Phát triển hạ tầng du lịch là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhưng dường như chưa có những hành lang pháp lý thực sự khuyến khích trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng như khung pháp lý hiện hành. Dưới đây SBLAW xin trích dẫn phát biểu của luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà tại Hội Thảo:" Sửa đổi luật đất đai" mới đây.
Doanh nghiệp du lịch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chưa được bảo vệ quyền lợi
Tại Hội thảo Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 19/10, ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cao ốc Quốc tế Hồ Tây - Phó Chủ tịch thường trực Hội môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, hiện nay, nhiều dự án du lịch đã phát triển, trong đó các khu đô thị du lịch, bao gồm cả bất động sản để ở, du lịch, thương mại… có quy mô lên tới hàng trăm ha, giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Với các quy định như hiện nay của Luật Đất đai, khi tiến hành thoả thuận, nhà đầu tư phải bỏ hàng nghìn tỷ để giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hành lang pháp lý nào để bảo vệ nhà đầu tư.
“Tại các khu vực này không chỉ có người dân mà còn cả nhà đầu tư, những người mua với mục đích tìm kiếm cơ hội đền bù giá cao. Định hướng của luật là bảo vệ quyền lợi người dân, nhưng trong mỗi dự án thì có rất nhiều đối tượng. Chủ đầu tư không được bảo vệ quyền lợi khi những người đầu cơ, người có mục đích đòi hỏi đền bù chi phí cũng góp mặt”, ông Thanh chia sẻ.
Kiến nghị về câu chuyện này, ông Thanh cho rằng, cần một bên thứ ba là trung tâm phát triển quỹ đất tại các tỉnh thành, để đảm bảo chính sách phát triển đất đai ổn định và làm việc với các chủ đầu tư. Nếu nhà đầu tư không thoả thuận được với người dân để thu hồi đất thì dự án sẽ bị đóng băng. Xét trên quy mô dự án có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng thì nhà đầu tư thiệt hại nặng nề, chưa kể các hệ luỵ kinh tế - xã hội khác.
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà - Giám đốc đầu tư Công ty Luật SBLAW cho biết, theo quy định, vốn tối thiểu đầu tư vào trường đua ngựa là 1.000 tỷ đồng, trường đua chó vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, các sân vận động có tối thiểu là 20.000 ghế ngồi cho khán giả. Như vậy thì vốn lớn, diện tích cao, cần các công trình phụ trợ (trường huấn luyện, nơi nghỉ ngơi, khách sạn - tổ hợp thể thao giải trí…) để thu hút không chỉ khách trong nước mà còn quốc tế.
“Các nhà đầu tư rất khó thương lượng được với người dân về giá đền bù, cũng như bàn bạc, đề xuất với chính quyền địa phương về phương án đền bù cho người dân. Trong Luật Đất đai hiện chưa có cơ sở để thu hồi đất cho các dự án liên quan tới giải trí, du lịch, công viên chủ điểm… dù những điều này đã được quy định tại Luật Du lịch”, bà Hà nói và cho biết thêm đây là lý do các dự án này “vẫn nằm trên giấy”.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures - Phó Chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi làm thực tiễn rất nhiều và đúng là có nhiều vướng mắc. Ví dụ một dự án về du lịch mà chúng tôi đang tư vấn trong đó có nhiều loại đất, 70% là đất Nhà nước quản lý, 30% đất không do Nhà nước quản lý. Nhà đầu tư không thể tách dự án thành các dự án nhỏ lẻ. Nếu thoả thuận thì chỉ có thể thoả thuận với người dân, còn thoả thuận với Nhà nước như thế nào? Nếu tách dự án thì luật đầu tư lại không cho phép”.
“Một khía cạnh khác là với dự án du lịch, các công trình kết cấu hạ tầng có nhiều khoản phải bàn giao cho Nhà nước. Các dự án du lịch thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các dự án nhà ở thương mại, vì vậy cần xem xét thấu đáo”, ông Chung nói thêm.