Đặc điểm và thực trạng về Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SB Law đã có phần trả lời trên chương trình Kinh doanh và Pháp luật VTV2 về vấn đề hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nội dung cụ thể như sau:

1. Thưa Luật sư, cùng với sự phát triển của KHCN, việc chuyển giao công nghệ giữa các DN – DN hiện nay khá phổ biến, nhất là DN nước ngoài – DN Việt, kéo theo đó là không ít tranh chấp hợp đồng chuyển giao công nghệ đã xảy ra. Vậy, Luật sư nhận định như thế nào về thực trạng này? (Tính chất, nguyên nhân…?)

Trả lời:

Theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã hoàn thiện cơ bản các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Tiếp theo đó, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành nhiều nghị định, thông tư để hướng dẫn, cụ thể hóa đối với việc khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, cụ thể: Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 02/2018/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chế độ báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, …

Tuy nhiên, tài sản trí tuệ là một khái niệm vô cùng rộng gồm nhiều tài sản vô hình khác nhau như bằng độc quyền sáng chế, quyền tác giả, bí quyết, nhãn hiệu, bí mật thương mại…

Chính vì thế, đây là nguyên đầu tiên dẫn tới việc tranh chấp hợp đồng chuyền giao công nghệ. Đối tượng của loại hợp đồng này quá rộng, đòi hỏi cần mô tả chi tiết, chuẩn xác cao. Những hợp đồng có mô tả kỹ thuật bằng văn bản hoặc các tài liệu khác một cách mập mờ thường tiềm ẩn rủi ro rất cao, đôi khi là có cả sự lừa đảo trong đó. Do vậy, nếu không làm rõ vấn đề này thì rất dễ làm phát sinh tranh chấp khi hợp đồng được ký kết.

Bên cạnh đó, các điều khoản cũng như các thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng không rõ ràng có thể gây ra những bất hòa trong kinh doanh và dẫn tới tranh chấp. Ví dụ như trong hợp đồng không quy định rõ phạm vi quyền hạn các bên được phép thực hiện, trách nhiệm pháp lý thì bên nhận chuyển nhượng có thể căn cứ vào đó mà vượt quá những gì đã thỏa thuận.

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng đươc chuyển giao trong hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc tranh chấp. Sau khi ký hợp đồng, bên thứ ba khiếu nại rằng quyền sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ đó là của họ. Bên chuyển giao lại xảy ra tranh chấp trong việc xác nhận quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Từ đó, bên nhận chuyển giao cũng phải đói mặt với những tranh chấp pháp lý kéo theo.

2. Luật sư có thể cho biết đặc thù của hợp đồng chuyển giao công nghệ. Theo Ông, các DN cần lưu ý gì trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng này?

Trả lời:

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là cam kết giữa hai hay nhiều bên thỏa thuận về việc chuyển giao công nghệ. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có những đặc thù riêng so với các hợp đồng thông thường khác. Cụ thể:

Thứ nhất, về chủ thể hợp đồng chuyển giao công nghệ: Chủ thể hợp đồng chuyển giao công nghệ là chủ thể có lợi ích hợp pháp trong việc chuyển giao công nghệ, bao gồm bên giao và bên nhận công nghệ. Chuyển giao công nghệ và việc chuyển giao một tài sản có nguồn gốc, do vậy người chuyển giao phải là người có quyền định đoạt tài sản và người nhận quyền tài sản không thể nhận nhiều quyền hơn người chuyển giao tài sản.

Thứ hai về đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ: Theo quy định tại Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:

“a) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

b) Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

c) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

d) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.”

Như vậy, đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ là công nghệ tồn tại dưới hình thức quyền tài sản (tài sản vô hình) bao gồm cả tài sản và công việc.

Thứ ba, về tính chất của hợp đồng chuyển giao công nghệ: Theo quy đinh tại Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể là một hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lâp; cũng có thể là chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ, … Một số điều khoản không được phép đưa vào hợp đồng chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo sự tự nguyện của các bên khi giao kết hợp đồng.

Thứ tư, về hình thức của hợp đồng chuyển giao công nghệ: Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng. Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Dẫn chiếu đến khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 quy định như sau:

“1. Hợp đồng chuyển giao công nghệphần chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

a) Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

b) Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

c) Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký quy định tại khoản 1 Điều này […]”.

Thứ năm, về luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng:

Tùy thuộc vào đối tượng của hợp đồng và hình thức chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật thương mại năm 2005, Luật đầu tư năm 2020, Bộ luật dân sự năm 2015, …

Do đó, khi ký kết hợp đồng này, phạm vi chuyển giao công nghệ cần phải được xem xét, quy định rõ ràng. Điều này được thể hiện dưới các điều khoản “cho phép sử dụng” các quyền khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của các bên. Một hợp đồng chuyển giao với phạm vi rộng sẽ mang lại nhiều khả năng linh hoạt nhưng doanh nghiệp lại không thể khai thác hết các khả năng đó đển đem lại lợi nhuận. Một hợp đồng với phạm vi hẹp sẽ đỡ tốn kém nhưng lại không linh hoạt từ đó dễ dấn tới việc vượt quá phạm vi quyền mà xảy ra tranh chấp. Doanh nghiệp cần phải biết mình cần có những quyền sử dụng nào để ký hợp đồng một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, các vấn đề về trách nhiệm của các bên và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp cũng là những vấn đề các doanh nghiệp cần phải lưu ý. Hiện nay, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp khá phổ biến, nhất là giữa doanh nghiệp đa quốc gia. Mỗi nước lại có quy định khác nhau về vấn đề này do đó việc thống nhất về trách nhiệm của các bên khi tham gia hợp động, trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng và cách giải quyết tranh chấp phải được nêu rõ ràng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan