Đăng ký sáng chế: Doanh nghiệp Việt Nam đang “mặn mà” dần

Nội dung bài viết

Để mất thương hiệu, mẫu mã, kiểu dáng… do chính doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu chỉ vì “ngại” đăng ký sở hữu trí tuệ không còn xa lạ ở Việt Nam. Những bài học đau như “cắt thịt của chính mình” đã khiến hoạt động này đang dần được quan tâm hơn.

Theo ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam không thể không quan tâm đến phát triển tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) và bảo hộ tài sản trí tuệ. Đã không ít doanh nghiệp đã tự bảo vệ được tài sản của mình khi coi trọng công tác này – nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Bài học đáng giá

Câu chuyện về Doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi 2 lần bảo vệ được mình tại 2 quốc gia là Mỹ và Nhật Bản trong việc tranh chấp bản quyền được nhiều doanh nghiệp biết đến như một ví dụ minh chứng cho việc tự bảo vệ mình bằng pháp luật. Đó là vào năm 2002, trong khi võng xếp Duy Lợi được thị trường trong nước và nhiều nơi khác như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… ưa chuộng thì doanh nghiệp này nhận được thông báo của nhóm Johnson Miki của Nhật Bản yêu cầu phải dừng ngay sản xuất. Nếu tiếp tục sản xuất và xuất khẩu vào Nhật Bản, Duy Lợi phải trả cho nhóm này 4 đôla/sản phẩm nếu không sẽ bị kiện sạt nghiệp. Thậm chí họ còn cho rằng sản phẩm của Duy Lợi không được bán tại 112 quốc gia thành viên của Hiệp hội sáng chế Quốc tế. Lý do được nhóm Miki đưa ra là hãng Duy Lợi đã “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Doanh nghiệp đến nộp đơn đăng kí sáng chế, giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh. Mai Hà)

Trước thông tin này, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp đã nghiên cứu pháp luật và đưa ra các bằng chứng lên Cơ quan sáng chế Nhật Bản. Kết quả là cơ quan này đã phải bỏ văn bằng giải pháp hữu ích “Khung võng tiện dụng” của nhóm Miki. Đến tháng 3.2003, thương hiệu võng xếp Duy Lợi được trả lại tên và khai thông tại thị trường Nhật Bản.

Sở dĩ ông Lợi bảo vệ được được thương hiệu của mình là vì trước đó ông đã đi đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm khung mắc võng tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Cơ quan này cũng đã cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho ông Lâm Tấn Lợi từ ngày 23/3/2000.

Một lần khác thương hiệu Duy Lợi lại có dịp được “cọ xát” ở Mỹ. Tại thị trường này võng xếp Duy Lợi chỉ xuất một container hàng duy nhất, rồi sau đó các đơn đặt hàng từ Mỹ biệt vô âm tín. Thấy có hiện tượng khác thường, tìm hiểu mới biết tại Mỹ cũng có một doanh nghiệp do ông Chung Sen Wu đứng tên đã được Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế cho chiếc võng giống hệt với chiếc võng xếp Duy Lợi. Và chính điều này mà Võng xếp Duy Lợi vĩnh viễn không được xuất vào thị trường Mỹ.

Ngay sau đó, ông Lợi đã gửi đơn sang Mỹ yêu cầu USPTO hủy hiệu lực bằng sáng chế mà cơ quan này đã cấp cho ông Chung Sen Wu với lý do là ông Lâm Tấn Lợi đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp từ ngày 23.3.2000 trong khi ông Chung Sen Wu nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Mỹ vào ngày 15.8.2001. Sau hơn 1 năm đấu tranh bền bỉ, đầy gian nan, ông Lợi cùng với luật sư của mình một lần nữa tìm lại được sự công bằng cho thương hiệu Võng xếp Duy Lợi.

Theo ông Hùng, việc không đăng ký hoặc việc chậm trễ đăng ký nhãn hiệu sẽ không thực hiện được việc xác lập quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu đó. Do đó doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong khai thác nhãn hiệu, ví dụ như trong thủ tục quảng cáo nhãn hiệu, chuyển nhượng, lixăng nhãn hiệu; không có cơ sở pháp lý để kiện cáo hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm đối với nhãn hiệu của mình; không có cơ sở gốc để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài trong trường hợp hàng hóa của mình có nhu cầu bảo hộ ở nước ngoài cho hàng xuất khẩu.

Trong câu chuyện của võng xếp Duy Lợi, nếu doanh nghiệp này không đăng ký độc quyền kiểu dáng trước đó thì chắc chắn sẽ mất quyền sản xuất và đưa sản phẩm của mình xuất khẩu sang các nước khác.

Tăng dần sự tin cậy

Hàng loạt các ví dụ “nhỡn tiền” của các doanh nghiệp cả trên sân bạn lẫn sân nhà đã cho thấy không còn cách nào khác là phải bảo vệ tài sản trí tuệ trong mọi hoàn cảnh. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trong giai đoạn 2006 – 2011 hàng loạt các vụ xâm phạm quyền SHTT đã bị xử lý (hơn 4.000 vụ), trong đó riêng năm 2010 đã xử lý 1.632 vụ với tổng số tiền phạt lên tới gần 4,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sự gian lận, xâm phạm quyền SHTT ngay trong nước là khá phổ biến.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã dần tìm đến các giải pháp bảo toàn tài sản trí tuệ của đơn vị mình. Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân địa phương xác lập và bảo vệ quyền SHTT đã trở thành những hoạt động thường xuyên của hầu hết các Sở KH&CN và đã đạt được những kết quả khả quan. Số lượt tư vấn tăng dần đều qua các năm. Số liệu thống kê không đầy đủ từ các địa phương cho thấy trong năm 2006 số lượt tư vấn chỉ ở con số 2.508 lượt thì đến năm 2007 đã tăng lên 2.758 lượt và năm 2010, số lượt tăng gấp rưỡi với tổng số 4.338 lượt tư vấn). Dù chưa thể hiện được hết thực tế, song số lượng tăng liên tục lượt tư vấn cũng đã phản ánh phần nào mức độ tin tưởng của doanh nghiệp cũng như hiệu quả và chất lượng của hoạt động này tại các cơ quan quản lý SHTT địa phương. Một số địa phương tiêu biểu luôn có những hoạt động tuyên truyền tích cực và có hiệu quả như An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng...

Ông Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Sở KHCN Hải Dương cho biết, trong 2 năm, 2010 và 2011, Sở đã tư vấn, hướng dẫn cho 180 lượt doanh nghiệp và cá nhân đến tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Thực hiện cung cấp thông tin, tra cứu sơ bộ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho 125 lượt doanh nghiệp trước khi thực hiện các thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ. “Việc thực hiện chủ trương hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình, tạo dựng và phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững”, ông Bình cho biết.

Thay vì thờ ơ với chính tài sản trí tuệ của mình, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng mặn mà hơn với việc đăng ký SHTT. Mặc dù vậy, ông Hùng vẫn khuyến cáo để tránh những nguy cơ tranh chấp, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ cho tất cả nhãn hiệu nào mình đang sử dụng. Trong trường hợp có khó khăn về tài chính thì nên chọn lựa đăng ký những nhãn hiệu quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của mình.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan