(VNF) - Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, đánh thuế đối với nhà đất thứ hai thời điểm này là chưa phù hợp khi thị trường bất động sản đang đóng băng. Về lâu dài, đề xuất này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW.
Khi TP HCM đề xuất đánh thuế tài sản với nhà đất thứ hai, một lần nữa, những tranh cãi về vấn đề này lại giấy lên. Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW.
- TP. HCM đang nghiên cứu cho phép thí điểm đánh thuế đối với nhà đất từ thứ hai trở đi. Ông cho biết quan điểm về đề xuất này?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên tiến hành nghiên cứu cho phép thí điểm đánh thuế đối với nhà đất từ thứ 2 trở đi nhằm khuyến khích chủ sở hữu đất đai sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó, tránh hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân đã mua gom nhà đất rồi để hoang, chờ tăng giá bán kiếm lời, đồng thời, sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn sau đây cần làm rõ để chính sách này có hiệu quả.
Thứ nhất: Đây là một chính sách cần phải xem xét tính hợp lý ở nhiều phương diện, đặt trường hợp, có những người chỉ sở hữu một căn hộ, biệt thự hay ngôi nhà duy nhất, nhưng trị giá nhiều chục tỷ đồng, lại không bị đánh thuế, còn người ở nông thôn sở hữu 4-5 mảnh đất, ngôi nhà, nhưng tổng giá trị cộng lại không bằng số lẻ của biệt thự, penthouse, nhà ở khu đất vàng có giá trị vô cùng lớn... lại bị đánh thuế do sở hữu nhà đất từ thứ hai trở đi. Điều này là không đảm bảo tính công bằng.
Bên cạnh đó, nếu đánh thuế nhà sẽ vô cùng phức tạp trong khâu quản lý vì hàng năm, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà đất phải rà soát lại hàng chục triệu ngôi nhà, căn hộ chung cư các loại, tính toán xem sau mỗi năm giá trị ngôi nhà, căn hộ chung cư còn lại bao nhiêu, rồi nhân với thuế suất.
Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan thuế trong bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu đất đai và nhà ở đầy đủ.
- Mục tiêu của việc đánh thuế nhà đất là để hạn chế đầu cơ. Ý tưởng đánh thuế nhà đất từ căn nhà, mảnh đất thứ hai trở đi không phải là không có cơ sở, thưa ông?
Trong bối cảnh giá nhà và đất tăng cao so với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân, tỷ lệ lớn các giao dịch giá trị lớn mang tính chất đầu cơ, và thị trường tăng giảm biến động bất thường.
Việc đánh thuế mạnh lên bất động sản bỏ hoang hay thuế nhà đất mục đích là để những ai có đất nhưng không có nhu cầu để ở, sản xuất kinh doanh, hay cho thuê, mà chỉ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá, sẽ phải đưa nguồn đất đó ra thị trường hoặc bắt buộc phải cho thuê hoặc tối thiểu xây nhà trọ, đem vào sản xuất kinh doanh gì đó.
Tóm lại, điều đó sẽ làm nguồn cung nhà đất tăng lên đáng kể. Và khi nguồn cung tăng mạnh thì giá cả bất động sản cũng sẽ dần tiến về giá trị thực của nó. Tức là giá đất sẽ tăng, giảm theo sự phát triển kinh tế và dân số, chứ không tăng một chiều mà chẳng theo quy luật nào như hiện nay.
Ở đây, thực trạng rất đáng báo động về giá bất động sản đang tăng quá cao so với thu nhập của người dân. Điều này dẫn đến những bất ổn tiềm tàng cho tương lai của xã hội. Việc đánh thuế đối với chủ sở hữu ngôi nhà thứ hai trở lên cũng với mong muốn sẽ đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó, tạo cơ hội cho việc an sinh xã hội trong tương lai.
- Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Việc đánh thuế đối với nhà đất thứ hai sẽ hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản; giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn và sẽ tạo điều kiện cho người có nhu cầu thật có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm trên thị trường, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, chính sách này về lâu dài phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu áp dụng phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người mua căn nhà đầu tiên mới công bằng và cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện, mức sở hữu bất động sản cũng như mức thuế phải đóng.
Bên cạnh đó, áp dụng ở thời điểm này là chưa phù hợp khi thị trường bất động sản (BĐS) đang đóng băng. Đánh thuế sẽ tạo tâm lý hoang mang, thị trường đã khó càng khó hơn. Và khi triển khai các vấn đề liên quan đến việc đánh thuế sở hữu căn nhà thứ hai trở đi thì cần xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau nhằm cân bằng được lợi ích của cá nhân chủ sở hữu và đảm bảo được lợi ích chung của toàn xã hội.
- Nhưng đánh thuế với tất cả đất đai và căn hộ chung cư liệu có hợp đạo lý không?
Nguyên tắc thuế là tạo sự công bằng, phân phối lại. Người có thu nhập cao phải đóng thuế nhiều. Thực tế cho thấy việc áp thuế đối với đất đai và căn hộ chung cư có tác dụng rất lớn đối với xã hội, tăng thêm nguồn thu ngân sách, từng bước làm hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí, lấn chiếm dụng đất công và gây mất ổn định trật tự xã hội.
Người có nhiều nhà đất phải đóng thuế cao cho ngân sách địa phương. Nguồn thu thuế đó để địa phương nâng cấp hạ tầng giao thông, an sinh xã hội, an ninh trật tự…
Từ đó địa phương thu hút được nhiều dự án, góp phần phát triển kinh tế quốc gia, kinh tế địa phương và giúp giá bất động sản tăng, người sở hữu được hưởng lợi nhiều hơn. Chính vì vậy, việc đóng thuế là hợp lý.
-Trân trọng cảm ơn ông!