Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng - Làm Đúng về vấn đề: Đánh trộm gây thương tích, có bị xử lý hình sự không? Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: Anh Tài với anh Trọng vì thiếu tiền nên đã tính kế đột nhập vào nhà anh Thắng chị Hoa để trộm đồ. Nhưng không may bị anh Thắng phát hiện ra nên anh Tài đã bị đánh đến gần chết. Gia đình anh Tài kiện anh Thắng tội cố ý giết người và anh Thắng cũng bị khởi tố tội giết người. Chị Hoa vợ anh Thắng đã phải tìm đến luật sư xin tư vấn về tội của chồng mình.
Việc người dân tức giận khi bắt được trộm, rồi đánh là điều rất dễ hiểu, thậm chí còn được nhiều người ủng hộ việc này vì cho rằng hành vi trộm cắp tài sản hiện nay diễn ra quá nhiều, thậm chí liên tục.
Tuy nhiên, hành vi đánh kẻ trộm là hành vi vi phạm pháp luật và không loại trừ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc đánh người gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Xét hành vi của anh Thắng đó là đánh anh Tài (người đột nhập trộm đồ) gây thương tích đến 60%. Khi xem xét hành vi trên của anh Thắng, cơ quan tố tụng cần thiết đánh giá nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, lỗi của bị hại trong vụ án này để xử lý tương ứng với hành vi gây thương tích cho nạn nhân theo quy định.
Hành vi đột nhập nhằm trộm đồ của nạn nhân đã gây sự bức xúc, dẫn đến việc anh Thắng không kiềm chế được bản thân do bị kích động tâm lý nên đã đánh nạn nhân gây thương tích. Việc này nhằm ngăn chặn hành vi đột nhập, xâm phạm chỗ ở và tài sản.
Hành vi của anh Thắng có dấu hiệu phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), cụ thể:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác”.
Như vậy, trong trường hợp này anh Thắng có thể sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.
Ngoài ra, gia đình bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho đối tượng trên do sức khỏe bị xâm phạm. Cụ thể, mức bồi thường theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.