Dịch Covid-19: Sức khỏe của doanh nghiệp và giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó

Nội dung bài viết

Nhận lời mời của Kênh truyền hình kinh tế - tài chính VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài trả lời phỏng vấn về chủ đề Dịch Covid-19: Sức khỏe của doanh nghiệp và giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Sức khỏe của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại ra sao? Trước tác động của dịch COVID – 19 doanh nghiệp đang chịu tác động và ảnh hưởng như thế nào?

Trả lời:

Đến nay, dịch bệnh COVID -19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và còn lây lan, diễn biến phức tạp tại Châu Âu, Châu Mỹ và nhiều nước Châu Á. Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên thế giới và Việt Nam. Theo đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nhóm ngành như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, giáo dục, … đã rơi vào tình trạng ngừng trệ trong các tháng vừa qua.

Tại Việt Nam, Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 lần thứ nhất, sau ba tháng yên ổn, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các doanh nghiệp đã bắt đầu hồi phục với mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại tại Ðà Nẵng và có dấu hiệu lan ra một số địa phương khác khiến cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa kịp hồi phục qua đợt dịch Covid-19 trước, nay lại gặp “cơn bão mới” và rất dễ dàng bị “quật ngã”.

Doanh thu của các doanh nghiệp trong hai quý đầu năm 2020 và dự báo cả năm 2020 bị sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Đại dịch cũng khiến hoạt động sản xuất trì trệ, thương mại bị hạn chế, sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế đều bị “đóng băng”. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Có thể thấy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đối với kinh tế - xã hội đã rất rõ nét, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các dự báo trước đây.

Do đó, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai để xem xét, tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nhìn nhận, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng nhằm tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường.

2. Doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ nào từ phía cơ quan chức năng chưa? Và doanh nghiệp mong muốn hay có những kiến nghị gì?

Trả lời:

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, ngày 04/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Chỉ thị ban hành 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm:

(i) Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử;

(ii) Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp;

(iii) Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu;

(iv) Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không;

(v) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh;

(vi) Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; và

(vii) Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua nhiều chính sách quan trọng đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh: Các chính sách về giảm chi phí đầu vào đã được đề xuất như kiến nghị giảm giá điện của Bộ Công thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho 02 nhóm khách hàng sản xuất và du lịch. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không. Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3 và 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí để tạo thuận lợi cho người dân và cả doanh nghiệp.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá: Ngày 13/03/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, ngày 31/3/2020, Ngân hàng nhà nước Việt Nam còn ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đối với các đơn vị tại ngân hàng nhà nước Trung ương thực hiện điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; giám sát chặt chẽ việc thực thi giảm lãi suất của tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước và chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được áp dụng rộng rãi cho hầu hết doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô.

Liên quan đến vấn đề kiến nghị các giải pháp nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp để chống chọi với dịch COVID-19, bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ trên, Chính phủ cần cho rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid - 19 bùng phát lần thứ hai và mở rộng gói hỗ trợ, thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ vì tình hình dịch bệnh khiến sức cầu trên thị trường giảm sâu, từ đó nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng thay đổi, không còn như trước.

3. Hiện tại theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm là rất khó khăn, chuyên gia/doanh nghiệp nhận định về vấn đề này như thế nào? Đánh giá về các gói hỗ trợ của chính phủ trong thời gian qua? Các doanh nghiệp có được tiếp cận?

Trả lời:

Dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng Covid-19 thứ hai diễn ra vào nửa cuối năm gần đây đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Việt Nam. Do đó, để có thể dự đoán được tình hình kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm thì cần xét tới rất nhiều các yếu tố như: diễn biến tiếp theo của tình hình dịch bệnh, mức độ phải chịu ảnh hưởng của các nền kinh tế khác trên thế giới, diễn biến đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam, các chính sách của các quốc gia khác, ... Trong đó thì tình hình dịch bệnh là nhân tố quan trọng nhất nhưng lại khó đoán nhất. Mặc dù, hiện nay, Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được tình hình hình dịch bệnh, tuy nhiên một số quốc gia khác trên thế giới vẫn đang trong cuộc chiến đối đầu với dịch Covid-19.

Trong trường hợp khả quan, khi mà tình hình dịch bệnh dân được kiểm soát, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam mở lại đường bay cũng như các nền kinh tế khác nới lỏng lệnh phong tỏa thì chúng ta vẫn hi vọng nền kinh tế có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại. Thế nhưng, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì các chuyên gia đặt ra nhiều ý kiến dự báo về một kịch bản xấu hơn với những nhận định nhiều chiều là tất yếu. Thực tế xảy ra có thể lạc quan được hay không phụ thuộc nhiều vào các bước đi tiếp theo của thế giới, Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp đánh giá cao các gói hỗ trợ và các cố gắng của Chính phủ. Rất nhiều cho rằng các giải pháp Chính phủ đưa ra rất cần thiết trong giai đoạn này và là phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thì không phải mọi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ này. Theo thông tin trên cổng thông tin điện tử chính phủ thành phố HCM ngày 6/5/2020 thì Khảo sát của hiệp hội doanh nghiệp HCM báo cáo 61% các DN gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ, rất nhiều doanh nghiệp khác đánh giá về thủ tục phức tạp và đánh giá cơ quan nhà nước chưa nhiệt tình. Ngoài ra thì tốc độ triển khai chính sách giữa các đơn vị hành chính cũng chưa đồng đều.

4. Doanh nghiệp/ đại diện đơn vị đặt niềm tin như thế nào vào những sự hỗ trợ từ phía chính phủ trong thời gian tới, đặc biệt tới đây chính phủ sẽ đưa ra gói hỗ trợ lần 2 với trị giá 18.600 tỷ đồng. Gói Hỗ trợ lần 2 này sẽ tập trung vào doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ông/bà kỳ vọng gì?

Trả lời:

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do Covid-19 với kinh phí 18.600 tỷ đồng, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Thời gian áp dụng từ tháng 9-2020 đến 9-2021, lãi suất 3,96%/năm. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ mới thực sự mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ và kích thích được sản xuất kinh doanh thì cần phải đánh giá lại gói hỗ trợ 1 đang thực hiện. Những vướng mắc hiện tại khi triển khai như tiêu chí đối tượng thụ hưởng, thủ tục hồ sơ, quy trình xét duyệt, … cho người lao động và các doanh nghiệp cần được sửa đổi.

Các doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ mới sẽ thiết thực hơn với doanh nghiệp và đủ mạnh. Khi xây dựng các chính sách để triển khai gói hỗ trợ này cần phải dựa trên thực tế khó khăn của doanh nghiệp, cần phải tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động. Cơ chế thực thi chính sách cần nhanh, minh bạch, thuận tiện để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ sớm nhất.

Các chính sách cần được điều chỉnh đề phù hợp thực tiễn, tinh giảm hết mức các quy định, điều kiện không thực tế, các thủ tục hành chính rườm rà, tận dụng tối đa dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp không cần chứng minh là không có doanh thu như gói hỗ trợ thứ nhất. Thay vào đó chỉ cần chứng minh đang gặp khó khăn, khả năng chi trả sắp tới khi được hỗ trợ cho vay.

Bên cạnh đó, các chính sách thực thi gói hỗ trợ ngoài việc nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp đã kiệt quệ thì còn cần được xây dựng sao cho giúp được các doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra, cân đối, sử dụng số vốn ít cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

5. Hiện một số doanh nghiệp đang đề xuất bỏ 2% quỹ công đoàn cho doanh nghiệp và giảm số % mà doanh nghiệp đang phải đóng xuống 20 – 25%, ý kiến doanh nghiệp/chuyên gia về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp phải khó khăn về tài chính. Để giảm thiểu các khó khăn này, ngày 18/03/2020, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 245/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, chính sách tạm ngừng đóng kinh phí công đoàn với một số đối tượng sau đây:

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên.

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn nêu trên sẽ được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến hết ngày 30/6/2020.

Nếu sau ngày này, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.

Kết thúc thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp đóng đầy đủ kinh phí công đoàn, bao gồm cả việc đóng bù phần kinh phí của thời gian tạm ngừng đóng trước đó.

Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn hiện nay mà doanh nghiệp phải đối mặt trong vòng 6 tháng tới là các khoản phải chi liên quan đến tiền lương, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, từ khi triển khai, hầu như không doanh nghiệp nào đủ điều kiện tiếp cận chính sách này.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu đã phải cho 50% lao động đóng BHXH nghỉ việc, thì tình trạng của doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, nên có nhận hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020 cũng không có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đưa ra đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn, giảm số % mà doanh nghiệp đang phải đóng xuống 20 – 25%.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng tính 2% trên quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Doanh nghiệp nào cũng phải đóng khoản này, không phân biệt có tổ chức công đoàn hay không.

Thiết nghĩ, trong giai đoạn ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid, việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, có thể thực hiện biện pháp tạm thời là trích số phí công đoàn dư thừa để khắc phục khó khăn trước mắt, miễn đóng phí công đoàn trong giai đoạn hiện hành. Đồng thời, việc giảm số % BHXH mà doanh nghiệp đang phải đóng xuống 20-25% sẽ góp phần giảm bớt các khoản phải chi cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thậm chí đứt đoạn do Covid-19.

6. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã tự có những bước đi hay giải pháp gì để vượt qua khó khăn?

Trả lời:

Giải pháp dễ nhìn thấy nhất từ các doanh nghiệp đưa ra trong và cả sau thời kỳ dịch bệnh là “thích ứng với trạng thái bình thường mới”. Rất nhiều lao động hiện nay đã được phép làm việc online trực tuyến thay vì phải đến văn phòng. Ngoài ra thì doanh nghiệp cũng nâng cao ý thức nhân viên, thực hiện đúng các bước để bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc như đeo khẩu trang, giãn cách chỗ ngồi, khử trùng nơi làm việc, ...thay vì làm việc theo giờ hành chính thì một số doanh nghiệp cũng đã thay đổi giờ làm việc theo ca kíp, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo khối lượng công việc được hoàn thành.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đã thay đổi chiến lược kinh doanh, bắt đầu tập trung khai thác thị trường nội địa hơn so với thị trường nước ngoài, khi việc vận chuyển ra nước ngoài đang bị đình trệ và có nhiều hạn chế.

Các doanh nghiệp của ta cũng tận dụng tối đa những ưu đãi trong các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra, có nhiều phương pháp quản lý dòng tiền mới và tập trung hơn nữa vào việc đánh giá rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số doanh nghiệp theo khảo sát hồi tháng 4/2020 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, và chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này.

7. Kiến nghị của chuyên gia/ Doanh nghiệp/ Hiệp hội trong thời gian tới?

Trả lời:

Trước tiên, chúng ta cần phải đặt sự an toàn và sức khỏe của người lao động lên hàng đầu, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Và tất nhiên cũng cần tổ chức thực hiện các chính sách này một cách hiệu quả, rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế trong thực hiện các chính sách trước đây, sao cho giúp đỡ được càng nhiều doanh nghiệp và người lao động hơn nữa. Các chính sách về tiền tệ, tài chính, thuế, an sinh xã hội…. nên được Chính phủ đưa ra nhiều hơn nữa trong thời kỳ kinh tế hậu khủng hoảng bởi dịch bệnh.

Thứ ba, về mặt lâu dài, chúng ta cần tập trung khai thác thêm các lợi ích của thị trường nội địa hon nữa và giải sự phụ thuộc đối với các thị trường khác trên thế giới để xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn. Cần đẩy mạnh phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” cũng như phong trào tiết kiệm trong xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm nay thì Chính phủ đã đẩy mạnh giải ngân và đầu tư công, điều này mang lại hiệu quả rất lớn. Bước tiếp theo, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Bên cạnh đó, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan