Trên Diễn đàn Pháp Luật, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SB Law) cho rằng, hiện nay pháp luật về đấu thầu còn nhiều lỗ hổng cần phải sửa đổi.
Sau vụ việc “thổi giá” chênh gần 5 tỷ đồng khi mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị phanh phui, nhiều tỉnh thành đã đưa ra những con số rất khác nhau về giá mua trang thiết bị này.
Vấn đề đặt ra là tại sao lại có tình trạng loạn giá trong việc mua trang thiết bị y tế như vậy? Trả lời câu hỏi này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
-Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Thời gian vừa qua, vụ việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước đã gây nhiều xôn xao dư luận. Trong vụ việc này, mỗi địa phương khi đấu thầu máy xét nghiệm COVID-19 có giá khác nhau, trong đó chênh nhau đến hàng tỷ đồng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do này.
Nguyên nhân chính là nằm ở việc chỉ định thầu và thẩm định giá. Đặc biệt, là thiếu vai trò giám sát của Bộ Y tế nên không có một mặt bằng giá chung để mua máy xét nghiệm dẫn đến việc các địa phương cũng không có cơ sở để đối chiếu giá, điều này gián tiếp tiếp tay cho một số doanh nghiệp trục lợi.
-Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều quan điểm tỏ ra nghi ngờ việc có hay không việc “bắt tay” giữa chủ đầu tư với nhà thầu, trong đó có vai trò không nhỏ của đơn vị thẩm định giá để “thổi giá” nhằm trục lợi bất chính. Luật sư có bình luận gì về điều này?
Theo quy định Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, các đơn vị khi chỉ định thầu phải thuê thẩm định giá, yêu cầu nhà thầu lựa chọn sản phẩm với mức giá phù hợp với giá thị trường trong và ngoài nước. Sau khi thẩm định giá đưa ra ý kiến, cần phải có hội đồng hoặc tổ thẩm định giá để lựa chọn mức giá hợp lý nhất.
Do đó, như đã trình bày ở trên, nguyên nhân gây loạn giá, có lỗi do người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Cho đến thời điểm này, chính các đối tượng cũng đã thừa nhận đây là hành vi tự thổi giá, nâng giá máy móc thiết bị lên để trục lợi. Số tiền các bị can chiếm đoạt trong vụ án này gần 5 tỷ đồng, có nghĩa là nâng giá gấp 3 lần giá trị thực tế.
-Vậy thưa Luật sư, phải chăng các quy định của pháp luật về đấu thầu hiện nay còn nhiều kẽ hở để dẫn đến sự việc đáng tiếc vừa nêu?
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 thì:
“1. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách; ...”
Như vậy, các gói thầu trên được phép chỉ định thầu, để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng như đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, chỉ định thầu này phải tuân thủ các quy định, từ Điều 54 cho đến Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về việc lựa chọn nhà thầu, trong đó việc lựa chọn nhà thầu phải xem xét những nhà thầu có đủ năng lực, điều kiện máy móc thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn và có Hội đồng để xét duyệt và xem xét việc chào giá. Do đó, trường hợp để loạn giá đầu tiên phải kể đến vai trò của người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Tiếp đó là thành viên các hội đồng hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương.
Điểm mấu chốt trong việc quyết định giá trị của một sản phẩm là bao nhiêu, nếu không có những chế tài cụ thể khống chế trong thẩm định giá thì đây sẽ trở thành một trong những lỗ hổng nguy hiểm nhất, để các đối tượng luồn lách, lợi dụng rút ruột ngân sách.
-Vậy thì theo Luật sư, cần bịt những lỗ hổng về pháp luật trong đấu thầu như thế nào để không còn xảy ra tình trạng “loạn giá” mua sắm trang thiết bị cũng như không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi bất chính?
Pháp luật đấu thầu hiện hành của nước ta có hiệu lực từ năm 2013 đến nay đã được 7 năm đưa vào thực hiện. Trong khi mỗi năm kinh tế-xã hội đang phát triển và thay đổi không ngừng. Vì vậy có nhiều vấn đề, lĩnh vực đã lỗi thời và không theo kịp với thực tế xã hội. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng những lỗ hổng này nhằm “lách luật” và trục lợi cá nhân. Thiết nghĩ, Nhà nước ta nên có những biện pháp để đưa ra những dự thảo, ý kiến, dựa trên những trường hợp thực tế và dự đoán trước những tình huống có thể xảy ra để sửa đổi Pháp luật đấu thầu và các văn bản có liên quan khác.
Thứ nhất, cần nâng cao công tác quản lý và các điều kiện để thắt chặt giám sát các hoạt động, hạn chế được vi phạm. Hơn nữa, việc nâng cao các điều kiện cũng khiến cho các nhà thầu phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn từ đó chất lượng được nâng cao và công tác quản lý cũng trở nên dễ dàng hơn.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật sao cho việc chỉ định thầu phải diễn ra theo đúng quy trình có sự kiểm soát và gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Tăng mức chế tài xử phạt để các cá nhân, tổ chức liên quan cố tình không tuân thủ nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt thích đáng. Từ đó mới hạn chế được hiện tượng lợi dụng lách luật như hiện nay.
Thứ ba, cần tăng tính công khai minh bạch trong các quá trình thực hiện để không chỉ các cơ quan có quyền giám sát mà người dân cũng có thể tham gia vào quá trình này và đưa ra những ý kiến.
-Việc thổi giá trong mua thiết bị xét nghiệm COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội không phải là vấn đề mới, bởi hiện tượng “luật ngầm” trong các dự án đấu thầu, chỉ định thầu cũng đã và đang diễn ra. Điều này khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính nếu muốn tồn tại phải chấp nhận những “luật ngầm” trong đấu thầu. Hậu quả là chất lượng đầu tư bị suy giảm, ngân sách nhà nước cũng không được đảm bảo. Đây là vấn đề đáng lo ngại, thưa Luật sư?
Hiện tượng “luật ngầm” cho đến nay vẫn tiếp tục diễn ra, minh chứng là rất nhiều vụ đã được đưa ra ánh sáng trước sự bức xúc của nhiều người. Điều này khó để giải quyết triệt để bởi pháp luật có lỗ hổng, hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều quy định chồng chéo chưa đồng bộ dẫn đến việc cồng kềnh về thủ tục khiến cho cá nhân, tổ chức vi phạm dễ dàng lợi dụng.
Nếu hiện tượng này còn tiếp diễn rộng rãi thì chất lượng đầu tư sẽ suy giảm nghiêm trọng khi mà việc sai phạm có thể xảy ra từ bước tổ chức đấu thầu. Các dự án có thể rơi vào tay các nhà thầu kém chất lượng và không có uy tín, không thực hiện theo đúng cam kết. Từ đó có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước, có thể nó sẽ không xảy ra ngay tại thời điểm đó nhưng về lâu về dài liệu công trình kém chất lượng ấy sẽ như thế nào? Và có thể sẽ lại mất một khoản chi phí để tu sửa, bảo trì hay nghiêm trọng hơn nữa là xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Ngoài ra, hiện tượng này còn gây ra những thất thoát trong ngân sách nhà nước. Bởi, “luật ngầm” như cái tên của nó là không có gì công khai, minh bạch, rõ ràng vì vậy có thể xảy ra việc các cá nhân có thể ăn chia với doanh nghiệp để trục lợi từ ngân sách nhà nước gây thiệt hại đáng kể.
Vì vậy, nếu pháp luật còn nhiều lỗ hổng, người thi hành lại cố tình vi phạm thì những hiện tượng này vẫn sẽ tồn tại và xảy ra hàng ngày. Đó chính là vấn đề lớn đáng lo ngại cần phải cân nhắc và mất một quá trình dài để hoàn thiện.
-Trân trọng cảm ơn ông!