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 chỉ đề cập đến 03 hình thức cụ thể của hành vi thông thầu:
-Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;
-Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham gia dự thầu để một bên thắng thầu;
-Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.
Như vậy, quy định trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã bao quát, quy định nhiều hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh so với Luật Cạnh tranh năm 2004.
Đồng thời bổ sung quy định cấm tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi liên quan đến thoả thuận hạn chế cạnh tranh như: vận động, kêu gọi, dụ dỗ, ép buộc các doanh nghiệp tham gia vào thoả thuận hạn chế cạnh tranh; cung cấp thông tin nhằm hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Bổ sung quy định về khoan hồng đối với doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Dự thảo Luật Cạnh tranh cũng đã bổ sung thêm các công cụ định tính nhằm xác định khả năng chi phối của một doanh nghiệp đối với thị trường vì trên thực tế, tiêu chí thị phần chưa hẳn đã phản ánh đúng vị thế, sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường. Ở những thị trường có rào cản gia nhập và mở rộng thị trường thấp, doanh nghiệp có mức thị phần cao chưa hẳn đã có sức mạnh thị trường và ngược lại.
Theo đó, cơ quan nhà nước có thể đánh giá sức mạnh thị trường của một doanh nghiệp dựa trên tổng thể các yếu tố khác nhau gồm thị phần; cấu trúc thị trường và tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường; năng lực công nghệ, cơ sở vật chất, …
Ngoài ra, đối với nhóm quy định về kiểm soát tập trung kinh tế, so với Luật Cạnh tranh 2004, Luật cạnh tranh (sửa đổi) đã thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.
3. Theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật, trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ông bình luận ra sau về nội dung này?
Trả lời:
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải có trách nhiệm thẩm định chính thức và ra quyết định về việc tập trung kinh tế đúng thời hạn nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, đồng thời bảo đảm quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Khoản 3 Điều 41 của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có quy định trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Quy định này, giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tăng cường trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả hoạt động, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng.
4. Báo cáo Khảo sát DN và phỏng vấn chuyên gia về pháp luật cạnh tranh do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa công bố cho thấy, có tới 92,8% trong số 500 DN được khảo sát không hiểu rõ về Luật Cạnh tranh. Theo ông nguyên nhân vì sao? Làm sao để người dân, đặc biệt là doanh nghiệp hiểu đúng, đủ về Luật Cạnh tranh (sửa đổi)?
Trả lời:
Doanh nghiệp là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh nhưng rất ít doanh nghiệp quan tâm và vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh 2004 để bảo vệ quyền lợi của mình. Đa số doanh nghiệp chưa hiểu biết về Luật Cạnh tranh, trên thực tế Luật Cạnh tranh chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp lớn. Các tiểu thương nhỏ vẫn chưa được bảo vệ quyền lợi theo Luật.
Thực tế, số vụ việc cạnh tranh được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều dạng hành có tác động tiêu cực tới thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng lại không áp dụng xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh mà lại áp dụng hình thức xử lý hành chính.
Nguyên nhân của thực trạng này là do:
-Tiếng nói, sức mạnh của các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức để theo đuổi các vụ cạnh tranh.
-Doanh nghiệp không thấy rõ được quyền và nghĩa vụ của mình ở Luật Cạnh tranh.
-Các quy định của Luật Cạnh tranh còn cứng nhắc, chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
Để doanh nghiệp, người dân hiểu đúng về Luật Cạnh tranh thì cần:
-Cần nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý trong việc đánh giá dự báo tác động của thị trườngthế giới và thị trường trong nước, giúp doanh nghiệp nắm được những thông tin kịp thời, chính xác để có thể có chiến lược phù hợp với bối cảnh nền kinh tế. Đây là một nội dung quan trọng nhưng ở Việt Nam còn chưa chú trọng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin và kiến thức để triển khai tốt công tác này là nhiệm vụ quan trọng của các hiệp hội doanh nghiệp và cả các cơ quan Chính phủ. Chính phủ cần tăng cường công tác nghiên cứu dự báo, bổ sung và hoàn thiện sớm các quy hoạch phát triển ngành, vùng, giúp định hướng cho việc xác định chiến lược của doanh nghiệp.
-Nhà nước cần có chính sách tăng cường công tác thông tin cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các thông tin chính thức từ các cơ quan Chính phủ và các cơ quan liên quan. Trong thời gian qua nhiều cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chính quyền nhằm trao đổi thông tin, đối thoại về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, đồng thời chia sẻ thông tin từ chính cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức, góp phần cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp để định hướng kinh doanh.
-Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của cạnh tranh, định hình văn hóa cạnh tranh trong kinh doanh và điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp mà cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước và toàn thể cộng đồng xã hội.