Đánh giá tác động của dự án Luật "Phòng, chống tác hại của rượu, bia" đối với kinh tế xã hội; Vấn đề Quỹ và Ngân sách hiện nay

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH là diễn giả tại Chương trình tọa đàm về Dự án Luật "Phòng, chống tác hại của rượu, bia". Tại buổi Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, cụ thể:

Thứ nhất: Về tên gọi của Luật, theo quan điểm của Luật sư Hà, nên để tên luật là Luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia thì mới đánh giá đúng bản chất của luật.

Thứ hai: Hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, có đến 85 văn bản, từ luật đến các thông tư hướng dẫn có các quy định liên quan đến quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, bia.

Trong đó có:

10 Luật (Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, ...),

1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

28 Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ;

8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

38 Quyết định, Chỉ thị, Thông tư.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn (Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 14/2/2014).

Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia là một trong những lĩnh vực có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Trong thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật trên đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định các nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn như hạn chế quảng cáo rượu, hạn chế tiếp cận rượu, bia…Tuy nhiên, nhiều quy định pháp luật vẫn chưa đi vào thực tế cuộc sống.

Thứ ba: Trong Bản dự thảo Luật mới nhất ngày 12/12/2017 mà tôi có tiếp cận được, các quy định được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đa phần mới chỉ tập trung vào nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu, bia trong xã hội chứ chưa tập trung vào việc phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu, bia.

Trên thực tế, việc lạm dụng rượu, bia mới là vấn đề cần được tuyên truyền, kiểm soát và quản lý chặt chẽ.

Trong “Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014 cũng đã chỉ rõ việc thông tin, giáo dục, truyền thông là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn.

Vì vậy, thay vì đưa nhiều quy định “cấm” trong luật, các cơ quan soạn thảo cần đưa ra biện pháp để tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về sử dụng rượu, bia

Thứ tư, Điều 8 của dự thảo Luật, Bộ Y tế quy định hàng loạt biện pháp kiểm soát như: nghiêm cấm khuyến mãi rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng dưới mọi hình thức; cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức với rượu bia trên 15 độ.

Với bia rượu dưới 15 độ, cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông, công trình công cộng, phương tiện quảng cáo ngoài trời...

Về điểm này, Luật sư Hà có ý kiến như sau:

Việc cấm quảng cáo có thể dẫn tới cạnh tranh về giá, tức là các doanh nghiệp đua nhau giảm giá và có thể dẫn tới những hành vi có hại hơn, làm gia tăng việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Trong Luật quảng cáo 2012, đã có yêu cầu thành lập hội đồng thẩm định quảng cáo và xây dựng quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Do đó, việc tiếp thị quảng cáo các sản phẩm bia sẽ phải tuân thủ theo những nguyên tắc này, đảm bảo tính lành mạnh thị trường.

Do đó, theo tôi chỉ nên tập trung vào việc cấm những hành vi quảng cáo gây hại như nhắm đến đối tượng vị thành niên, khuyến khích việc uống quá mức kiểm soát hoặc gắn ghép việc sử dụng thức uống có cồn với lái xe, các hành vi nguy hiểm, bạo lực.

Trong Điều này Dự thảo còn có đề xuất cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi giải trí.

Điều này là bất hợp lý. Nếu Luật được ban hành thì một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được xã hội hóa (do các doanh nghiệp tài trợ) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của đất nước.

Thứ năm, Phương án 1 Khoản 4 Điều 13 Dự thảo quy định: “Chỉ bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau: từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 24 giờ trừ trường hợp bán rượu, bia tại các sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch”.

Quy định trên sẽ rất khó khả thi mà chỉ giúp tăng thêm thu nhập cho những nhóm lợi ích trong các lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tạo thêm nguồn sống cho nạn tham nhũng vặt. Do đó, Luật sư Hà ủng hộ phương án: “Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia”.

Thứ sáu, Phương án 2 Khoản 2 Điều 16 Dự thảo quy định “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông” quy định này cũng khó khả thi trong điều kiện hiện nay. Do đó, Luật sư Hà ủng hộ phương án 1: “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu vượt quá 30mg/100ml máu hoặc 0,15mg/1 lít khí thở khi tham gia giao thông”.

Thứ bảy, theo Điều 19 Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu rượu bia sẽ phải đóng góp thêm 0,5-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 60% và sẽ tăng lên 65% từ ngày 1/1/2018.

Việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm vào Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ và sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn. Do đó, Luật sư Hà ủng hộ phương án 3 trong Dự thảo Luật này.

Thứ tám: Hiện nay có nhiều văn bản, quy định về sản xuất rượu, bia đã ban hành nhưng một điều quan trọng là quy định tiêu chuẩn, kỹ thuật thì chưa có. Vì vậy, điều cần thiết nhất là phải có ngay bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và test nhanh lượng Methanol trong rượu bia, tôi nghĩ, luật cần đề cập tới vấn đề này rõ hơn đó là giao cho cơ quan nào sẽ chủ trì việc xây dựng bộ quy chuẩn này.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan