Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau, từ người cao tuổi, sinh viên đến công nhân, nhân viên văn phòng... thông qua việc lợi dụng sự mất cảnh giác hoặc giả danh để tạo dựng lòng tin, sau đó chiếm đoạt tài sản... Thực trạng trên cho thấy, việc trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh với loại tội phạm này. Bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW và các chuyên gia về phòng chống an ninh mạng. Mời quý khách theo dõi.
Nâng cao nhận thức về an ninh mạng
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều hình thức nhưng không ít người dân vẫn bị kẻ xấu lừa. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nạn nhân thiếu hiểu biết, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, trong khi tội phạm lừa đảo qua mạng lại rất chuyên nghiệp, tinh vi. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, nhận biết được các cách thức, thủ đoạn lừa đảo.
Công an huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La tuyên truyền phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Hiện nay, các băng nhóm lừa đảo công nghệ cao hoạt động rất chuyên nghiệp, có sự "chuyên môn hóa". Không ít băng nhóm vận hành như một công ty, có văn phòng, có bộ phận nghiên cứu... Kịch bản lừa đảo cũng thường xuyên được thay đổi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi tuyên truyền, phổ biến những biện pháp phòng ngừa đến người dân. Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) liên tục cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến. Người dân nên chủ động tìm hiểu”.
Để tránh rơi vào cạm bẫy lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người chưa xác thực. Cần lưu ý, các cơ quan nhà nước không làm việc với người dân, người vi phạm qua điện thoại, qua mạng xã hội hay yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP...
Một câu hỏi của nhiều người: “Nếu không may bị lừa đảo thì người dân cần phải làm gì?”. Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, Khoa Nghiệp vụ điều tra hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ: “Nếu đã bị lừa đảo, người dân nên chặn mọi liên lạc từ kẻ lừa đảo, đồng thời liên hệ ngay với ngân hàng hay các cơ quan liên quan để báo cáo lừa đảo và yêu cầu tạm dừng mọi giao dịch. Cùng với đó, cần thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng, cảnh báo cho gia đình và bạn bè về thủ đoạn lừa đảo này”.
Quyết liệt đấu tranh, xử lý tội phạm
Thực tế cho thấy, việc kêu gọi người dân thận trọng, cảnh giác trước tội phạm lừa đảo qua mạng là hết sức cần thiết nhưng chưa đủ. Để có thể ngăn chặn, hạn chế loại tội phạm này, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh, kịp thời bóc gỡ các băng nhóm lừa đảo. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, xử lý và tăng cường hàng rào kỹ thuật, bảo mật để bảo vệ người dân trước "cơn bão" lừa đảo qua mạng.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, trước tiên, cần xây dựng các hàng rào về quy định giao dịch điện tử để hạn chế những giao dịch đáng ngờ. Tiếp theo, cần xử lý mạnh tay các đối tượng trao đổi, mua bán, khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người dùng. Thực tế cho thấy, ngoài một số cá nhân vô tình để lộ, lọt thông tin khi sử dụng mạng xã hội hoặc trong đời sống thì có biểu hiện cho thấy các đối tượng tội phạm đã có cơ hội khai thác dữ liệu cá nhân mà không được phép của chính chủ. Việc cung cấp trái phép thông tin người dùng cho các đối tượng phạm tội cần phải bị truy cứu và xử lý nghiêm hơn nữa. Cuối cùng, cần truy bắt đến cùng và kịp thời đưa các đối tượng lừa đảo ra xử lý trước pháp luật.
Theo ông Trần Quang Hưng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hoạt động lừa đảo trên mạng chủ yếu là lừa đảo tài chính, để chiếm đoạt tài chính thì phải có tài khoản ngân hàng để đón dòng tiền. Hiện vẫn còn nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ, có thể thực hiện mua bán dễ dàng trên internet, tạo cơ hội hoạt động cho tội phạm. Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định về việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán và Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Từ ngày 1-1-2025, ngân hàng sẽ tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán, thẻ đối với những khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng. Khách hàng cũng chỉ thực hiện được giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán và thẻ khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng căn cước công dân gắn chip/căn cước và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản, chủ thẻ với dữ liệu sinh trắc học được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Những thông tư này cũng góp phần ngăn chặn hành vi sử dụng giấy tờ giả và loại bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, từ ngày 1-7-2024, tất cả ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học. Cung cấp thông tin cho phóng viên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ sau hơn một tháng triển khai, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo. Đã có khoảng 31,6 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, số vụ lừa đảo đã giảm đáng kể. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo mật hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
|