Trong bài viết Dịch vụ ngân hàng tại nhà, rủi ro cả hai phía đăng trên báo giao thông điện tử có phần ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW.
Mời Quý vị đọc nội dung bài báo:
Vụ khách hàng VPBank bị tố mất 11,3 tỷ đồng cho thấy, cả hai bên đều đối mặt với rủi ro.
Để tăng cạnh tranh, nhiều ngân hàng đang cung cấp dịch vụ giao, nhận tiền và làm thủ tục cho khách hàng bên ngoài ngân hàng. Từ thực tế này, nhất là với nhiều uẩn khúc vụ khách hàng VPBank bị tố mất 11,3 tỷ đồng cho thấy, cả khách hàng và ngân hàng đều phải đối mặt với rủi ro.
Chăm sóc tận nhà
Chị T.P.A.Hoa (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) mới liên hệ với một chi nhánh ngân hàngtại Cầu Giấy để làm thủ tục tại nhà cho khoản gửi tiết kiệm gần 300 triệu đồng giúp bố mẹ. Theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, chị Hoa sẽ cung cấp các thông tin của bố mẹ chị cho nhân viên ngân hàng như: Nơi ở, số điện thoại, các thông tin trên CMND. Sau đó, nhân viên ngân hàng sẽ làm sẵn các thủ tục và mang tới nhà bố mẹ chị Hoa lấy chữ ký người đứng tên sổ và cấp sổ ngay tại nhà khi nhận tiền.
Nhân viên ngân hàng cho biết, mức lãi suất gửi tiền kỳ hạn là 6,7%/năm. “Vì đang có chương trình tri ân khách hàng nên ngân hàng còn tặng phiếu mua hàng (đã thanh toán trước) trị giá 200 nghìn đồng”, chị Hoa cho biết thêm.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tại Hà Nội, một số ngân hàng như: Sacombank, Techcombank... vẫn đang triển khai dịch vụ này. Một nhân viên của Sacombank ở phòng giao dịchTrần Duy Hưng cho hay, ngân hàng có thể chuẩn bị trước các chứng từ, khi tới nhà khách hàng chỉ cần lấy chữ ký mẫu của người đứng tên sổ tiết kiệm, thông tin CMND, sau đó kiểm kê thu tiền và giao sổ tiết kiệm cho khách hàng. Hiện, lãi suất tiết kiệm tại đây là 6,8%/năm nhưng nhân viên này còn tư vấn thêm cho khách hàng nên gửi kỳ hạn 3-6 tháng để linh hoạt khi rút tiền.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB, pháp luật hiện hành không có quy định cấm ngân hàng thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hoặc giao dịch ngoài địa điểm quầy giao dịch của ngân hàng (hay dịch vụ ngân hàng tại chỗ). Ngân hàng Nhà nước cũng không khuyến cáo là không được hay không nên thực hiện, nên thực tế nhiều ngân hàng đã triển khai.
Ví dụ như LienVietPostBank, ABBank đã giới thiệu công khai dịch vụ ngân hàng tại chỗ trên website chính thức của họ, dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức; Hay VPBank cung cấp dịch vụ cho khách hàng là hộ kinh doanh hoặc cá nhân có nhu cầu giao dịch lượng tiền mặt lớn...
Hình thức này giảm thiểu rủi ro khi khách hàng vận chuyển một lượng tiền lớn trên đường mà khả năng bảo quản và tự vệ không thể cao như ngân hàng có nghiệp vụ, bảo vệ, vệ sĩ để vận chuyển.
Nhiều rủi ro
Theo quy trình mở một sổ tiết kiệm, khách hàng phải trình giấy tờ cá nhân hoặc doanh nghiệp, nộp tiền trước, tiền vào kho quỹ rồi ngân hàng mới cấp sổ. Còn nếu theo cách làm của một số ngân hàng trên là đang “đi tắt” quy trình. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc mở tài khoản hay giao dịch thực hiện bên ngoài ngân hàng luôn có rủi ro, đặc biệt nếu người ký mở tài khoản không phải chính chủ vì có thể xảy ra tranh chấp sau này. Ông Hiếu cho rằng, việc cán bộ ngân hàng mang tiền bỏ trốn khó xảy ra nhưng việc cán bộ ngân hàng vận chuyển hàng tỷ đồng trên đường dễ bị nguy hiểm do cướp giật.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico cho biết, cách đây hơn 10 năm, đã xảy ra trường hợp nhân viên Ngân hàng Hàng hải bị tai nạn trên đường vận chuyển vàng nên số vàng bị cướp. Dù sau đó lực lượng công an đã điều tra, bắt giữ nhưng không thu hồi được toàn bộ số vàng này. “Đấy là không kể cán bộ, nhân viên đi lấy chữ ký của khách hàng có thể giả mạo lấy chữ ký, lạm dụng chữ ký, hay không kiểm tra chặt chẽ chữ ký...”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đơn cử như theo luật sư Đức, một số vụ việc liên quan tới dịch vụ ngoài ngân hàng như “vụ Huyền Như” hoặc tranh chấp đang diễn ra giữa VPBank và Công ty Quang Huân mà Báo Giao thông đã phản ánh cũng liên quan tới dịch vụ làm thủ tục ngoài ngân hàng... Chính vì “lỗ hổng” dễ xảy ra “vấn đề” nên ông Hiếu cho rằng, khi khách hàng ký các văn bản thủ tục nên thực hiện tại quầy ngân hàng và có sự chứng kiến của cán bộ ngân hàng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, với dịch vụ ngân hàng tại nhà, ngân hàng cũng có thể phải đối mặt với việc kiểm tra tiền thật, tiền giả; Hay rủi ro tiềm tàng là nhân viên thu tiền mặt nhưng lại không nộp vào tài khoản của khách hàng hoặc không hạch toán trên hệ thống phần mềm của ngân hàng... Vì vậy, ngân hàng cung cấp dịch vụ này cần có quy trình phối hợp chặt chẽ, kiểm duyệt bằng phần mềm giữa nhân viên được giao đi thu tiền tại chỗ và bộ phận hạch toán trên hệ thống của ngân hàng, để đảm bảo khi khách hàng nộp tiền cho nhân viên đi thu, là trên hệ thống ngân hàng đã hiển thị báo có.
Là một trong số ít ngân hàng không thực hiện dịch vụ ngoài ngân hàng, nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho hay, ngân hàng này chỉ thực hiện tất toán cho khách tại nhà và không làm thủ tục hay nhận tiền của khách bên ngoài ngân hàng. Trường hợp ngoại lệ là khách hàng thân thiết, số tiền gửi trên 1 tỷ đồng thì ngân hàng sẽ cử nhân viên tới nhận tiền, làm giấy chứng nhận và cùng với khách hàng tới ngân hàng để lĩnh sổ tiết kiệm.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc SCB lý giải, không thực hiện dịch vụ này vì sợ rủi ro là số tiền có thể bị cướp trên đường vận chuyển hoặc nhân viên ngân hàng cầm tiền bỏ trốn. Bên cạnh đó, để triển khai dịch vụ ngoài ngân hàng, ngân hàng sẽ phải đầu tư khá tốn kém về phương tiện và nhân lực.
“Ngân hàng phải thành lập các đội cơ động gồm bốn người là: Nhân viên thủ quỹ, nhân viên kiểm soát, nhân viên áp tải và lái xe”, ông Văn cho rằng vì thế chi phí tiền lương và rủi ro của ngân hàng sẽ tăng lên, ngân hàng cũng phải mua thêm bảo hiểm. Do đó, “chỉ có phòng giao dịch này muốn vượt trội về chỉ tiêu, muốn được thưởng kinh doanh nhiều hơn, thu hút khách hàng và cạnh tranh với các ngân hàng khác về tiện ích thì mới làm. Đó cũng là lấy công làm lãi thôi chứ cũng khó khăn lắm”, ông Văn nói.
Theo baogiaothong.vn