Đánh thuế thu nhập với bất động sản theo thời gian sở hữu

Nội dung bài viết

Bộ Tài chính Việt Nam đang đề xuất một dự thảo luật mới nhằm đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản dựa trên thời gian sở hữu. Hiện tại, chính sách thuế hiện hành không phân biệt thời gian nắm giữ bất động sản, với mức thuế cố định là 2% trên giá trị chuyển nhượng. Dưới đây là một số nội dung Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời về vấn đề đánh thuế thu nhập với bất động sản theo thời gian sở hữu. Mời quý khách theo dõi.

Đánh thuế thu nhập với bất động sản theo thời gian sở hữu - SBLAW.jpg
Đánh thuế thu nhập với bất động sản theo thời gian sở hữu

Luật sư có đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu. Luật sư Hà có đánh giá thế nào về đề xuất này?

Trả lời:

Đề xuất của Bộ tài chính về đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu là một vấn đề đáng chú ý, và có những điểm cần được đánh giá cả ở góc độ tích cực lẫn tiêu cực.

Đầu tiên về mặt tích cực, việc đánh thuế dựa trên thời gian sở hữu có thể tạo động lực để cá nhân giữ bất động sản lâu dài, thay vì đầu cơ ngắn hạn để trục lợi. Điều này giúp ổn định thị trường bất động sản, giảm nguy cơ "bong bóng" và đảm bảo nguồn cung nhà ở bền vững. Người sở hữu bất động sản trong thời gian ngắn thường có lợi nhuận cao hơn do chênh lệch giá thị trường. Việc áp dụng mức thuế cao hơn với nhóm này sẽ giúp điều chỉnh sự công bằng giữa các nhóm sở hữu bất động sản. Và đề xuất này có thể tăng nguồn thu thuế từ các giao dịch ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những điểm tích cực, thì vẫn tồn tại những thách thức, hạn chế đối với đề xuất đánh thuế trên. Đầu tiên, việc tính toán thời gian sở hữu có thể phức tạp trong những trường hợp chuyển nhượng nhiều lần, thừa kế, tặng cho. Điều này có thể gây khó khăn cho cơ quan thuế và chủ sở hữu. Thứ hai, việc áp thuế cao với các giao dịch ngắn hạn có thể làm giảm tính thanh khoản của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh những người cần bán bất động sản gấp có thể chịu thiệt thòi. Chi phí về hành chính cũng có thể sẽ tăng bởi quy trình quản lý và giám sát thời gian sở hữu để áp dụng thuế phù hợp có thể làm tăng chi phí hành chính cho cơ quan thuế và tạo thêm gánh nặng cho người dân. Ngoài ra, cũng có thể có một số cá nhân hoặc tổ chức có thể tìm cách lách luật, chẳng hạn bằng cách sử dụng các giao dịch tặng cho, thừa kế, hoặc các hợp đồng giả tạo để né tránh việc áp thuế cao.

Nhìn chung, đề xuất này có ý nghĩa tích cực trong việc hướng tới một thị trường bất động sản ổn định và minh bạch hơn. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cần xây dựng quy định cụ thể và rõ ràng về cách xác định thời gian sở hữu, tăng cường năng lực quản lý của cơ quan thuế để tránh gian lận, đánh giá tác động thực tế đến thị trường và cân nhắc mức thuế phù hợp để không làm giảm tính thanh khoản hoặc gây khó khăn cho những người giao dịch hợp lý. Nếu triển khai đúng cách, đây có thể là một biện pháp tốt để quản lý thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu chi tiết và lộ trình thực hiện rõ ràng để đảm bảo hiệu quả và tránh gây ra các hệ lụy tiêu cực.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW 15
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Trước đó chúng ta đã có đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 và nay tiếp tục đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu giống như các nước. Theo Luật sư, nên chọn cách đánh thuế bất động sản ở Việt Nam như thế nào cho phù hợp?

Trả lời:

Đầu tiên, về đặc điểm thị trường, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang rất sôi động, đặc biệt tập trung ở các đô thị lớn. Xu hướng đầu tư vào bất động sản vẫn rất mạnh, cả từ người dân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Vẫn tồn tại tình trạng đầu cơ bất động sản, đặc biệt là ở phân khúc đất nền và căn hộ cao cấp. Điều này dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng nhanh, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Điều đó dẫn đến giá nhà đất tại nhiều khu vực đã tăng rất cao trong những năm gần đây, gây áp lực lớn lên người dân, đặc biệt là người trẻ.

Để giải quyết tình trạng ấy, đánh thuế bất động sản (BĐS) là một công cụ quản lý thị trường cần thiết, nhưng cần được thiết kế phù hợp với bối cảnh Việt Nam để đảm bảo hiệu quả và công bằng. Trước mắt, việc đánh thuế lũy tiến đối với bất động sản thứ hai trở đi là cần thiết nhằm hạn chế đầu cơ, khuyến khích sử dụng hiệu quả tài sản và tăng nguồn thu ngân sách. Đồng thời, có thể áp dụng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS dựa trên thời gian sở hữu, với thuế suất cao cho giao dịch ngắn hạn và giảm dần nếu thời gian sở hữu dài hơn, qua đó giảm tình trạng mua bán lướt sóng và thúc đẩy đầu tư dài hạn. Về lâu dài, việc đánh thuế tài sản dựa trên giá trị thị trường của bất động sản cũng cần được xem xét, kết hợp miễn hoặc giảm thuế cho các bất động sản phục vụ nhu cầu thiết yếu như nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để các chính sách thuế đạt hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản lý đất đai minh bạch, có cơ sở dữ liệu toàn diện và đảm bảo công bằng trong thực thi, đồng thời cần một lộ trình triển khai rõ ràng cùng truyền thông minh bạch để tránh tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và người dân, nâng cấp hệ thống quản lý đất đai, số hóa thông tin để đảm bảo dữ liệu chính xác và minh bạch.

Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn bất động sản

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan