Vài ngày nay có một nhóm khoảng 10 người thay phiên nhau ngồi tại trạm BOT Ninh Lộc để kiểm đếm lượt xe qua lại cả 2 chiều. Theo những người này, mục đích của việc kiểm đếm lượt xe là để minh bạch con số cụ thể lượt phương tiện qua trạm và thực thu của BOT.
“Chúng tôi nghi họ báo cáo không đúng lượt phương tiện qua trạm và số tiền thu được hàng ngày, hàng tháng lên Bộ GTVT nhằm nâng thời hạn thu phí. Chúng tôi chỉ ngồi đếm lượt xe, không quậy phá gì”, một người ngồi đếm lượt xe nói.
Nhóm này sẽ kiểm đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc trong thời gian một tuần, từ ngày 26.2 đến 4.3. Các thành viên trong nhóm chủ yếu là tài xế và người dân sống tại TP.Nha Trang và quanh khu vực trạm BOT Ninh Lộc.
Tuy nhiên, đại diện trạm BOT Ninh Lộc là ông Vũ Hải Long - Phó giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả Khánh Hòa lại cho rằng, việc người dân giám sát như thế ảnh hưởng đến an ninh trật tự của trạm, tâm lý nhân viên, tâm lý lái xe và an toàn giao thông khu vực trạm.
Hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư BOT không quy định cụ thể người dân có quyền giám sát BOT hay không. Tuy nhiên, công dân có quyền được làm những gì pháp luật không cấm là điều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp.
Trả lời báo chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay do nhóm người dân ngồi tại trạm không hề gây cản trở gì tới hoạt động thu phí nên đơn vị chưa có biện pháp can thiệp. Trường hợp có hành động gây rối, gây khó dễ tới hoạt động thu phí, gây mất trật tự tại khu vực trạm thì Tổng cục sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc xử lý.
BOT đang có nhiều vấn đề bất cập
“Vấn đề ở đây là các dự án hầu hết được chỉ định thầu, nhiều công trình chưa thật sự cấp thiết song đã được lập dự án, đầu tư ồ ạt theo phong trào. Cơ quan chủ quản không xây dựng được một kế hoạch bài bản, trong khi lẽ ra BOT phải dành cho những dự án có tính chất liên vùng để tăng hiệu quả đầu tư. Cơ chế sàng lọc lỏng lẻo đã để lọt nhiều nhà đầu tư BOT yếu kém cả về năng lực tài chính lẫn thi công”, ông nói.
Ông Hà cũng cho rằng việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao, nhiều thông tin, dữ liệu về dự án không được công khai, dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, lạm dụng. Việc triển khai thu phí của nhà đầu tư tỏ ra thiếu hợp lý và một số có những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Hoàn toàn có khả năng xảy ra trường hợp nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền được kinh doanh công trình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm tư lợi. Nhiều dự án, chủ đầu tư dùng đủ mọi cách để gian lận, đặc biệt trong việc thu phí thực tế và con số báo cáo lên cơ quan chức năng, gây ra tình trạng số thu cao nhưng báo cáo thấp, kéo dài thời gian thu phí nhằm hưởng lợi”, ông nói thêm.
Luật sư này nhấn mạnh: “Việc người dân bức xúc với các dự án BOT một phần xuất phát từ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan có liên quan. Việc chỉ định thầu BOT chính là mảnh đất mầu mỡ cho các nhóm lợi ích tận dụng đề thực hiện dẫn đến nhiều bất cập”, ông Hà nhấn mạnh.
Nguồn: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/lstran-minh-hung-dan-giam-sat-tram-bot-la-dieu-dang-mung-108206.html