Đăng hình trẻ em lên Facebook khi không có sự đồng ý của trẻ, có vi phạm pháp luật?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã trả lời phỏng vấn về vấn đề đăng hình trẻ em lên FB mà không được sự đồng ý của trẻ, có vi phạm pháp luật?

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng: “Nếu đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng facebook mà không được sự đồng ý của trẻ thì sẽ là phạm pháp”.

Ngày 01/6/2017, Luật Trẻ em năm 2016 đã có hiệu lực. Theo đó, Luật này có quy định thêm một số hành vi nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em, điển hình là hành vi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em, được quy định cụ thể tại Khoản 11 Điều 6 như sau:

“11. Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Điều 21 Luật này cũng có quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em như sau:

1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

  1. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.

Theo các quy định trên, việc đăng tải hình trên mạng facebook mà không có sự đồng ý của trẻ có thể vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng: không phải tất cả mọi hành vi đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị coi là vi phạm pháp luật nếu những hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật như Luật Dân sự, Luật Trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình.

Ví dụ: đăng tải hình ảnh của trẻ có biểu hiện nhạy cảm, bộc lộ thân thể quá đà, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sự phát triển của trẻ em hoặc những thông tin cá nhân quá riêng tư của trẻ em, những khiếm khuyết của trẻ, …

Đến thời điểm hiện tại, việc áp dụng quy định này vẫn gặp một số khó khăn:

Thứ nhất, chưa có văn bản quy định cụ thể thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em do đó khó có thể xác định hành vi này.

Thứ hai, hiện nay chưa có văn bản quy định mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền trẻ em trong Luật trẻ em do đó chưa có tính răn đe, khó áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Thiết nghĩ, Chính phủ cần ban hành Nghị định hướng dẫn Luật, Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Khi những nghị định này ra đời, hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em sẽ được xác định cụ thể, quyền lợi của trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan