Đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có phần trao đổi với phóng viên tạp chí từ Nhật Bản về "Tình hình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam". Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Câu hỏi: Xin ông cho biết sơ qua tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau Covid

Trả lời:

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù phải đối mặt với một số thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu rất khả quan. Có thể thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cùng với vị trí chiến lược, các tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nguồn lao động có chất lượng và chi phí lao động cạnh tranh, các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ như Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là một trong những tác động rất lớn giúp tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau COVID-19 phục hồi mạnh mẽ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, Chính phủ đưa ra một số gói hỗ trợ như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có doanh thu dưới 8,8 triệu USD vào năm 2021. Các biện pháp hỗ trợ khác được ban hành dưới hình thức giảm tiền thuê nhà, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản trả một lần.

Việt Nam đã đón nhận nhiều dự án đầu tư quy mô lớn trong năm 2021, trong đó phải kể đến LG Display tăng vốn đầu tư vào Hải Phòng hơn 2 tỷ USD, Amkor Technology của Mỹ chọn Bắc Ninh để mở rộng nhà máy với khoản đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD từ nay đến năm 2035 hay LEGO xây nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam thu hút gần 5 tỷ USD vốn FDI, dù con số này bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.

Nhìn lại năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%.

Câu hỏi: Xin ông cho biết tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam

Trả lời:

Hiện Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ 2, đối tác du lịch thứ 3 và thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4.700 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 64 tỷ USD. Các nhà đầu tư Nhật Bản là những tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chất lượng cao. Do đó lợi ích gián tiếp từ nguồn vốn kinh doanh chất lượng cao này mang lại sự thúc đẩy cải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn để bắt kịp chuẩn mực kinh doanh cao.

Ngày 19/01/2022, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài, trong đó có thị trường Việt Nam. Năm 2021 các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có tình hình kinh doanh xấu hơn so với các nước do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch, số doanh nghiệp làm ăn có lãi là 54,3%, số doanh nghiệp lỗ 28,6%, còn lại là cân bằng.

Nhưng bước sang 2022, triển vọng lợi nhuận kinh doanh sáng sủa hơn với 56,2% doanh nghiệp trả lời triển vọng này sẽ được “cải thiện”, “suy giảm” là 9,6%. Điều này cho thấy kỳ vọng cao về việc sẽ cải thiện trong năm 2022 bao gồm cả những tác động của năm 2021.

Có đến 55,3% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, chỉ khoảng 1,9% doanh nghiệp có xu hướng thu nhỏ và khoảng 0,3% doanh nghiệp có phương án rút khỏi Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản đặt niềm tin rất lớn vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn, cũng như triển vọng dài hạn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần chuyển hướng đầu tư hoạt động tại Việt Nam từ các ngành thâm dụng lao động sang ngành có giá trị gia tăng cao như điện tử, công nghệ…, phù hợp với định hướng tái cấu trúc của nền kinh tế, phù hợp với quan điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và nỗ lực của Chính phủ đang thúc đẩy hậu COVID-19 nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam

Câu hỏi: Ông có khuyến nghị gì liên quan đến đầu tư vào Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản không?

Trả lời:

Hiện nay, với thị trường kinh tế rộng mở và chính trị ổn định, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản. Trước khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản cần chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, tìm hiểu các hiệp định quốc tế mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên

Khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nên tìm hiểu các hiệp định liên quan đến lĩnh vực đầu tư nào mà quốc gia của mình và Việt Nam là thành viên. Nhờ vào việc tìm hiểu này các nhà đầu tư sẽ xác định quyền và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện đầu tư và những ưu đãi đầu tư. Tính tới thời điểm hiện tại, các hiệp định chủ yếu mà nhà đầu tư Nhật Bản cần phải quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam bao gồm:

  • Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư đã được ký kết bởi Việt Nam và Nhật Bản vào năm 2003. Hiệp định này có các điều khoản để bảo vệ nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được đối xử không kém thuận lợi hơn nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư của bất kỳ bên thứ ba nào trong một hoàn cảnh tương tự nhau.
  • Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện của các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) được ký kết vào năm 2008. Đây là hiệp định đánh dấu sự cam kết của Việt Nam trong xóa bỏ thuế quan và cắt giảm thuế xuống 0% đối với một số mặt hàng công nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản cũng là thành viên trong nhiều tổ chức đa phương như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Do vậy, nhà đầu tư Nhật Bản cũng cần tìm hiểu thêm các nội dung các hiệp định trên để áp dụng phù hợp với dự án đầu tư mà mình dự kiến đầu tư vào Việt Nam.

Thứ hai, các ưu đãi đầu tư mà Việt Nam dành cho nhà đầu tư Nhật Bản

Ưu đãi đầu tư được quy định nhằm tạo sự khuyến khích cho nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam dựa trên sư phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo quy định hiện hành, hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư bao gồm:

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu;
  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Thứ ba, lựa chọn ngành nghề kinh doanh để đầu tư

Trường hợp đầu tư bằng hình thức thành lập công ty tại Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản nên lưu ý đến các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định theo Luật đầu tư 2020. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh một cách kỹ càng sẽ giúp nhà đầu tư tránh trường hợp kinh doanh ngành nghề mà pháp luật Việt Nam không cho phép như: kinh doanh mại dâm, kinh doanh dịch vụ đòi nợ, kinh doanh pháo nổ,…

Bên cạnh đó, đối với một số ngành nghề, để có thể đầu tư ở Việt Nam thì nhà đầu tư Nhật Bản phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Cụ thể, một số nghành nghề kinh doanh yêu cầu nhà đầu tư Nhật Bản phải đáp ứng điều kiện về Giấy phép con, chứng chỉ hành nghề, giấy xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền,… Ngoài ra, một số trường hợp phải xét về điều kiện tiếp cận thị trường. Theo đó, nhà đầu tư Nhật Bản phải đảm bảo về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động đầu tư.

Thứ tư, về các hình thức mà nhà đầu tư Nhật Bản có thể lựa chọn khi thực hiện đầu tư

Nhà đầu tư Nhật Bản có thể lựa chọn các hình thức sau để đầu tư vào Việt Nam:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
  • Thực hiện dự án đầu tư.
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
  • Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, việc nhà đầu tư Nhật Bản nắm rõ các vấn đề lưu ý nêu trên sẽ giúp hiểu đúng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như đảm bảo quyền lợi của mình trước khi thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan