Đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Câu chuyện hội nhâp trên Truyền hình nhân dân về vấn đề: “Đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài”. Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:

  1. Ông đánh giá thế nào về tính cần thiết của việc xây dựng Nghị định về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định “NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”. (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, thì số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua.

Bên cạnh số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng thì lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng đang tiếp tục tăng lên qua các năm. Theo quy định của một số nước thì việc áp dụng BHXH đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng sẽ là tiền đề cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội được tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà NLĐ đến làm việc.

Như vậy, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao do một số yếu tố như Hiệp định thương mại tự do, hội nhập khu vực, phát triển kinh tế, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và dòng chảy tự do của lao động có tay nghề giữa các nước thành viên ASEAN.

Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cần thiết.

  1. Tuy nhiên, việc xây dựng Nghị định này đang gặp nhiều vướng mắc như việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế…Ông có chia sẻ thế nào về điều này?

Trả lời:

Việc thực hiện BHXH bắt buộc với NLĐ nước ngoài là một xu thế chung, đòi hỏi từ thực tế, tuy nhiên việc thực hiện sẽ không hề dễ dàng.

Thứ nhất, do đặc thù công việc ngắn hạn, theo các dự án nên NLĐ nước ngoài chỉ mong muốn được tham gia các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi hết hợp đồng họ phải về nước ngay lập tức nên việc giải quyết chế độ BHXH có được kịp thời hay không và họ có được chọn đồng tiền theo mong muốn không? Mặt khác, trong dự thảo Nghị định còn nhiều từ ngữ có nhiều cách hiểu, khiến các DN khó giải thích NLĐ, …

Thứ hai, có thể phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong chi trả, ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ, giấy tờ bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, đòi hỏi cán bộ ngành BHXH cũng như các cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cao trình độ ngoại ngữ, ứng dụng CNTT thông tin, liên thông dữ liệu với các nước, …

Thứ ba, dễ bị song trùng bảo hiểm xã hội

Dự thảo không loại trừ trường hợp người lao động nước ngoài đang được luân chuyển nội bộ trong doanh nghiệp hoặc đang nộp BHXH tự nguyện (hoặc bắt buộc) tại nước sở tại hoặc sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động và người lao động sẽ phải đóng BHXH vừa tại nước sở tại vừa tại quốc gia mà họ đang làm việc.

Thêm vào đó, việc áp dụng chế độ hưu trí và tử tuất là không cần thiết, do người lao động nước ngoài thường làm việc tại Việt Nam trong thời gian ngắn và sẽ không thể hưởng lợi theo chế độ này.

Bản dự thảo đề xuất người lao động nước ngoài trong trường hợp này có quyền yêu cầu thanh toán BHXH một lần tại Việt Nam khi về nước. Tuy nhiên, thủ tục hoàn lại chắc chắn sẽ mang đến nhiều gánh nặng về thủ tục hành chính cho tất cả các bên, bao gồm cơ quan BHXH, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài.

  1. Chúng ta cần có những biện pháp gì để tránh song trùng bảo hiểm xã hội?

Trả lời:

Để tránh song trùng bảo hiểm xã hội, điều kiện cần là quy định luật pháp của quốc gia. Điều này đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH của nước ta. Còn điều kiện đủ là phải có những hiệp định song phương về BHXH giữa nước ta và nước sở tại NLĐ, để có thể quy đổi, thực hiện chính sách BHXH một cách liên thông, tương đồng, bình đẳng. Đây là phấn đề phức tạp, mỗi nước có một quy định và một thể chế khác nhau nên để thống nhất được việc đóng BHXH bắt buộc như thế nào là rất khó. Hơn nữa, nước nào cũng muốn quản lý người lao động đến làm việc tại nước mình.

Do đó, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nên với đại diện các quốc gia để đi đến thống nhất về Hiệp định tránh đóng BHXH hai lần, mà trước tiên là các nước có nhiều lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam nhất, ví dụ như Hàn Quốc.

  1. Đối với các quốc gia VN chưa có hiệp định về hợp tác lao động thì VN cần chú ý gì?

Trả lời:

Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên hoãn hiệu lực áp dụng các quy định trên cho tới khi Việt Nam ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm với quốc gia khác để tránh việc nộp BHXH hai lần.

Đồng thời, cơ quan quản lý ngành cần tạo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam. Đồng thời nên có quy định nhóm người lao động nước ngoài không phải đóng BHXH bắt buộc tại Việt Nam.

  1. Theo ông khi xây dựng nghị định cần lưu ý những gì để đảm bảo quyền lợi của người lao động nước ngoài mà vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế?

Trả lời:

Dự thảo Nghị định cần xây dựng lại theo kiểu hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và các nước, trên cơ sở có đi có lại, bảo vệ quyền lợi NLĐ của cả 2 nước. NLĐ phải được đóng hưởng mức lương ở nước sở tại; đảm bảo tính tương đồng về mức đóng, tỷ lệ hưởng, cộng nối thời gian công tác… Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng phải tính đến vấn đề pháp luật thuế, bảo vệ quyền con người, toàn diện hơn nữa.

Hiện nay thời hạn hợp đồng lao động một tháng là người lao động phải đóng BHXH là quá ngắn và không thực tế, do đó nên tăng mức thời hạn hợp đồng lao động phải đóng BHXH bắt buộc lên 6 tháng hoặc hơn; không áp dụng chế độ hưu trí và tử tuất đối với người lao động nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cần tạo sự linh hoạt cho lao động nước ngoài nhận trợ cấp BHXH một lần trước khi rời Việt Nam.

Trên thực tế, quy định mức đóng BHXH hiện nay khá cao, sẽ làm tăng chi phí lớn đối với những doanh nghiệp sử dụng hàng trăm hoặc hàng nghìn lao động nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, thiết nghĩ nên giảm mức đóng BHXH cho đối tượng doanh nghiệp này. Ngoài ra, cần đánh giá tác động của thủ tục hành chính khi áp dụng từng chế độ BHXH để tạo điều kiện thực hiện cho cơ quan thi hành, người lao động nước ngoài và sử dụng lao động.

Trong chương trình của truyền hình Netviet, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi và tư vấn về trình tự thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Mời quý vị đón xem:

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan