Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã đưa ra quan điểm về đạo đức kinh doanh nhìn từ vụ Concung, Mumuso và Khaisilk. Dưới đây là nội dung chi tiết:
1/ Nhìn từ những vụ giả thương hiệu nguồn gốc xuất xứ Khaisilk,Mumuso và gần đây là Concung, ông nhận thấy vấn đề đạo đức trong kinh doanh hiện nay thế nào?
Trả lời:
Chuỗi siêu thị Con Cưng với hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm nhãn mác, xuất xứ đang nóng lên trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, đây không phải là vụ việc đầu tiên được phát hiện. Trước đó, hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng trong kinh doanh đã được phát hiện. Vì lợi nhuận, nhiều đơn vị đua nhau “buôn gian bán lận”, “treo đầu dê bán thịt chó” đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Đạo đức kinh doanh là điều mà giới kinh doanh Việt Nam đang thiếu. Thay vì làm giàu một cách chân chính, qua những sản phẩm chất lượng, uy tín, thì có vẻ như xã hội lại dồn vào kiểu kinh doanh, lừa dối, bất chấp hậu quả. Gian lận thương mại gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, đến đạo đức xã hội, đến uy tín của doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ vậy, gian lận thương mại còn tạo ra sự bất bình đẳng, chèn ép những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, đàng hoàng.
Những sai phạm ở các doanh nghiệp như Con Cưng, Mumuso hay Khaisilk không chỉ liên quan đến luật pháp mà còn là đạo đức kinh doanh.
Vì hệ thống pháp luật Việt Nam tuy chưa thể nói là hoàn thiện, nhưng cũng đã khá đầy đủ, chặt chẽ, hoàn toàn có thể áp dụng để xử lý những hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái. Từ lâu, chúng ta đã ban hành Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ... quy định về những hành vi bị cấm với mức chế tài ngày càng tăng nặng.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã bổ sung các tội danh xử lý gian lận thương mại rất nghiêm khắc, như tội sản xuất, bán hàng giả, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng ...
Tuy nhiên, sẽ không một bộ máy nào đủ nhân lực để đi kiểm tra việc thực thi ở tất cả cơ sở kinh doanh trên cả nước được, mà cần đến yếu tố đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
2- Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước vấn đề này và chịu trách nhiệm như thế nào?
Trả lời:
Hành vi thay thế nhãn mác ngoại tức là bán hàng giả, lừa dối khách hàng, có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh.
Theo đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan pháp luật có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:
Thứ nhất, xử phạt hành chính:
Theo quy định tại Điểm e Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng thì: “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” được quy định là hàng giả.
Hơn thế nữa theo Điều 13, Điều 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về chế tài xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
Thứ hai, xử lý hình sự:
Hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm đối với các hành vi gian lận thương mại. Có như vậy mới có chỗ cho tư duy kinh doanh lành mạnh, uy tín, hướng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đối với người tiêu dùng, nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm hại thì người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.