Đề xuất giảm xử lý hình sự tội phạm tham nhũng, kinh tế: 'Nhân văn nhưng không khả thi'

Nội dung bài viết

(VNF) - Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, nhấn mạnh hiện nay nước ta chưa có cơ chế để có thể kiểm soát được tài sản thu nhập thực của quan chức nên đề xuất này là không khả thi.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Đề xuất này đang tạo ra những luồng quan điểm trái chiều. Để góp một góc nhìn, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW:

- Theo ông, đề xuất này liệu có khả thi?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đây là một đề xuất nhân văn, tuy nhiên, để áp dụng tại Việt Nam vào thời điểm này là chưa thực sự phù hợp. Bởi hiện nay nước ta chưa có cơ chế để có thể kiểm soát được tài sản thu nhập thực của quan chức.

Đối tượng phạm tội tham nhũng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực, ngay khi có tài sản phi pháp họ sẽ nhanh chóng tẩu tán. Vì thế, rất khó để có thể thu hồi được tài sản nhà nước bị thất thoát.

Thêm vào đó, đề xuất này cũng rất dễ bị lợi dụng vào việc “khắc phục hậu quả” để trốn tránh trách nhiệm, cụ thể, các đối tượng sẵn sàng tham nhũng nhiều hơn rồi nộp lại tài sản để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, cần phải cân nhắc, xem xét rất kỹ trước khi áp dụng đề xuất này.

- Như vậy có thể hiểu rằng việc cho nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ đưa đến hệ lụy không mong muốn là khuyến khích tội phạm tham nhũng?

Nộp tiền là một biện pháp khắc phục chứ không phải là một biện pháp răn đe đối với tội phạm tham nhũng.

Trong các vụ án tham nhũng, việc thu hồi lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát là điều cần thiết, sau khi thu hồi có thể xem xét việc giảm nhẹ hình phạt chứ không nên để tình trạng “nộp tiền thay vì đi tù” xảy ra.

- Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung một quy định rằng án tử hình sẽ được thay thế bằng án tù chung thân nếu một người “bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ”. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản tham nhũng nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng nó cũng tạo động lực cho các quan chức thực hiện các hành vi tham nhũng lớn hơn?

Quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 góp phần mang lại hiệu quả tốt cho việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi trong nhiều trường hợp nếu biết dù có nộp hay không nộp lại tài sản tham nhũng vẫn bị kết và bị thi hành án tử, rất có thể quan tham sẽ chọn cách không nộp lại tài sản. Và đó là một trong những lý do để suy nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con” còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ quan tham tiềm ẩn.

Với quy định này, chúng ta vừa đảm bảo yếu tố trừng trị, răn đe, vừa thúc đẩy việc thu hồi tài sản tham nhũng diễn ra thuận lợi. Đây là mục tiêu kép và là điểm tích cực của điều luật góp phần mang lại thành công trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước nhà.

- Nếu chỉ thu hồi tài sản và "hành chính hóa", "dân sự hóa" hành vi tham nhũng sẽ không đảm bảo hiệu quả chống tham nhũng và có thể rơi vào “bẫy không bị trừng phạt” (impunity trap) - một thuật ngữ chỉ tình trạng vi phạm của các chính trị gia nhưng không phải trả giá tương xứng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Theo quan điểm của tôi cần xử lý nghiêm minh với mọi hành vi tham nhũng từ nhỏ đến lớn.

Theo quy định của luật hiện hành, người thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, rất nhiều trường hợp phải bị áp dụng chế tài hình sự, trong đó có nhiều tội danh quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Tội phạm được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi cấu thành tội phạm kể từ thời điểm thực hiện các hành vi theo điều luật mô tả. Pháp luật quy định, không xét xử oan sai, cũng không bỏ lọt tội phạm. Bởi vậy, việc xử lý tội phạm hay không xử lý tội phạm không thể tùy tiện. Việc này phải căn cứ vào quy định pháp luật.

Khi hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đương nhiên cơ quan chức năng phải tiến hành xử lý kịp thời. Nếu không đề cao nhiệm vụ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mà chỉ chú trọng đến việc thu hồi tài sản, có thể còn làm tăng nguy cơ tham nhũng.

Xét một cách khách quan, nếu những người có chức vụ quyền hạn tham nhũng mà bị phát hiện, chỉ phải nộp lại tài sản, không bị xử lý hình sự, họ sẽ không sợ và có thể càng cũng cố quyết tâm thực hiện hành vi tham nhũng đến cùng.

- Có một thực tế là ngay cả khi đặt mục đích trong xử lý hình sự tội phạm tham nhũng là để thu hồi tài sản tham nhũng thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam vẫn thấp. Theo ông, đâu là lý do và lỗ hổng trong công tác này? 

Pháp luật đang quy định là sau khi khởi tố vụ án mới áp dụng kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các bị cáo. Trong thời gian thanh tra, kiểm toán, kể cả khi có tin báo tội phạm cũng không áp dụng biện pháp ngăn chặn kê biên tài sản nên các bị cáo có thời gian để tẩu tán.

Không áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản ngay từ đầu khi phát hiện tội phạm tham nhũng, có lẽ đây là lỗ hổng pháp lý lớn nhất khiến việc thu hồi tài sản trở nên khó khăn, nhỏ giọt và đặc biệt không có tác dụng răn đe mặc dù lò thiêu tham nhũng vẫn cháy đùng đùng, bất kể kẻ tham nhũng là ai.

Sự chậm trễ trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng đã tạo điều kiện cho tội phạm có dư thời gian để tẩu tán tài sản và chạy tội. Kết quả, tài sản nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, thu hồi chẳng được bao nhiêu, còn kẻ tham nhũng tuy chỉ chịu án dăm ba năm tù nhưng vẫn kêu “oan”.

- Vậy ông có kiến nghị gì về giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả mà vẫn đảm bảo tội phạm tham nhũng chịu hình phạt tương xứng?

Với vấn đề này, tôi có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự theo hướng đặt nhiệm vụ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ngang bằng với nhiệm vụ phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đặt nhiều trọng tâm vào việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội nói chung, phạm tội tham nhũng nói riêng đảm bảo khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản; quy định cụ thể trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, tín dụng ngân hàng, pháp luật về giá. Các cơ quan phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký, đặc biệt là đất đai, tài sản gắn liền với đất; cần có sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan như công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án... để theo dõi sự biến động cũng như kịp thời xử lý khi có vi phạm.

Thứ tư, xây dựng cơ chế xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trước khi bản án có hiệu lực nhằm tránh thiệt hại do bị giảm giá. Đây là vấn đề tương đối nhạy cảm vì có thể ảnh hưởng đến quyền về tài sản của công dân. Quá trình phát hiện, truy tìm, thu giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thường kéo dài, có khi đến nhiều năm. Trong quá trình đó, tài sản bị kê biên, phong tỏa có xu hướng giảm giá trị, nhất là các tài sản là máy móc, nhà xưởng, cổ phần, cổ phiếu, ô tô, các thiết bị điện tử…. Do đó, cần có cách tiếp cận mới để xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trong trường hợp này để tránh thiệt hại cho Nhà nước và cho chính người phạm tội – khi họ bị kết tội sau này.

Thứ năm, đồng thời trong lĩnh vực tư pháp hình sự (trong đó có vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng) chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam.

- Theo ông mô hình ứng xử với tội phạm tham nhũng của quốc gia nào có thể áp dụng hiệu quả đối với Việt Nam?

Đối với mô hình ứng xử tội phạm tham nhũng hiện nay, nước ta nên học hỏi mô hình của các nước tại châu Á, nhất là Singapore.

Chính phủ Singapore đã luôn thể hiện quyết tâm cao trong việc kiến tạo môi trường trong sạch, không có tham nhũng. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Singapore đã ban hành Luật Chống tham nhũng, tăng nặng hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, bổ sung quyền hạn cho cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng (Cục điều tra chống tham nhũng Singapore), bảo đảm tính độc lập, sự chủ động của cơ quan này trong các hoạt động phòng, chống tham nhũng cả khu vực trong và ngoài nhà nước

Cục điều tra chống tham nhũng Singapore (sau đây viết tắt là CPIB) là cơ quan chống tham nhũng có lịch sử lâu đời trên thế giới, do người Anh thành lập từ năm 1952 trong bối cảnh tham nhũng được nhìn nhận như là một hiện tượng thông thường trong xã hội Singapore. Song trong thời gian đầu, hoạt động của CPIB còn hạn chế bởi hệ thống pháp luật và ý thức của công chức còn rất yếu. Tuy nhiên, sau khi lên nắm chính quyền, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã tổ chức lại cơ quan này, tách khỏi các cơ quan nhà nước khác, trực thuộc thẳng Thủ tướng, có toàn quyền điều tra tham nhũng.

Một số kinh nghiệm, khuyến nghị rút ra từ mô hình CPIB như sau:

Thứ nhất, muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả trước tiên phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp đồng thời hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính phủ, có chính sách tuyển dụng nhân tài dựa vào những cơ chế công khai hóa, có tính cạnh tranh và đào tạo đội ngũ cán bộ công chức hành chính đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt cần bổ nhiệm đúng người tài, đức vào bộ máy lãnh đạo.

Thứ hai, phải có hệ thống tổ chức cơ quan chống tham nhũng chuyên trách ổn định, độc lập, đủ quyền, đủ mạnh; có đội ngũ cán bộ được tuyển chọn chặt chẽ, đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao, liêm chính; nguồn lực tài chính đầy đủ, sự hậu thuẫn chính trị ở cấp cao nhất và ủng hộ của xã hội...

Thứ ba, cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng có thể được giao đồng thời nhiều chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng ở cả khu vực công và khu vực tư, vừa bảo đảm chức năng điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng (chức năng chống tham nhũng) vừa thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra xem xét, đánh giá phương thức hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, phát hiện và kiến nghị hướng khắc phục những điểm chưa hợp lý trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này nhằm hạn chế tối đa các điều kiện nảy sinh tham nhũng (chức năng phòng ngừa tham nhũng), đồng thời tham gia xây dựng thể chế, chính sách, thúc đẩy những nỗ lực giáo dục và tiếp cận cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, theo dõi, đánh giá về phòng, chống tham nhũng (chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng).

Thứ tư, bảo đảm nguyên tắc xử lý tham nhũng thật nghiêm minh, công bằng, không có vùng cấm dù người tham nhũng ở cấp nào, đương chức, đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu phải được xem xét đầy đủ trách nhiệm về hành chính lẫn hình sự không kể người đó là ai, tuyệt đối không được “nặng dưới, nhẹ trên”.

Thứ năm, lấy phòng làm gốc, từ đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy nhà nước, xây dựng cơ chế quản lý năng động và thông thoáng; đặc biệt cần xóa bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, nhất là ở những khâu, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Thứ sáu, cơ quan chống tham nhũng phải được trao quyền lực mạnh mẽ, hoàn toàn độc lập trong điều tra tội phạm tham nhũng, được tổ chức gọn nhẹ, tuyệt đối liêm khiết, kỷ cương và bất kỳ nhân viên nào tham nhũng phải bị trừng trị đích đáng.

Cơ quan chống tham nhũng cần có các điều kiện đảm bảo sau: độc lập khỏi những tác động từ bên ngoài nhằm tạo điều kiện cho cơ quan này theo đuổi những nghi vấn tham nhũng ở tất cả các cấp (điều này có thể đạt được nhờ sự đảm bảo trong Hiến pháp hay thông qua việc thiết lập những cơ chế trách nhiệm và giám sát đầy đủ);

Hoạt động trên cơ sở khuôn khổ pháp lý vững chắc và toàn diện; được hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất trong nhà nước; thẩm quyền điều tra đầy đủ và mạnh mẽ; có đủ nguồn lực tài chính, nhân lực và kỹ thuật và có năng lực tổ chức hiệu quả trong hoạt động chống tham nhũng; cơ quan này được hoạt động dưới sự lãnh đạo là những tấm gương về tính liêm chính cao nhất;

Nhân viên điều tra là những người được tuyển chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng từ tất cả các trường, các lĩnh vực khác nhau, sau đó được đào tạo về nghiệp vụ điều tra và thường xuyên được bổ túc chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật thông tin; được sự tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ của xã hội.

Những kinh nghiệm từ mô hình cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của Singapore nêu trên đều cơ bản phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan